Tiêu đề: Các cam kết của Việt Nam trong một số hiệp định thương mại tự do (Phần 2)

25/11/2017

1. Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
Lịch sử hình thành
  • Hiệp định ATIGA được ký vào tháng 2/2009 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, có tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) ký năm 1992.
  • ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.
  • Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995 và bắt đầu thực hiện CEPT/AFTA từ năm 1996 và sau này tiếp tục thực hiện ATIGA
Các đặc điểm chính
  • Trong ATIGA, các nước ASEAN dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN ký (các FTA ASEAN+)
  • Ngoài các cam kết về thuế quan, ATIGA cũng bao gồm nhiều cam kết khác như: xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại, hải quan, các tiêu chuẩn và sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh dịch tễ.
  • Biểu cam kết cắt giảm thuế quan trong ATIGA của mỗi nước (Phụ lục 2 của Hiệp định) bao gồm toàn bộ các sản phẩm trong Danh mục hài hóa thuế quan của ASEAN (AHTN) và lộ trình cắt giảm cụ thể cho từng sản phẩm trong từng năm. Do đó, so với CEPT, cam kết thuế quan trong ATIGA rất rõ ràng và dễ tra cứu.
Các cam kết chính
i) Cam kết cắt giảm thuế quan
  • Nguyên tắc cam kết: tất cả các sản phẩm trong Danh mục hài hòa thuế quan của ASEAN (AHTN) đều được đưa vào trong biểu cam kết thuế quan của từng nước trong ATIGA, bao gồm cả những sản phẩm được cắt giảm thuế và cả những sản phẩm không phải cắt giảm thuế
  • Lộ trình cắt giảm thuế quan của các nước ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore) thường ngắn hơn các nước còn lại – nhóm CLMV bao gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam.
Ví dụ: Đối với các tất cả các sản phẩm thuộc lộ trình cắt giảm A (Sch-A) trong Biểu cam kết thuế quan thì:
+ Các nước ASEAN-6: đến năm 2010 phải xóa bỏ thuế quan toàn bộ
+ Các nước CLMV: đến năm 2015 mới phải xóa bỏ thuế quan và còn được linh hoạt 7% số dòng thuế (các nước được quyền tự lựa chọn các sản phẩm đưa vào danh mục 7% này) đến năm 2018 mới phải xóa bỏ thuế quan.
  • Đa số các sản phẩm trong biểu thuế quan sẽ được các nước xóa bỏ hoặc giảm thuế xuống còn dưới 5%, trừ một số sản phẩm nhạy cảm như: các sản phẩm nông nghiệp chưa chế biến, các sản phẩm nhạy cảm như súng đạn, thuốc nổ, rác thải….
Thực thi của Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thực hiện cam kết ATIGA, tính đến ngày 1/1/2014, Việt Nam đã cắt giảm về 0% đối với 6.897 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế nhập khẩu).
Đến ngày 1/1/2015, Việt Nam cắt giảm về 0% thêm 1.706 dòng thuế nữa. Số còn lại gồm 669 dòng thuế (chiếm 7% Biểu thuế), chủ yếu là những sản phẩm nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, sẽ xuống 0% vào năm 2018, bao gồm: ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa…
Các sản phẩm không phải xóa bỏ thuế nhập khẩu (duy trì thuế suất MFN) gồm Thuốc lá điếu, lá thuốc lá, các mặt hàng an ninh quốc phòng như thuốc nổ, súng đạn, pháo hoa, rác thải y tế, lốp cũ...
Thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan theo ATIGA giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018.
ii)  Cam kết về Quy tắc xuất xứ và Thủ tục chứng nhận xuất xứ
Quy tắc xuất xứ:
Hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo ATIGA nếu có xuất xứ từ khu vực ASEAN. Một hàng hóa được coi là có xuất xứ ASEAN nếu:
1) Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ trong khu vực ASEAN, hoặc
2) Hàng hóa đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định (Phụ lục 3-Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng). Có 03 loại quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng:
+ Hàng hóa phải có hàm lượng nguyên liệu nội khối (RVC) ít nhất là 40%, hoặc
+ Hàng hóa phải trải qua chuyển đổi HS 4 số, hoặc Hàng hóa phải trải qua một quy trình sản xuất nhất định. Các quy tắc này được áp dụng riêng hoặc kết hợp.Đa số các sản phẩm có quy tắc xuất xứ kết hợp, cho phép áp dụng đồng thời cả RVC và Chuyển đổi HS/Quy trình sản xuất.
Thủ tục chứng nhận xuất xứ:
Để được hưởng ưu đãi thuế quan, theo ATIGA, nhà xuất khẩu phải xin Chứng nhận xuất xứ form D tại một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu - ở Việt Nam là 18 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu thuộc Cục Xuất Nhập khẩu – Bộ Công Thương và 37 Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất do Bộ Công Thương ủy quyền.
Tuy nhiên, hiện tại các nước ASEAN đang hướng tới việc áp dụng cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần phải thông qua một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Hiện đã có hai dự án thí điểm về Tự chứng nhận xuất xứ đang được các nước ASEAN thực hiện, theo đó các nhà xuất khẩu đủ điều kiện sẽ được tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn thương mại cho hàng xuất khẩu.
+ Dự án thí điểm 1: Ký ngày 30/8/2010 bởi 3 nước Brunei, Malaysia và Singapore, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/11/2010. Thái Lan tham gia vào tháng 10/2011.
+ Dự án thí điểm 2: Ký ngày 29/8/2012 bởi 3 nước Lào, Indonesia và Philippines, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2014. Việt Nam tham gia vào tháng 9/2014
Thực thi của Việt Nam:
Để hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam về việc áp dụng các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong ATIGA, Bộ Công Thương đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện cho doanh nghiệp. Hai thông tư mới nhất về quy tắc xuất xứ trong ATIGA là:
+ Thông tư số 42/2014/TT-BCT ngày 18/11/2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN
+ Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 về việc quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN

2. Cam kết của Việt Nam trong Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA)

Cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa
Nội dung cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được điều chỉnh bởi Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc được các nhà lãnh đạo Thượng đỉnh ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 tại Campuchia (gọi tắt là Hiệp định Khung), Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN-Trung Quốc được ký kết ngày 29/11/2004 tại Lào, và Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam-Trung Quốc ký ngày 18/7/2005 tại Trung Quốc.  Theo đó, việc cắt giảm và tự do hóa thuế quan của Việt Nam trong ACFTA được chia thành 3 danh mục hàng hoá: Thu hoạch sớm, thông thường và nhạy cảm, cụ thể như sau:
Chương trình thu hoạch sớm (EHP):  gồm hầu hết các mặt hàng nông sản và thuỷ sản từ Chương 1-8 của Biểu thuế nhập khẩu. Các mặt hàng hiện đã được thực hiện giảm thuế từ năm 2004 và xoá bỏ thuế vào 2008 theo lộ trình sau: 
Bảng 1: Lộ trình giảm thuế của Danh mục EHP
Thuế suất MFN Mức thuế EHP qua các năm
2004 2005 2006 2007 2008
MFN ≥ 30% 20% 15% 10% 5% 0%
15≤ MFN < 30% 10% 10% 5% 5% 0%
MFN < 15% 5% 5% 0-5% 0-5% 0%
Nguồn: Hiệp định Khung ASEAN-Trung Quốc
Danh mục nhạy cảm (ST):
Đối với Việt Nam, Danh mục nhạy cảm của Việt Nam gồm 388 nhóm mặt hàng ở cấp độ HS 6 số (Phụ lục III của Biên bản ghi nhớ), chủ yếu là các sản phẩm như: trứng gia cầm, đường, thuốc lá, động cơ, phương tiện vận tải (ô tô, xe máy), xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản phẩm điện tử điện lạnh, giấy, dệt may....Những mặt hàng thuộc Danh mục nhạy cảm không có lịch trình giảm thuế cụ thể theo từng năm nhưng bị giới hạn mức thuế suất cuối cùng và năm cuối cùng thực hiện, cụ thể mô hình giảm thuế Danh mục nhạy cảm của Việt Nam như sau:
            - Các mặt hàng nhạy cảm thường (SL): có thuế suất 20% vào 2015 và giảm xuống 0-5% vào 2020.
            - Các mặt hàng nhạy cảm cao (HSL): bao gồm không quá 140 nhóm mặt hàng HS 6 số và có thuế suất 50% vào 2018.
Danh mục thông thường (các mặt hàng phải cắt giảm và xoá bỏ thuế quan) của Việt Nam: gồm 90% số dòng thuế của biểu thuế nhập khẩu, đã thực hiện giảm thuế từ năm 2006. Lộ trình giảm thuế của danh mục thông thường được thể hiện ở Bảng dưới đây.
            Ngoài việc giảm thuế theo lộ trình trên, Việt Nam cũng phải thực hiện một số cam kết bổ sung sau:
            - Phải giảm thuế suất của ít nhất 50% các dòng thuế trong Danh mục Thông thường xuống 0-5% không muộn hơn ngày 1/1/ 2009
            - Phải xóa bỏ thuế quan của 45% dòng thuế trong Danh mục Thông thường không muộn hơn ngày 1/1/2013.
            - Phải xoá bỏ thuế quan của ít nhất 85% số dòng thuế vào năm 2015, số còn lại 5% số dòng thuế - nhưng không được vượt quá 250 dòng thuế ở cấp độ HS 6 số sẽ được xoá bỏ thuế quan vào năm 2018
            - Theo Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam-Trung Quốc ký ngày 18/7/2005, một số mặt hàng cụ thể (thuộc cả danh mục thông thường và danh mục nhạy cảm) có lộ trình giảm thuế nhanh hơn quy định chung. Các mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm có mức thuế suất cam kết sớm hơn quy định chung, chủ yếu gồm:
Mặt hàng Mức thuế cam kết
% Năm
Ôtô tải loại tải trọng lớn 30% 2012
Ôtô tải loại tải trọng nhỏ 45% 2014
Xe máy 45% 2012
Phụ tùng xe máy 13% 2013
Sắt thép xây dựng 15% 2014
Điện tử-điện lạnh gia dụng 10-15% 2012-2013
Xăng dầu 20% 2009
Các mặt hàng còn lại của Biểu thuế nhập khẩu là các mặt hàng loại trừ (không phải giảm thuế) phù hợp với quy định của WTO.

3. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP)

Cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa
ASEAN và Nhật Bản bắt đầu khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) vào năm 2003 và kết thúc đàm phán vào 2008. Hiệp định AJCEP là một Hiệp định kinh tế toàn diện cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế như đã cam kết trong bản Thỏa thuận Khung về Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản ký kết năm 2003.
Đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với đàm với trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, đó là được kết hợp giữa đàm phán song phương và đàm phán đa phương. Việt Nam cùng với các nước ASEAN 6 đã tiến hành đàm phán với Nhật Bản trong cả hai khuôn khổ: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA). Một số nét chính khi Nhật Bản thúc đẩy việc đàm phán trên cả hai kênh này:
- Tiến tới thành lập một khu vực mậu dịch tự do với ASEAN với mục tiêu biến ASEAN thành một khu vực sản xuất chung của Nhật Bản, tạo chuỗi liên kết các khu vực sản xuất của Nhật Bản giữa các nước ASEAN.
- Tiến hành đàm phán để đạt được lợi ích ở từng lĩnh vực cụ thể.
- Tự do hoá 90% kim ngạch trong vòng 10 năm (kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản năm 2006).
- Nhật Bản loại trừ các mặt hàng tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp.
1.1 Danh mục cam kết
Biểu cam kết của Việt Nam trong AJCEP bao gồm 9.390 dòng thuế (dựa trên AHTN 2007), trong đó đưa vào lộ trình cắt giảm đối với 8.771 dòng. Số dòng còn lại là các dòng thuế CKD ô tô (57 dòng) và các dòng thuế không cam kết cắt giảm (562 dòng), cụ thể:
- Danh mục xoá bỏ thuế quan: Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 62,2% số dòng thuế trong vòng 10 năm, trong đó xoá bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 26,3% dòng thuế và xoá bỏ thuế quan sau 10 năm thực hiện Hiệp định (năm 2018) đối với 33,8% dòng thuế. Vào năm 2023 và 2024 (sau 15 năm và 16 năm thực hiện Hiệp định) cam kết xoá bỏ 25,7% và 0,7% số dòng thuế tương ứng.
Như vậy, vào năm cuối lộ trình (năm 2025) số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan chiếm 88,6% số dòng thuế trong toàn Biểu cam kết.
- Danh mục nhạy cảm thường (SL) chiếm 0,6% số dòng thuế, được duy trì ở mức thuế suất cơ sở và xuống 5% vào năm 2025.
- Danh mục nhạy cảm cao (HSL) chiếm 0,8% số dòng thuế, được duy trì mức thuế suất cao (giảm xuống 50% vào năm 2023).
- Danh mục không xoá bỏ thuế quan, thuế suất duy trì ở mức thuế suất cơ sở trong cả lộ trình (C) chiếm 3,3% số dòng thuế.
- Danh mục loại trừ chiếm 6,0% số dòng thuế.
Danh mục phân loại trên được phân tích theo số liệu trong Biểu cam kết của Việt Nam dựa trên AHTN 2007 và theo kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản năm 2008.
1.2. Mức thuế suất cam kết
Lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong Hiệp định AJCEP bắt đầu từ năm 2008 và kết thúc vào năm 2025.Các mặt hàng được cắt giảm xuống 0% vào các thời điểm 2018, 2023 và 2024.Về diện mặt hàng, các mặt hàng được xoá bỏ thuế quan chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp.
Nhìn vào bảng phân tán số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan theo ngành có thể thấy: vào năm 2008 (ngay khi Hiệp định có hiệu lực) có khoảng 2.468 dòng thuế được xoá bỏ thuế quan, trong đó các mặt hàng công nghiệp chiếm đến khoảng 94,6%, còn lại là các mặt hàng nông. Sau 10 thực hiện Hiệp định (năm 2018) sẽ có khoảng 5.846 số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan, trong đó các mặt hàng công nghiệp chiếm khoảng 91,2%. Kết thúc lộ trình giảm thuế (năm 2025), tổng số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan sẽ lên đến 8.321 dòng, các mặt hàng công nghiệp chiếm 84,5% số dòng thuế. Số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan tập trung vào các ngành máy móc thiết bị điện, máy móc cơ khi, hoá chất, kim loại, diệt may và sản phẩm nông nghiệp.
Bảng 2: Bảng phân tán số dòng thuế xoá bỏ thuế quan theo ngành của Việt Nam theo Hiệp định AJCEP
Ngành
2008
2018
2025
1. Nông nghiệp
127
505
1.129
2. Cá và sản phẩm cá
6
8
157
3. Dầu khí
0
1
9
4. Gỗ và sản phẩm gỗ
86
291
502
5. Dệt may
18
631
893
6. Da và cao su
23
153
238
7. Kim loại
273
640
845
8. Hoá chất
640
1.171
1.376
9. Thiết bị vận tải
85
186
235
10. Máy móc cơ khí
220
553
725
11. Máy và thiết bị điện
709
1.075
1.261
12. Khoáng sản
48
262
350
13. Hàng chế tạo khác
233
370
601
Tổng
2.468
5.846
8.321
Thuế suất áp dụng cho từng giai đoạn trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN-Nhật Bản (Biểu AJCEP) hầu hết được cắt giảm theo mô hình cắt giảm dần đều từ thuế suất cơ sở hoặc có mô hình cắt giảm riêng đối với những dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm (áp dụng thuế suất cơ sở trong cả lộ trình, giảm từ thuế suất cơ sở xuống 5%/50% vào năm 2025/2023…). Chính vì vậy, mức thuế suất bình quân áp dụng cho cả Biểu AJCEP theo từng năm trong Lộ trình có chiều hướng giảm dần.
4. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA)
Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ được ký ngày 13 tháng 08 năm 2009 tại Thái Lan.
(i) Cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam
Việt Nam cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm cuối lộ trình là năm 2021 (71% số dòng thuế vào 2018, và 9% số dòng thuế vào 2021), 10% số dòng thuế còn lại chỉ cắt giảm vào cuối lộ trình (năm 2024), danh mục loại trừ gồm 468 dòng HS 6 số (chiếm khoảng 10% số dòng thuế).
Bộ Tài chính đã ban hành Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018 kèm theo Thông tư số 169/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.
          Năm 2015-2018 có 1170 dòng có mức thuế suất là 0%, chiếm 12,3%  tổng số dòng thuế, trong đó chỉ có 8 dòng thuế ưu đãi hơn so với thuế suất MFN hiện hành.
          Việt Nam sẽ kết thúc thực hiện lộ trình cam kết xóa bỏ/cắt giảm thuế vào 2024 với tỷ lệ xóa bỏ 70% số dòng thuế, tập trung vào nhóm chè, cà phê, cao su, rau củ quả, giày dép, Hàng gia dụng, thuỷ sản, Hoá chất, Kim loại, sắt thép, khoáng sản, Máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng.
Diện mặt hàng không cam kết (30% số dòng thuế) gồm: trứng, đường, muối, xăng dầu, phân bón, nhựa, cao su, kim loại quý, sắt thép, máy móc, thiết bị điện, ô tô, xe máy, thiết bị phụ tùng, và các mặt hàng an ninh quốc phòng (pháo hoa, súng, thuốc phiện,...).
(ii) Cam kết Ấn Độ dành cho Việt Nam
 Ấn Độ cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào 2016 (71% số dòng thuế vào 2013, và thêm 9% số dòng thuế vào 2016), 10% số dòng thuế hoàn thành cắt giảm một phần thuế suất vào 2019, danh mục loại trừ chiếm khoảng 10% số dòng thuế. Mặt hàng Ấn Độ cam kết xóa bỏ thuế quan gồm động vật sống, thịt, cá, sữa, rau quả, dầu mỡ, bánh kẹo, nước hoa quả, hóa chất, mỹ phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm dệt may, kim loại, sắt thép, máy móc, thiết bị điện, đồng hồ, ...
 5.  Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA)
Theo Hiệp định AANZFTA, các nước thống nhất cắt giảm từ 90-100% tổng số các dòng thuế theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020. Riêng đối với Việt Nam, Australia và New Zealand là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép... đây cũng là những mặt hàng phần lớn đều được cắt giảm về 0%.
Thống kê từ Bộ Công Thương, sau hơn 6 năm thực thi Hiệp định AANZFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia đạt 5,26 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2015; tăng trung bình 4,7%/năm trong giai đoạn 2010-2016. Tuy nhiên, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sẽ còn rất lớn vì hiện nay, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này vẫn còn rất khiêm tốn, mới ở mức khoảng 1,6% so với tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường Australia.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia tiếp tục tăng trưởng khả quan. Điện thoại và các loại linh kiện tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, giày dép các loại tăng trên 20%, hạt điều tăng gần 18%, dệt may tăng hơn 3,2%, tuy nhiên hàng thủy sản chỉ tăng hơn 0,5%.
Đối với thị trường New Zealand, trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và nước này đạt trên 707 triệu USD. Quan hệ thương mại hai
Tỉ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Australia trung bình giai đoạn 2014-2016 chiếm 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ các nước trong khối ASEAN vào thị trường này. Tuy nhiên, tỉ lệ hàng hóa tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định AANZFTA của các DN xuất khẩu Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 21,4% do còn nhiều DN chưa đáp ứng được các quy định được hưởng ưu đãi từ Hiệp định.
Theo đó, muốn hưởng lợi thuế từ AANZFTA với nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có thuế suất bằng 0%, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, các DN cần nắm rõ thông tin ưu đãi, các thủ tục thông quan; tìm hiểu đầy đủ và đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất xứ, kể cả việc cộng gộp giá trị.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều DN đang xuất khẩu sang Australia và New Zealand cho biết, người tiêu dùng tại các thị trường này rất cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu, không quá coi trọng nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên lại đặc biệt lưu tâm tới yếu tố chất lượng, kiểu dáng và giá cả.
Ông Brian O’Reilly, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) cho biết, Australia đánh giá Việt Nam là đối tác có mức tăng trưởng thương mại nhanh nhất với nước này ở khu vực Đông Nam Á. Thương mại hai chiều tăng từ 32,3 triệu USD năm 1990 lên đến hơn 5 tỷ USD năm 2016. Hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Australia, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp các DN Việt tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Brian O’Reilly cũng lưu ý các DN muốn xuất khẩu thành công sáng thị trường Australia cần đáp ứng các quy định và luật lệ khi xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, việc tìm hiểu và chuẩn bị trước các rủi ro mà DN có thể gặp phải khi xuất khẩu là điều cần thiết như: Tỉ giá hối đoái, vận chuyển, kiểm dịch hay như vấn đề pháp lý, vì điều này sẽ giúp DN hạn chế tối đa rủi ro gặp phải.
Mới đây, Việt Nam là nước đầu tiên được xuất khẩu trái thanh long sang Australia - quốc gia có hàng rào kỹ thuật khắt khe bậc nhất thế giới đối với quản lý sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản. Đây là tín hiệu mừng, mở ra nhiều triển vọng xuất khẩu cho các DN Việt Nam nhất là các mặt hàng nông sản.