Tiêu đề: Chuyền đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, những kỳ vọng và khó khăn

30/08/2017

Trong tiến trình phát triển chung của nền kinh tế, các hộ kinh doanh cá thể muốn bảo đảm được lợi ích thì việc chuyển đổi thành doanh nghiệp là cần thiết. Đồng thời, nếu các hộ kinh doanh muốn hoạt động được trong bối cảnh hội nhập, muốn kết nối được trong quá trình toàn cầu hóa thì phải minh bạch, phải đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp và có quy mô đủ lớn ở hình thức doanh nghiệp. Không những vậy, nếu chuyển đổi thành doanh nghiệp thì các hộ kinh doanh cá thể sẽ có nhiều điểm lợi hơn như địa bàn hoạt động rộng hơn, có thể xuất khẩu; cùng với đó là việc tiếp cận với đất đai, mặt bằng sản xuất, tín dụng đều thuận lợi hơn rất nhiều so với hình thức hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp chưa đạt được như kỳ vọng bởi những lý do khách quan và chủ quan. Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, kiêm tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà nội. Mời quý vị và các bạn theo dõi ngay sau đây.

Phóng viên: Thưa Ông, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân các hộ kinh doanh chưa mặn mà với việc chuyển thành doanh nghiệp là do dù Luật Doanh nghiệp và một số văn bản khác cũng đã có quy định nhưng chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa bao hàm hết nên chưa đủ sức hấp dẫn. Vậy theo Ông còn các nguyên nhân nào nữa mà hiện nhiều hộ kinh doanh còn có tâm lý e ngại, lo lắng nếu phải chuyển mô hình thành doanh nghiệp?
Ông Mạc Quốc Anh: Những hộ kinh doanh vẫn còn những tâm lý e ngại, đó là những rào cản. Rào cản đầu tiên đó là các thủ tục hành chính. Đối với các thủ tục hành chính từ trước đến nay như  về vấn đề thuế, thì thành lập hay ra đời công ty CP hay TNHH thì thuế họ phải nộp gần như gấp đôi so với hộ kinh doanh cá thể. Thứ 2 là nhiều thủ tục khác liên quan đến bảo hiểm, trách nhiệm đối với người lao động họ phải tuân thủ và tham gia một cách nghiêm túc, thực hiện tôn chỉ về pháp luật. Thứ 3 liên quan đến việc xúc tiến thương mại, đầu tư thì đối với hộ họ muốn tham gia thì không được tham gia, mà họ đang hình thành buôn bán đơn lẻ không chính ngạch, chỉ đi đường tiểu ngạch. Một phần nữa mà chúng tôi đánh giá là đối với hộ kinh doanh cá thể thì hành lang pháp lý của họ không bị chặt chẽ nhiều, họ thỏa sức thay đổi hình thức kinh doanh mà không bị pháp luật theo dõi hay quản lý, so với các công ty.
Phóng viên: Vậy theo Ông, cần phải có những chính sách gì để  khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp?
Ông Mạc Quốc Anh: Theo tôi đầu tiên, mình phải có một chính sách hỗ trợ tối đa. Khi mà thành lập công ty CP hay TNHH thì sẽ được miễn thuế môn bài. Một phần nữa đối với hộ kinh doanh cá thể chúng ta có thể đưa ra một yêu cầu đó là nếu anh thành lập thì 3 năm đầu tiên thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm. Như hiện nay là 22 %, nhưng với hộ kinh doanh cá thể chúng ta chỉ thu 15%. Tiếp theo là vấn đề thị trường, đối với hộ kinh doanh các thể chúng ta phải tạo lập một thị trường sản phẩm đầu ra cho họ, bằng những kênh phân phối để giúp họ ổn định, để họ tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Và một hỗ trợ nữa theo tôi mà quan trọng nhất là khoa học công nghệ, đổi mới khoa học công nghệ đưa những dây truyền, nhà khoa học nghiên cứu vào, đưa những sản phẩm có tính khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm. Để giúp cho họ thấy được là khi lên thành công ty TNHH, hay CP chúng tôi sẽ được hỗ trợ tối đa từ nhà nước. Và đối với những hộ kinh doanh cá thể như vậy, thì nguồn vốn hỗ trợ cho họ cũng phải tối đa. Bởi hiện nay chúng ta có quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chúng ta chưa có quỹ hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi. CHúng ta phải lập quỹ đó, và quỹ đó lãi suất bằng 0, để động viên khuyến khích họ, vì khi thành lập sau 3, 5 năm họ đã trưởng thành rồi thì ngân sách Nhà nước chúng ta thu được rất lớn. Vì hộ kinh doanh cá thể chúng tôi đánh giá có sự phát triển thời gian từ 10 đến 20 năm và tồn tại phát triển rất mạnh.
Quý bạn đọc có thể trực tiếp theo dõi Bản tin "Kinh doanh và pháp luật" được phát sóng trên kênh VOV2 và VTV2 qua đường link: www.kinhdoanhvaphapluat.com