Tiêu đề: Khuyến khích chuyển đổi Hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước

18/08/2017

Không phải ngẫu nhiên mà việc chuyển đổi hộ kinh doanh lại được đặt ra và nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng như hiện nay khi hộ kinh doanh là lực lượng tiềm năng mạnh mẽ để đạt được mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thách. Vậy về mặt pháp lý thì các hộ kinh doanh khi chuyển thành doanh nghiệp thì hoạt động có gì khác so với trước đây? Và để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như thế nào? Để tìm hiểu về vấn đề này phóng viên chương trình KDPL đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật TNHH Basico. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Phóng viên: Thưa Ông, Ông có đánh giá như thế nào về tính pháp lý trong việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay các hộ kinh doanh cá thể hiện nay?
Luật sư  Trương Thanh Đức: Nói về mặt kinh tế, nó không khác gì doanh nghiệp cả, có nhiều hộ kinh doanh còn bằng doanh nghiệp cỡ lớn. Về pháp lý tôi cho rằng nó cũng chẳng khác gì doanh nghiệp tư nhân. Cũng một người làm chủ, nếu 2 người làm chủ thì khác một chút, cũng chịu trách nhiệm vô hạn và cũng có thể làm mọi thứ như doanh nghiệp.Như vậy, thực chất chúng ta chỉ gọi tên khác nhau, đối xử coi như là khác nhau. Nếu chúng ta ghi nhận, coi là hợp pháp, hợp lệ và thấy nhiều lợi ích thì chẳng dại gì người ta không lựa chọn. CHỉ một hai câu quy định, trong tất cả các luật từ trước đến nay, sau đó muốn nó thế nào thì thế, chẳng biết nó ra làm sao. CHẳng hạn như thế này, doanh nghiệp anh phải có hợp đồng lao động, phải đóng bảo hiểm rất là nhiều, nếu 10 lao động trở lên phải có nội quy lao động, phải đăng ký tại Sở lao động thương binh xã hội, rất phức tạp rắc rối. Trong khi đó, hộ kinh doanh muốn làm gì thì làm, quy định là không được quá 10 lao động, nhưng vì không có bất kỳ quản lý nào nên họ có thuê 100 lao động cũng không ai biết. Công ty có 1 chủ, có một thành viên. Nhưng hộ kinh doanh thì 5,30 thành viên trong hộ vẫn hợp pháp. Thực ra tôi thấy vấn đề bất cập nhất là vấn đề pháp lý.
Phóng viên: Vậy hiện nay chúng ta đã có những quy định gì để hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp?
Luật sư  Trương Thanh Đức: Thứ nhất là chi phí chuyển đổi thì trong Luật, dự thảo luật cũng đưa ra, nhưng điều đấy tôi nghĩ chỉ có tính chất động viên thôi. Quan trọng là sau khi thành công ty nó sẽ sống và tồn tại như thế nào thì trong Luật mới đưa vào dự thảo nói sẽ được ưu đãi về thuế, đơn giản thủ tục kế toán, dễ dàng tròn thời gian nhất định 2, 3 năm. Tôi cho rằng điều đấy vẫn chưa đủ, vì 2,3 năm nhanh lắm, nếu họ chuyển đổi rồi mà lỡ thấy khó khăn quá, vậy họ có quay về được không? Vì vậy mà chúng ta cần có hỗ trợ dài hơi hơn.
Phóng viên: Có nhiều hộ kinh doanh vẫn nghĩ rằng, khi chuyển thành doanh nghiệp, thì họ sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Vì vậy mà họ không muốn chuyển đổi. Theo Ông cần có chính sách quản lý hoạt động của các hộ kinh doanh cá thể này như thế nào?
Luật sư  Trương Thanh Đức: Quy định về thuế thì tôi nghĩ không nên đặt ra mức cao hay thấp, thực tế chúng ta đã có một quy định chung về thuế đối với doanh nghiệp và quy định riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy thì đối với hộ kinh doanh, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ thì cần có một quy định thứ 3 đơn giản hơn nữa, gọn nhẹ hơn nữa thì như thế sẽ phù hợp thôi. Còn lộ trình chúng ta sẽ phải thay đổi.
Phóng viên: Vậy theo Ông cần có giải pháp gì để hộ kinh doanh đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp tự giác chuyển đổi  thành doanh nghiệp?
Luật sư  Trương Thanh Đức: Thứ nhất pháp luật cũng phải đặt ra mục tiêu bình đẳng, quy định và định hướng rõ ràng. Tại sao người ta lợi dụng, tại sao lại gây khó dễ, vì đúng như quy định gần như cho phép làm những việc như thế khi nó không rõ. Đặc biệt đối với hộ kinh doanh, các quy định gần như tù mù hết, không biết thế nào cả, làm thế nào cũng được. Khi chúng ta có hành lang pháp lý, có định hướng rõ ràng rồi, thì câu chuyện thứ 2 là chấn chỉnh, kiểm tra, thanh tra , xử lý vi phạm thì tôi nghĩ rằng không khó. Vấn đề chỉ là ta có định hướng và muốn làm hay không.
Quý bạn đọc có thể trực tiếp theo dõi Bản tin "Kinh doanh và pháp luật" được phát sóng trên kênh VOV2 và VTV2 qua đường link: www.kinhdoanhvaphapluat.com