Tiêu đề: Hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật cạnh tranh
24/02/2023
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới các hình thức khác nhau gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các hành vi vi phạm về thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo xu hướng ngày càng tinh vi và khó phát hiện, việc phát hiện và điều tra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Vậy, thực trạng này phản ánh điều gì? Mức độ tuân thủ pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào
1. Thực tế cho thấy, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm khá phổ biến, có xu hướng ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Vậy, từ thực trạng này, chúng ta có thể thấy được gì về mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp hiện nay
- Nhìn chung, mức độ tuân thủ (Corporate Compliance) của đa số các doanh nghiệp hiện nay còn thấp (so với các doanh nghiệp nước ngoài) do các doanh nghiệp hạn chế về quy mô, nguồn lực; thiếu đầu tư về mặt cơ cấu tổ chức, nhân sự, tài chính và đào tạo kiến thức, kỹ năng để kiểm soát tuân thủ. Về cơ bản, các doanh nghiệp hiện nay chưa hoặc không có chính sách, chương trình tuân thủ để kiểm soát hoạt động kinh doanh.
- Có chính sách và vận hành chương trình tuân thủ phần lớn thuộc về những doanh nghiệp lớn, có nguồn vốn dồi dào từ nước ngoài hoặc những doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường quốc tế do đòi hỏi của việc tuân thủ ở nước ngoài khắt khe. Vụ việc 19 doanh nghiệp bảo hiểm ký kết thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (nâng phí bảo hiểm phi nhân thọ) là ví dụ điển hình do doanh nghiệp vô tình vi phạm các quy định chống thỏa thuận hạn chế cạnh tranh dẫ đến hậu quả bị xử phạt.
2. Đề xuất, kiến nghị để ngăn ngừa nguy cơ các doanh nghiệp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cũng như xử lý hành vi vi phạm, gắn với mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp
- Nền kinh tế thị trường của Việt Nam ngày càng tiệm cận với thế giới. Do quy mô và mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp trên thị trường không ngừng tăng, hành vi cạnh tranh để vươn lên ngàng càng tiềm ẩn rủi ro liên quan đến chống hạn chế cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần phải được trang bị hệ thống và vận hành chương trình tuân thủ gắn với chống hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh để phòng ngừa rủi ro.
- Xu hướng trên thế giới hiện nay là doanh nghiệp phát triển chương trình tuân thủ (ngày càng trở thành tiêu chuẩn quản trị hiện đại) tích hợp với chống hạn chế cạnh tranh, chống cạnh tranh không lành mạnh. Một chương trình hiệu quả không chỉ phòng ngừa rủi ro mà còn có nâng cao được nhận thức về chống vi phạm luật cạnh tranh, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp và đảm bảo được phát triển bền vững. Mới đây, tại một số nền kinh tế thị trường phát triển, cơ quan cạnh tranh quốc gia đã xem xét giảm nhẹ mức phạt áp dụng đối với các vi phạm từ các doanh nghiệp đang có và vận hành chương trình tuân thủ. Đây là một thực tiễn hợp lý mà chúng ta cần tham khảo để vận dụng.
- Doanh nghiệp cần phải biết vận dụng các quy định của pháp luật, quy tắc đạo lý, trách nhiệm xã hội... một cách linh hoạt gắn với nhu cầu của thị trường và cơ bản là không trái những gì pháp luật cấm. Ngay đối với lĩnh vực chống hạn chế cạnh tranh, vận dụng pháp luật có nhiều vùng xám. Doanh nghiệp không bao giờ có thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro do vi phạm chống hạn chế cạnh tranh. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần phải quản trị được rủi không tuân thủ như là một rủi ro kinh doanh phù hợp với quy mô và cấp độ phát triển của mình.
Nguồn: PL&KD
Trần Thị Minh Nguyệt