Tiêu đề: Thực trạng tranh chấp đầu tư quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ở Việt Nam
Tranh chấp đầu tư quốc tế là tranh chấp phát sinh từ việc nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, Nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức được cơ quan nhà nước ủy quyền quản lý nhà nước dựa trên cơ sở các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại hoặc điều ước quốc tế khác có quy định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam là thành viên; hoặc các hợp đồng, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức PPP, BCC, BOT, BT…. Các chuyên gia cho rằng, tranh chấp đầu tư quốc tế là xu hướng tất yếu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế là một vấn đề phức tạp đối với các quốc gia nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các xung đột về quyền lợi dẫn đến tranh chấp xảy ra giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước là điều khó tránh khỏi. Vậy, thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Đâu là những thách thức cũng như bài học kinh nghiệm đối với cơ quan quản lý Nhà nước? Chi phí lớn, thời gian đeo đuổi vụ kiện lâu dài, ấn tượng không tốt với các nhà đầu tư nước ngoài về một môi trường pháp lý kinh doanh không minh bạch và việc thực thi kém hiệu quả các cam kết quốc tế, thậm chí, các cơ quan chức năng ở địa phương có thể trở thành mục tiêu kiện tụng để trục lợi từ các nhà đầu tư nước ngoài không lương thiện... Đó là hậu quả nhãn tiền mà Chính phủ quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể phải đối diện khi tranh chấp đầu tư xảy ra. Dù thắng hay thua, chi phí mà các bên phải bỏ ra cho những vụ kiện như thế này rất lớn. Vậy làm thế nào để hạn chế các tranh chấp đầu tư quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Xung quanh vấn đề này, Chương trình Kinh doanh và pháp luật có cuộc trao đổi với Ông Phạm Mạnh Dũng – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bạch Quốc An – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp và TS. LS Đỗ Trọng Hải – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bizlink.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Phạm Mạnh Dũng, Chính phủ Việt Nam đã phải đối diện với một số vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế do nhà đầu tư nước ngoài khởi xướng. Từ thực tiễn này, Ông đánh giá như thế nào về thực trạng, xu hướng gia tăng tranh chấp đầu tư quốc tế hiện nay?
Trả lời: Theo thống kê của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, số lượng các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế được biết đến là 696 vụ. Tại Việt Nam, đến nay đã có 06 vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam tại Trọng tài quốc tế. Không những vậy, số lượng các vụ nhà đầu tư gửi thông báo ý định khởi kiện ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2016 đã có 04 vụ nhà đầu tư gửi Thông báo ý định khởi kiện và nhiều khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài, chưa kể các vụ nhà đầu tư khởi kiện chính quyền địa phương.
- Theo pháp luật quốc tế nói chung, nhà đầu tư không được quyền kiện một quốc gia. Tuy nhiên, để khuyến khích đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với nước ngoài, trong đó từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia trong trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến việc, một khi tranh chấp xảy ra, Nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện chính phủ Việt Nam ra trọng tài quốc tế. Theo lẽ thường, khi hoạt động đầu tư nước ngoài càng phát sinh đa dạng, phong phú, sôi động, thì số lượng, tần suất, giá trị các tranh chấp đầu tư nước ngoài cũng tăng lên. Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Phóng viên hỏi: Vậy, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là gì, thưa Ông?
Trả lời: Nguyên nhân khách quan, là số lượng Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư được ký kết tăng lên, đồng thời với việc các quan hệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phát sinh ngày càng đa dạng, phức tạp, phong phú. Từ đó dẫn đến nguy cơ phát sinh tranh chấp và nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị kiện tăng lên. Trong khi đó, pháp luật về đầu tư nước ngoài và kinh doanh Việt Nam trong vài thập niên trở lại đây có nhiều thay đổi, biến động.
Nguyên nhân chủ quan, là do việc thực hiện và áp dụng pháp luật, nhất là pháp luật về đầu tư nước ngoài, ở nhiều cơ quan Nhà nước ở địa phương có lúc, có nơi chưa thống nhất, đồng bộ. Không ngoại trừ trường hợp, cơ quan Nhà nước có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, gây khó dễ, áp dụng pháp luật không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, cũng có thể có trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư cũng như những điểm vướng mắc, hạn chế trong chính sách pháp luật của Việt Nam để khởi kiện nhằm trục lợi. Tuy nhiên, theo tôi, một khi đã tham gia vào sân chơi toàn cầu hóa, chúng ta phải chấp nhận thực trạng này và phải tự hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về đầu tư nước ngoài, chống tiêu cực, tham nhũng thay vì “đổ lỗi” cho sự “trục lợi” của nhà đầu tư.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Bạch Quốc An, dưới góc độ là đơn vị đại diện trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, Ông đánh giá như thế nào về tính chất của vụ kiện này cũng như thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp đầu tư tại Việt Nam hiện nay?
Trả lời: Càng ngày chúng ta lại nhận được càng nhiều các khiếu nại, thông báo ý định khởi kiện của các nhà đầu tư và thực tế cho tới nay, Bộ Tư pháp đã có 06 vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam tại Trọng tài quốc tế, trong đó CP Việt Nam đã thắng 04 vụ, 01 vụ hòa giải thành và 01 vụ hiện đang trong quá trình tố tụng. Chung ta càng mở rộng đầu tư, càng thu hút nhiều nhà đầu tư, khuyến khích đầu tư thì đương nhiên, với sự gia tăng các nhà đầu tư thì tranh chấp đầu tư có thể phát sinh là điều tất yếu dẫn đến xu hướng ngày càng gia tăng; Hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện, đương nhiên chúng ta sẽ có những điểm trùng lặp lặp, chồng chéo, chưa rõ ràng..Dẫn tới sự không thống nhất về quan điểm. Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi, các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý các nhà đầu tư NN, chúng ta có những hành xử chưa phù hợp hoặc chưa đúng theo quan điểm của phía Nhà đầu tư như việc chuyển nhượng vốn, hay liên quan đến việc bàn giao đất… Mặt khác, về phía nhà đầu tư, có những nhà đầu tư thực chất, thiện chí, nghiêm túc nhưng cũng có những nhà đầu tư, trong quá trình đầu tư lại muốn qua những vụ kiện để trục lợi…
Phóng viên hỏi: Sức ép trong cải cách thủ tục hành chính, minh bạch môi trường kinh doanh cũng đặt Việt Nam trước nhiều thách thức về tranh chấp đầu tư. Và có thể nói, giải quyết tranh chấp đầu tư là điều không dễ. Vậy, khó khăn đối với Chính phủ cũng như cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam khi đối diện với các vụ kiện tranh chấp này là gì, theo Ông?
Trả lời: Sức ép với các cơ quan quản lý Nhà nước là rất lớn, đặc biệt là liên quan đến các lĩnh vực như đất đai, môi trường, thuế… Hiện nay, Chính phủ kiến tạo thì sức ép càng lớn…Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến vấn đề minh bạch hóa, trước đó từ lâu rồi nhưng để thực hiện trên thực tế thì không phải đơn giản. Chúng ta biết, các quy định pháp luật có tính ổn định nhất định, trong một giai đoạn nhất định, nhưng các quan hệ xã hội mà đối tượng điều chỉnh của các quy định pháp luật thì luôn luôn thay đổi, luôn luôn vận động, điều này khó cho các cơ quan, người thực thi.Mặt khác, khi luật không rõ ràng, không đầy đủ, mà nguyên tắc là các cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép cũng là khó khăn vô cùng lớn… Việc tiếp nhận các cơ hội phát triển kinh tế- xã hội cho đất nước, địa phương thông qua đầu tư là rất cần thiết và được đánh giá rất cao. Trong sân chơi hội nhập quốc tế, nếu Nhà đầu tư và Nhà nước, chính quyền địa phương không nắm bắt, hiểu và thực hiện đúng các cam kết quốc tế bên cạnh việc thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam, nhằm đảm bảo chắc chắn về những vấn đề pháp lý trong quá trình quản lý Nhà nước và thực hiện hợp đồng đầu tư tại Việt Nam và phòng tránh những mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình đầu tư, đặc biệt trong những lĩnh vực mà pháp luật điều chỉnh chưa đầy đủ, đang trong quá trình hoàn thiện thì việc gia tăng các vụ kiện là hoàn toàn có cơ sở…
Phóng viên hỏi: Thưa Ông, theo Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, Bộ Tư pháp đại diện và chủ trì giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế. Vậy, từ thực tiễn tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam, theo Ông, bài học rút ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi đối diện với các tranh chấp này là gì?
Trả lời: Khi xảy ra tranh chấp là biện pháp cuối cùng của cả Chính phủ và nhà đầu tư, tức là không thể giải quyết được bằng các biện pháp khác, dẫn đến làm sao chúng ta phải có biện pháp phòng ngừa...Nhà đầu tư khi người ta gặp khó khăn, bao giờ người ta cũng kêu đến các cơ qua quản lý Nhà nước, người ta đề xuất các kiến nghị, thì nếu chúng ta giải quyết thấu đáo được các vướng mắc, kiến nghị đó và giải thích được cho các nhà đầu tư hiểu rõ các quy định pháp luật thì chúng tôi nghĩ rằng sẽ koong xảy ra tranh chấp;Quan điểm của Chính phủ Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế luôn luôn hướng tới một giải pháp làm sao bảo đảm tốt nhất quyền lợi của nhà đầu tư và cũng bảo vệ được lợi ích của Chính phủ Việt Nam. Chính vì vậy, cơ quan Nhà nước Viêt Nam, đặc biệt là Bộ Tư pháp chúng tôi luôn luôn sẵn sàng ngồi lại với nhà đầu tư, để trao đổi, thương lượng, hòa giải trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ kiện. Trên thực tế, có khi ngày mai xảy ra phiên xét xử, có khi ngày hôm nay chúng tôi đã đạt được thỏa thuận hòa giải với nhau...
Phóng viên hỏi: Vậy, về phía Bộ Tư pháp - đơn vị đã có kế hoạch gì trong việc nâng cao khả năng giải quyết tranh chấp đầu tư, thưa Ông?
Trả lời: Hiện nay, Bộ Tư pháp và Bộ KH&ĐT đang xây dựng cơ chế cảnh báo sớm và phòng ngừa tranh chấp đầu tư. Trong này, chúng tôi phân ra hai vai trò rất quan trọng. Bộ KH&ĐT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, chúng ta phân cấp về các địa phương là rất tốt những cơ chế làm sao để chúng ta giám sát một cách chặt chẽ nhất, và cơ chế làm sao cho khi nhà đầu tư người ta vướng mắc, người ta phản ánh, kiến nghị và có giải quyết nhanh, thỏa đáng...Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao khả năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư...
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Đỗ Trọng Hải, thực tế cho thấy, dù thắng hay thua, chi phí mà các bên phải bỏ ra cho những vụ kiện như thế này rất lớn, vậy, theo Ông, đâu là giải pháp để hạn chế tối đa các tranh chấp đầu tư quốc tế có thể xảy ra?
Trả lời: Theo tôi, vấn đề cốt lõi là hoàn thiện chính sách pháp luật và việc thực thi chính sách pháp luật về đầu tư nước ngoài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, sao cho phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế cũng như bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư. Phải tư duy minh bachk, xây dựng luật pháp minh bạch, thực hiện công vụ minh bạch… Chúng ta không thể cấp phép cho NĐT cục bộ địa phương… Ngoài ra, nguồn kinh phí, bao gồm cả ngân sách cho việc thuê tư vấn pháp luật, thuê luật sư có kinh nghiệm, kĩ năng để tham gia giải quyết tranh chấp tại cơ quan trọng tài nước ngoài còn tương đối eo hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế cho vấn đề này, tức là nâng cao nguồn kinh phí cho việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Phóng viên hỏi: Ngược lại, cơ quan Nhà nước, các nhà đầu tư cần phải lưu ý gì về vấn đề này, thưa Ông?
Trả lời: Một khi tranh chấp đã phát sinh, Chính phủ Việt Nam cần chủ động vào cuộc, tham gia ở tất cả các khâu của quá trình giải quyết tranh chấp, từ nghiên cứu hồ sơ vụ kiện đến đàm phán, thương lượng, cung cấp chứng cứ, tham gia tranh tụng và thi hành án. Đồng thời cũng nên nghiên cứu cơ chế huy động trí tuệ của các luật gia, luật sư trong nước. Hiện nay, các nhà đầu tư, các DN đang soi đèn pin vào chúng ta. Sức ép là đương nhiên, sức ép để buộc chúng ta phải thay đổi, phải nghiêm chỉnh…; Quan hệ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng, nếu Nhà đầu tư và Nhà nước, chính quyền địa phương không nắm bắt, hiểu và thực hiện đúng các cam kết quốc tế bên cạnh việc thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam, thì số lượng các vụ việc còn có thể tăng cao hơn nhiều trong thời gian tới với tính chất, mức độ phức tạp hơn.