Tiêu đề: Khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại + Vai trò của Chính phủ trong việc đồng hành với doanh nghiệp trong các vụ kiện này

20/07/2018

Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, tính đến nay, đã có 132 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số các vụ việc phòng vệ thương mại đã được khởi xướng điều tra này, chiếm nhiều nhất là các vụ việc điều tra chống bán phá giá là 78 vụ; tiếp đó là các vụ việc tự vệ với 25 vụ; chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá 17 vụ và chống trợ cấp là 12 vụ việc... Vậy, khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại là gì? Vai trò của Chính phủ trong việc đồng hành với doanh nghiệp trong các vụ kiện này là gì? Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” đã có cuộc trao đổi với Ông Lê Sỹ Giảng – Chuyên gia phòng vệ thương mại

  1. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp Việt đã gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc kháng kiện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Vậy, từ kinh nghiệm thực tiễn, Ông có thể giúp chúng tôi làm rõ hơn về những khó khăn, khách thức này?
  • Trong tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thì các biện pháp PVTM ngày càng được sử dụng nhiều như một công cụ hợp pháp để bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy, việc đối diện với các vụ kiện PVTM là điều không thể tránh khỏi.
  • Khó khăn đối với các DN Việt Nam có thể thấy công tác kháng kiện của một số ngành hàng, doanh nghiệp trong nước còn chưa hiệu quả do mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về PVTM còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm kháng kiện, chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, quyết tâm khi kháng kiện. 
  • Bên cạnh đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chi phí kháng kiện rất cao, để thành công cần phải thuê luật sư tư vấn từ chính nước khởi xướng điều tra.  
  • Ngoài ra, một số thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Canada, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… lại không công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Thực tế này đã dẫn đến phương pháp tính biên độ bán phá giá gây thiệt hại lớn cho các DN Việt Nam. Cùng với đó, thông tin hàng hóa của Việt Nam đến thị trường nước ngoài còn nhiều hạn chế.... 
  • Mức độ hiểu biết của đa số các DN Việt Nam về PVTM còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm kháng kiện, chưa có kế hoạch đầu tư hợp lí vào việc kháng kiện cũng như chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, quyết tâm và chuyên nghiệp khi kháng kiện...
  1. Rõ ràng, khó khăn, thách thức là hiện hữu. Vậy, bên cạnh sự chủ động, đầu tư của các doanh nghiệp, theo Ông, Chính phủ Việt Nam cần có sự hỗ trợ như thế nào để các doanh nghiệp có thể kháng kiện thành công, thưa Ông?
  • Trong PVTM có 2 biện pháp mà vai trò của Chính phủ không thể thiếu. Thứ nhất là trong các vụ chống trợ cấp, trong đó Chính phủ là một bên. Chính phủ phải giải trình, thế nhưng nếu như không có sự phối hợp của doanh nghiệp thì không giải quyết được. Thứ hai là trong các vụ kiện tự vệ thương mại, vai trò của Chính phủ cũng không thể thiếu...
  • Các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Cục PVTM, Bộ Công Thương cần chủ động hỗ trợ cho DN XK Việt Nam như cảnh báo sớm cho các DN hiệp khi phát hiện nguy cơ bị kiện; thông báo cho DN ngay khi có tin nguyên đơn nộp đơn kiện; tư vấn thủ tục, định hướng xử lý cho DN; hỗ trợ DN xây dựng lập luận để phản bác lập luận của nguyên đơn; tư vấn việc lựa chọn luật sư hỗ trợ pháp lý…
  • Các doanh nghiệp trong nước, các hiệp hội cần chú trọng hơn nữa đến công tác PVTM, chủ động phòng tránh và có biện pháp để hạn chế khả năng các quốc gia nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp PVTM...