Tiêu đề: Giải pháp hạn chế tình trạng nợ tiền bảo hiểm xã hội và giải pháp của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý các doanh nghiệp thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2016 tổng số nợ tiền bảo hiểm xã hội của các tỉnh, thành phố là hơn 9.550 tỉ đồng. Trong đó khoảng 1400 tỷ đồng là nợ có khả năng mất trắng do một bộ phận doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có khả năng đóng hoặc đã phá sản. Và tính đến hết quý I năm nay, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 14.019 tỷ đồng bằng 4,95% so với kế hoạch giao thu, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy là nợ bảo hiểm vẫn có dấu hiệu gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân tình trạng này? Năm 2016 là năm đầu tiên cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH. Cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện 7.578 cuộc thanh tra, kiểm tra tại hơn 13.000 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, phát hiện gần 39.400 trường hợp người lao động chưa được đóng bảo hiểm hoặc được đóng thiếu thời gian với số tiền trên 23,6 tỷ đồng; 6.800 lượt người hưởng sai quy định gần 7,9 tỷ đồng… Và theo Quyết định 260 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán thu chi năm 2017 của Bảo hiểm xã hội thì năm 2017 tổng số tiền bảo hiểm xã hội phải thu là hơn 191 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên với tình trạng nhiều doanh nghiệp cố tình trây ỳ, trốn đóng bảo hiểm thời gian qua thì liệu Ngành bảo hiểm xã hội Việt nam có thực hiện được mục tiêu đã đặt ra? Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 203.000 người tham gia BHXH tự nguyện và trên 11 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù số lượng người tham gia BHXH có tăng nhưng theo đánh giá của BHXH Việt Nam, hiện nay diện bao phủ BHXH mới chỉ đạt trên 20% lực lượng lao động, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020. Cùng với đó là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn còn phổ biến. Cụ thể số nợ BHXH ước tính hết tháng 2/2017 vào khoảng 14.800 tỷ đồng gồm cả số nợ trong năm 2016. Điều đáng lưu ý là trong số nợ đọng BHXH, có khá nhiều nợ khó đòi nằm trong các DN đã phá sản, giải thể, thậm chí DN đã bỏ trốn không tìm được, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 200 nghìn lao động. Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi các doanh nghiệp nợ đọng, trây ỳ thậm chí trốn đóng bảo hiểm xã hội? Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt nam, tính đến hết quý I/2017, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 14.019 tỷ đồng bằng 4,95% so với kế hoạch giao thu , tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Có thể thấy việc chấp hành, tuân thủ quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, doanh nghiệp luôn lấy lý do là tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nên không đủ khả năng để đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ngoài ý thức chấp hành pháp luật của chủ doanh nghiệp chưa cao, thì công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, giải quyết cũng như chế tài xử lý cho tình trạng nợ đọng BHXH chưa thật sự chặt chẽ và nghiêm khắc. Vậy dưới góc nhìn của các luật sư thì tình trạng xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội ở nước ta hiện nay như thế nào? Để trả lời các vấn đề nêu trên chúng ta cần theo dõi câu trả lời từ các khách mời của Chương trình Kinh doanh và pháp luật gồm: Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam, Ông Lê Đình Quảng, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Mai Đức Thiện, theo thông kê của Bảo hiểm xã hội Việt nam, tính đến hết năm 2016, có khoảng 1400 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm có khả năng mất trắng không thu hồi được, do một số doanh nghiệp gặp khó khăn không có khả năng đóng hoặc đã phá sản. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay?
Trả lời: Sự trây ỳ tôi nghĩ là nguyên nhân cốt yếu. Một nguyên nhân thứ 2 tôi cho rằng, nợ bảo hiểm xã hội ở đây chính là nợ người lao động, bởi vì lẽ ra người lao động hàng tháng đã phải trích một khoản tiền bảo hiểm xã hội từ lương của mình, chuyển lại cho doanh nghiệp và doanh nghiệp có trách nhiệm đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Nhưng doanh nghiệp không đóng, ở đây doanh nghiệp nợ người lao động cho nên tôi nghĩ phải có biện pháp nào đó, để người lao động nắm được thông tin, thì từ cái thông tin đó, thì người lao động cùng với các tổ chức đại diện người lao động,như Tổng liên đoàn lao động Việt nam, hoặc các tổ chức công đoàn để họ bảo vệ, họ sẽ đòi hỏi quyền lợi cho người lao động.
Phóng viên hỏi: Ông cho biết hiện nay có những mức xử phạt như thế nào đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội ?
Trả lời: Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định 95 xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội quy định, nếu trốn đóng bảo hiểm xã hội, mức phạt tối đa là 150 triệu đồng/1 doanh nghiệp. Quốc hội vừa thông qua Bộ luật hình sự sửa đổi, thì chế tài xử phạt đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng rất cao, đấy là chế tài hình sự. Bên cạnh chế tài hành chính thì chỉ xử phạt với một mức tiền thì bên chế tài hình sự xử phạt mức tiền lên tới 3 tỷ đồng và nếu mức độ vi phạm mạnh còn bị xử lý hình sự lên đến 7 năm tù.
Phóng viên hỏi: Vậy theo ông cần có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp hiện nay?
Trả lời: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải rất cao bên cạnh ý thức tuân thủ pháp luật. Thứ 2 nữa phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hiểm xã hội cho người lao động và phải làm sao để cho người lao động biết những thông tin một cách nhanh nhất về những khoản tiền mà họ tham gia bảo hiểm xã hội, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Thứ 3 phải thúc đẩy, đôn đốc việc thực hiện thu của cơ quan bảo hiểm xã hội. Một điểm nữa mà chúng tôi nghĩ phải xử lý vấn đề nợ, đó là có lẽ chúng ta phải phân loại nợ, nợ nào mà của các doanh nghiệp đã giải thể hoặc phá sản, hoặc đã bỏ trốn rồi thì phải có giải pháp khác. Làm sao phải đảm bảo thời gian người lao động làm việc cho doanh nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Bởi xét đến cùng nợ ở đây là nợ người lao động, nợ thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, chứ không phải của ai cả.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Nguyễn Trí Đại, năm 2016, Bảo hiểm xã hội đã thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành năm đầu tiên và đã phát hiện gần 39.400 trường hợp người lao động chưa được đóng bảo hiểm hoặc được đóng thiếu thời gian với số tiền trên 23,6 tỷ đồng. Chưa kể số tiền nợ đọng bảo hiểm trước đó trên 9550 tỷ đồng. Vậy những sai phạm này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyền và lợi ích của người lao động?
Trả lời: Bảo hiểm xã hội một nguyên tắc cơ bản là có đóng có hưởng, chính vì vậy nên khi các doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Trước mắt là quyền lợi khám chữa bệnh, thanh toán các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, mất sức bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Còn về phía doanh nghiệp khi nợ đọng, phải chịu tiền lãi do việc chậm đóng tiền bảo hiểm. Và trong trường hợp các doanh nghiệp nợ đọng nhiều, thì BHXH chúng tôi sẽ thông báo thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng, chính vì vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp. Thứ 3 đối với các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, thì phía cơ quan bảo hiểm xã hôi, và các cơ quan chức năng khác sẽ thanh tra, kiểm tra và sẽ xử phạt các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, có thể truy tố trước pháp luật. Và một hệ lụy nữa là việc nợ đọng bảo hiệm sẽ ảnh hưởng đến quỹ BHXH, ảnh hưởng đầu tư quỹ, nguồn tiền chi trả cho những người hiện đang hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội.
Phóng viên hỏi: Vậy trước tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt nam đã có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này thưa Ông?
Trả lời: Với cơ quan bảo hiểm xã hội, đang triển khai công nghệ thông tin trên toàn quốc, để tập trung dữ liệu, cũng như sau này sẽ cung cấp những thông tin cho người lao động tra cứu bằng các trang web, như vậy sẽ tạo điều kiện cho người lao động nắm bắt được việc hiện nay chủ sử dụng lao động có đóng cho mình không? ở mức bao nhiêu và thời gian như thế nào. Và biết được quyền lợi của mình khi nghỉ hưu sẽ như thế nào thông qua việc đóng bảo hiểm này. Sau khi được chính phủ giao cho chức năng thanh tra, phía cơ quan bảo hiểm chúng tôi cũng đang xây dựng chủ trương, đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm 6 tháng trở lên sẽ đưa vào dạng thanh tra. Nếu có biện pháp kịp thời như vậy, rõ ràng sẽ ngăn chặn được tình trạng nợ đọng kéo dài. Còn về cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thực sự khó khăn trong việc sản xuất kinhd oanh theo từng giai đoạn, thì tôi cho rằng, cũng nên có cơ chế. Đối với các doanh nghiệp khó khăn như Vinasin, Vinaline thì đã được Chính phủ khoanh nợ trong vòng 3 năm, và hiện nay trong 14.000 tỷ đồng đấy,nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, số tiền nợ đọng và số tiền lãi phát sinh khá lớn và sản xuất kinh doanh lại đang thực sự gặp khó khăn, thì chúng ta phải có cơ chế giao cho cơ quan có thẩm quyền nào đấy để khoanh nợ. Tuy nhiên hiện nay chưa có cơ sở nào, giao cho cơ quan nào làm nhiệm vụ khoanh nợ này. Chúng tôi cũng đang kiến nghị lên Chính phủ cần có cơ quan có thẩm quyền quyết định việc khoanh nợ này cho những doanh nghiệp thực sự khó khăn.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Lê Đình Quảng, Ông có đánh giá như thế nào về nguyên nhân nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay?
Trả lời: Thứ nhất đó là sự không tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của chủ doanh nghiệp chưa được cao. Tình trạng các doanh nghiệp cố tình trây ỳ không đóng bảo hiểm xã hội để lợi dụng quỹ này diễn ra khá nghiêm trọng. Trong lúc đó các chế tài xử phạt chưa đảm bảo tính răn đe. Nguyên nhân thứ 2 là việc chúng ta giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa được tốt, đặc biệt là công tác thanh tra kiểm tra và xư phạt các hành vi vi phạm pháp luật về việc chậm đóng, nợ đọng kéo dài chưa được nghiêm minh. Thứ 3 là sự phối hợp của các ngành để thống kê tình trạng tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, tham gia bắt buộc bảo hiểm xã hội giữa các ngành, các cấp có thẩm quyền chưa được tốt, trong đó còn có cả các nguyên nhân các cơ chế chính sách của chúng ta cũng chưa đầy đủ, đáp ứng được tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong tình hình mới. Ngoài ra có một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, dẫn đến họ không có điều kiện để thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, nên nợ bảo hiểm xã hội.
Phóng viên hỏi: Trước tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp, hiện đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 200 nghìn lao động. Vậy là đơn vị bảo về quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Tổng liên đoàn đã có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng này thưa Ông?
Trả lời: Đầu tiên, đó là tổ chức công đoàn đã có chương trình ký kết với bảo hiểm xã hội, và các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội cho người lao động, cho các cấp công đoàn, nhất là các cấp công đoàn cơ sở. Đề từ đó các cấp công đoàn, người lao động nắm bắt được các chính sách về bảo hiểm xã hội, để họ có biện pháp tăng cường, nắm bắt thông tin , và bảo vệ quyền lợi cho người lao động ngay từ cấp cơ sở. Thứ 2 , tổ chức công đoàn cũng tham gia xây dựng các chính sách pháp luật để làm sao các chế độ chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội phù hợp với thực tiễn. Thứ 3, tổng liên đoàn cũng phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội, trong việc giám sát, thanh tra kiểm tra và đề xuất kiến nghị xử phạt các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Và chúng tôi, cùng bảo hiểm xã hội tiếp nhận hơn 2000 bộ hồ sơ các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, để tiến hành các bước khởi kiện. Và trong quá trình đó đã có gần 800 doanh nghiệp chủ động khắc phục được tình trạng nợ tiền bảo hiểm với số tiền gần 360 tỷ đồng, chứ hiện nay việc khởi kiện đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng chúng tôi cho rằng các bước mà công đoàn làm tích cực , các doanh nghiệp đã có các bước để thực hiện có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Đào Ngọc Lý, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động. Vậy theo Ông quy phạm pháp luật Việt nam đã có đủ để xử lý triệt để tình trạng này?
Trả lời: Tôi thấy rằng, chúng ta đã có quy phạm pháp luật trong văn bản luật, cũng như những văn bản dưới luật là các Nghị Định để xử lý hành vi cụ thể trong vấn đề về nợ đọng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên thì để việc này thực thi hiệu quả thì việc phải quy định cụ thể chi tiết trong Luật, Nghị định chưa đủ mà phải là đồng bộ nhiều yếu tố, hệ thống quản lý nhà nước vận động tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động nắm vững, hiểu tầm quan trọng, quyền và nghĩa vụ của họ, biện pháp răn đe, rất nhiều giải pháp đồng bộ thì câu chuyện này mới hiệu quả.
Phóng viên hỏi: Ông có thể nói rõ hơn, những giải pháp đồng bộ để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội ở đây là những giải pháp gì không thưa Ông?
Trả lời: ĐỒng bộ các biện pháp từ hệ thống thông kê, nắm bắt thực trạng doanh nghiệp, giám sát và sử lý kịp thời đúng đối tượng. Tôi thấy rằng đấy là câu chuyện chúng ta phải dày công xem xét, và công luận nêu vấn đề này tôi thấy rất đúng hướng, trước vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội như vậy, chúng ta phải cùng nhau lên tiếng, rà soát và tìm nguyên nhân căn bản. Tôi nghĩ đó là nằm ở biện pháp thực hiện, chứ không phải vì quy phạm pháp luật thiếu. Tôi nghĩ quy phạm pháp luật khá đầy đủ và đủ sức răn đe.
Phóng viên hỏi: Vậy theo Ông, biện pháp thực hiện để giải quyết tình trạng nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội cụ thể là gì?
Trả lời: Theo tôi có mấy yếu tố, thứ nhất là cơ quan chức năng được Nhà nước giao cho nhiệm vụ này là cơ quan bảo hiểm xã hội, thì chế độ báo cáo thế nào, thanh tra giám sát ra sao, phát hiện xử lý như thế nào, cái này phải phối hợp với nhau chặt chẽ. Chứ không phải để cho người ta đến một ngày đẹp trời nào đó thấy con số khổng lồ của một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp nào đó, lúc đấy xử lý rất khó. Thứ 2 khi phát hiện ra rồi, chúng ta phải có các biện pháp từ hành chính, dân sự nếu các hành vi đó là cố ý và hành vi nguy hiểm xã hội đến một lúc nào đó chúng ta phải xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật, tôi nghĩ mới ổn.
Phóng viên hỏi: : Phải thừa nhận, không ít doanh nghiệp trây ỳ, cố tình không đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng có không ít doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn trong sản xuất. Vậy theo Ông cần có giải pháp gì để hạn chế tối đa số doanh nghiệp trây ì và trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn để quyền lợi cho người lao động luôn bảo đảm?
Trả lời: Chúng ta phải có chính sách, các cơ quan chức năng phải có biện pháp phân loại, rà soát chính xác, phân loại từng đối tượng, từng sự việc hiện tượng, để đưa ra chính sách phù hợp. Đối với trường hợp bất khả kháng, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ họ, những trường hợp khó khăn tạm thời, chúng ta có thể giảm thiểu, giãn nợ... rất nhiều biện pháp, hay chịu chế tài khác cho công bằng. Còn trường hợp cố tình, trốn tránh, trây ỳ, cố tình không đóng thì chúng ta phải nghiêm khắc xử lý.