Tiêu đề: Quảng cáo so sánh và những lưu ý cho doanh nghiệp

24/02/2023

Ngày nay, hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội là nhu cầu có tính tất yếu và thường xuyên của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quảng cáo như thế nào để không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cùng sản phẩm, dịch vụ là nội dung mà pháp luật can thiệp, trong đó có hành vi quảng cáo so sánh. Vậy quảng cáo so sánh là gì và doanh nghiệp cần lưu như thế nào khi thực hiện các nội dung quảng cáo để không bị coi là quảng cáo so sánh

1. Làm rõ thế nào là một quảng cáo bị coi là quảng cáo so sánh
Hiện nay theo luật quảng cáo cũng như luật thương mại những hành vi bị coi là quảng cáo so sánh bao gồm: có sự so sánh trực tiếp về giá cả về chất lượng, về công năng sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình với các hàng hóa dịch vụ khác của các doanh nghiệp khác. Ngoài ra các hành vi mang tính lôi kéo khách hàng bằng các hình thức so sánh kể cả trực tiếp và gián tiếp các sản phẩm dịch vụ của mình với các sản phẩm dịch vụ của các cá nhân, doanh nghiệp khác mà không chứng minh được. Thêm nữa hành vi đưa thông tin gian dối, không trung thực gây nhầm lẫn cho khách hàng, người tiêu dùng về doanh nghiệp, về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mục đích lôi kéo khách hàng của đối thủ cạnh tranh về với mình thì cũng bị coi là hành vi quảng cáo có so sánh và bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam. 
2. Những lưu ý cho các doanh nghiệp để không rơi vào tình trạng quảng cáo so sánh
Như chúng ta biết, trong xã hội hiện đại, hàng ngày có tới hàng ngàn các sản phẩm, dịch vụ mới được giới thiệu ra thị trường và kèm theo đó thì cũng có tới hàng ngàn các quảng cáo liên quan. Và các doanh nghiệp một là do hạn chế về hiểu biết pháp luật hoặc vì lợi nhuận mà sẵn sàng vi phạm pháp luật như là cạnh tranh không lành mạnh. Hoặc đôi khi doanh nghiệp có thể nói quá lên về công dụng, tính năng của sản phẩm, hay sử dụng hình ảnh thông tin của cá nhân mà gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức cá nhân khác thì rất dễ bị xử phạt hành chính, bị tranh chấp khiếu kiện thậm chí phải bồi thường thiệt hại. Và các doanh nghiệp cần nhận thức được rằng trước khi tiến hành các chiến dịch quảng cáo cần phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật mà cụ thể ở đây là Luật Quảng cáo, tiếp theo là Luật Cạnh tranh. Ngoài ra các quy định pháp luật tại Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại cũng như Luật Sở hữu trí tuệ… Và cuối cùng doanh nghiệp cần xác định rõ là: Để một quảng cáo không bị tranh chấp thì cần phải đáp ứng được 3 điều kiện. Thứ nhất là nội dung quảng cáo phải không vi phạm vào các điều cấm của pháp luật. Thứ hai là nội dung quảng cáo phải trung thực, không gây nhầm lẫn. Và thứ ba là doanh nghiệp phải có căn cứ khoa học để chứng minh được nội dung quảng cáo đó.


Nguồn: KD&PL

Trần Thị Minh Nguyệt