Tiêu đề: Hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tư cách cổ đông trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không quy định rõ nội dung, thời hạn, giá trị thanh toán

13/02/2023

Chuyển nhượng cổ phần được thực hiện theo thủ tục và trình tự luật định, thông qua một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với những điều khoản và nội dung cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không quy định rõ nội dung, thời hạn, giá trị thanh toán cũng như không được ghi nhận vào sổ đăng ký cổ đông của công ty, dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Sau đây là một số lưu ý cho bên nhận chuyển nhượng trong việc kiểm tra tính hợp pháp của cổ phần cũng như hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng để tránh những tranh chấp không đáng có.

1. Thực tế có không ít hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không quy định rõ nội dung, thời hạn, giá trị thanh toán cũng như không được ghi nhận vào sổ đăng ký cổ đông của công ty, điều này ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng và tư cách cổ đông của bên nhận chuyển nhượng không
Luật Doanh nghiệp không quy định bắt buộc hình thức của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, cũng không quy định hợp đồng chuyển nhượng cần có những nội dung bắt buộc nào.
Theo Bộ luật Dân sự, cổ phần cũng là một tài sản, vì vậy, chúng ta quay lại áp dụng các quy định chung của chương về hợp đồng mua bán tài sản của Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự cũng không có quy định bắt buộc về hình thức đối với loại hợp đồng này cũng như không quy định những nội dung bắt buộc phải có. Trong khi đó, BLDS quy định rằng, giá do các bên thỏa thuận, các bên không thỏa thuận thì áp dụng giá thị trường. Vì vậy, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không quy định rõ nội dung, thời hạn, giá trị thanh toán không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng và tư cách cổ đông của bên nhận chuyển nhượng.
Sau khi các bên hoàn thành giao dịch, thì tư cách cổ đông của các cổ đông mới chỉ được ghi nhận nếu thông tin của họ được ghi nhận vào sổ đăng ký cổ đông của công ty. Tuy nhiên, chúng ta cũng không mặc định rằng do anh không được ghi tên vào sổ đăng ký cổ đông nên anh chưa phải cổ đông. Trên thực tế, chúng ta lại phải có những xem xét khác.  Ví dụ, tôi chưa được ghi nhận vào sổ đăng ký cổ đông, nhưng suốt một thời gian dài, công ty đã mời tôi với tư cách cổ đông đến bất kỳ cuộc họp nào của ĐHĐCĐ thì vô hình chung công ty đã thừa nhận tư cách cổ đông của tôi rồi.
2. Vậy, đâu là lưu ý cho bên nhận chuyển nhượng trong việc kiểm tra tính hợp pháp của giao dịch, cổ phần... để tránh hợp đồng bị vô hiệu cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình
Thực trạng thành lập công ty vốn cao nhưng không góp vốn, không thanh toán cổ phần. Sau đó, lại chuyển nhượng cổ phần này cho người khác. Theo Luật Doanh nghiệp, những cổ phần chưa thanh toán này mà mang đi chuyển nhượng thì giao dịch đó không có hiệu lực pháp luật, vi phạm điều cấm.
Hoặc có những cổ phần đang thế chấp ngân hàng nhưng chúng ta không biết, trường hợp này chúng ta cần đảm bảo yêu cầu bên chuyển nhượng xuất trình các loại giấy tờ đã hoàn thành thanh toán cổ phần cho công ty, phiếu thu, phiếu chi, giấy chứng nhận cổ phần, xác nhận chuyển khoản, sổ đăng ký cổ đông... Tất cả giấy tờ đấy sẽ chứng minh rằng tôi đã thanh toán đủ cổ phần.
Hoặc, anh có thế chấp, cầm cố, mang cổ phần chuyển nhượng cho tôi đi giao dịch ở đâu không? Phải cam kết, ràng buộc thêm chế tài, để đẩy trách nhiệm đấy cho bên chuyển nhượng cổ phần, sẽ giúp cho bên nhận chuyển nhượng yên tâm tham gia giao dịch, tránh giao dịch bị vô hiệu.
 
 
Nguồn: KD và PL

Trần Thị Minh Nguyệt