Tiêu đề: Thực trạng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

24/02/2023

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm là một trong ba hành vi hạn chế cạnh tranh gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Hiện nay, các hành vi vi phạm về thoả thuận hạn chế cạnh tranh ngày càng đa dạng, phức tạp, nhất là việc ấn định giá hàng hóa, dịch vụ, khiến cho việc phát hiện và điều tra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trở nên khó khăn, thách thức hơn. Vậy, thực trạng này đang diễn ra như thế nào

1. Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, đánh giá về thực trạng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam hiện nay?
- Trong điều kiện kinh tế thị trường, thỏa thuận của các doanh nghiệp trong kinh doanh diễn ra phổ biến, đa dạng để doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế và mục tiêu kinh doanh của mình. Tuy nhiên, trong số các các thỏa thuận đó, có một tỉ lệ khá lớn các doanh nghiệp đã tiến hành có thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Phương thức tiến hành và hậu quả hạn chế cạnh tranh xảy ra các doanh nghiệp có thể biết hoặc vô tình không biết.
- Thực tiễn tại Việt Nam, sau khi một số vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị Cơ quan cạnh tranh phát hiện, điều tra và xử lý, các doanh nghiệp đã có nhận thức về các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Nhận thức pháp luật cao hơn một mặt có thể giúp doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ quy định của pháp luật cạnh tranh về kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, nhưng mặt khác, cũng khiến các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện và cố ý che dấu hành vi vi phạm.
- Bên cạnh 2 vụ Bảo hiểm ô tô và Bảo hiểm học sinh còn có vụ thỏa thuận tăng cước 3G trước đây Quốc hội đã chất vấn. Nội dung này đang có tính thời sự cao, nhất là với lĩnh vực chứng khoán, vàng miếng, thực phẩm, mỹ phẩm, sinh phẩm…
2. Nguyên nhân dẫn đến các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm đã và đang diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp
- Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ chính nhận thức của các doanh nghiệp. Trên thực tế, vì mục tiêu lợi nhuận, các doanh nghiệp vẫn không từ bỏ thực hiện các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, nhưng đã che giấu, không để lại hoặc tiêu hủy chứng cứ về thỏa thuận hoặc không tiết lộ thông tin ra bên ngoài. Điều đó đã tạo ra những thách thức lớn đối với cơ quan cạnh tranh trong việc phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
- Việc tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, chuẩn mực và trách nhiệm xã hội... là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp luôn có mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận, vận dụng mọi lợi thế để kinh doanh trong khi nhận thực về pháp luật, tuân thủ pháp luật cũng như việc xây dựng các quy tắc vận hành cho chính bản thân doanh nghiệp chưa được đề cao, thậm chí còn tùy tiện.
- Hầu hết các vụ việc vi phạm về thoả thuận hạn chế cạnh tranh được Cơ quan cạnh tranh phát hiện, điều tra và xử lý chủ yếu dựa trên các thông tin tự phát hiện, khiếu nại của các doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận hoặc được sự trợ giúp từ một số cơ quan truyền thông…

Nguồn: KD&PL

 

Trần Thị Minh Nguyệt