Tiêu đề: MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LUẬT ĐƯỢC PHỔ BIẾN TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM THÁNG 4 NĂM 2018

03/05/2018

Tiếp tục thực hiện các xây dựng các Chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 585) phối hợp Công ty Cổ phần truyền thông Alo Media tiếp tục thực hiện phát sóng các Chương trình "Kinh doanh và pháp luật" phát trên sóng VTV2, Truyền hình Việt Nam

Một số vấn đề pháp luật được thực hiện trong các số phát sóng tháng 4 năm 2018 xoay quanh những nội dung như sau:
Cắt giảm điều kiện kinh doanh ngành nông nghiệp nông thôn : Mặc dù đã có những cải tiến mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá chủ yếu do trở ngại từ thủ tục kiểm tra hàng hoá chuyên ngành, trong đó các thủ tục kiểm tra chuyên ngành ngành nông nghiệp nông thôn là một điển hình. Đây cũng được coi là một trong những “nút thắt” trong cải cách thủ tục hành chính, theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Theo thống kê, ngành Nông nghiệp có tổng số 345 điều kiện đầu tư kinh doanh. Đến nay Bộ NN&PTNT đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Đối với 2 Pháp lệnh, 3 Nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được Bộ sửa đổi, bổ sung theo tiến độ của chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội. Về thủ tục hành chính, Bộ đã bãi bỏ 81 thủ tục và đơn giản hóa 205 thủ tục. Đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, rút ngắn thời gian từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng, trong đó có nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí.
Về phần kiểm dịch thực vật, thời gian đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động, thực vật đã giảm được gần 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp => Kết quả, tác động và giải pháp tiếp tục cải cách?
Chính sách phát triển dịch vụ logistics: 

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo hội nghị toàn quốc về Logistics,Thủ tướng  khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, trị giá hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai, mà “ta không làm thì các nước bạn sẽ làm và đặc biệt, chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh làm logistics”. Chức năng ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam vào khoảng 21% GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN. Trong tổng chi phí logistics hiện nay liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 60%. Vì vậy phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: các Bộ, ngành, các địa phương và các chuyên gia tập trung thảo luận làm rõ 4 vấn đề. Trước tiên là về thể chế, chính sách: cần thảo luận làm rõ các quy định pháp luật hiện nay về logistics đã đủ chưa, cần sửa đổi, bổ sung quy định nào. Thứ hai là về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics, cần điều chỉnh, bổ sung như thế nào? Làm sao để các trung tâm logistics, cảng trung chuyển kết nối hàng phát huy được tiềm năng và lợi thế, phát huy hiệu quả các công trình đầu tư. Thứ ba là, thảo luận về tính kết nối của các loại hình vận tải khi đây là một tồn tại ở Việt Nam. Thứ tư, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics.

Vậy cần giải pháp gì để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cũng như cho Quốc gia trước yêu cầu hội nhập?
Chính sách phát triển năng lượng tái tạo: Đầu tư xây dựng, sử dụng năng lượng tái tạo là một trong 3 giải pháp để phát triển kinh tế bền vững đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra trong Diễn đàn kinh tế Việt nam năm 2017.
Ngay từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg. Theo đó, phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam chú trọng phát triển thủy điện, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học. Mục tiêu là tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020, trên 10% vào năm 2030.
Theo quyết định, một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đã được ban hành như: Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng năng lượng sinh khối tại Việt Nam; Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam,... Tuy nhiên, phát triển nguồn năng lượng tái tạo còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Đến nay, cả nước có 77 dự án điện gió, quy mô công nghiệp được đăng ký ở 18 tỉnh, thành phố với tổng công suất trên 7.000 MW. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 dự án được triển khai và có điện bán vào hệ thống điện quốc gia với 48,2 MW.
Công suất NLTT đang được khai thác gồm thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải sinh hoạt, mặt trời và gió là khoảng 1.215 MW, chỉ chiếm khoảng 3,4% tiềm năng về NLTT của Việt Nam; trong đó năng lượng mặt trời mới khai thác được khoảng 3% tiềm năng.
Như vậy, rất cần có nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ để thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Kinh tế chia sẻ dưới góc nhìn Condotel: 

Trong những năm gần đây, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển các dự án căn hộ khách sạn, biệt thự trong các khu du lịch nghỉ dưỡng (condotel). Năm 2016, tổng nguồn cung condotel đã lên đến 16.000 căn. Trong giai đoạn 2017-2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 27.000-29.000 condotel được mở bán, với diện tích căn hộ khoảng 45m2.

Sự phát triển các dự án condotel đã giúp gia tăng số phòng lưu trú, các dịch vụ, tiện ích phục vụ du khách, làm thay đổi diện mạo và hiệu quả hoạt động của ngành du lịch nhiều địa phương. Tuy nhiên, các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã thu hút nguồn vốn ngân hàng và nguồn vốn rất lớn của các nhà đầu tư thứ cấp, dẫn đến hiện tượng lệch pha dòng tiền đầu tư.

Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia trong ngành còn chỉ ra nhiều điểm bất lợi khi quản ký hay  đầu tư vào condotel:

-  Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng chưa có tiêu chí cụ thể. ( Không thể áp dụng kỹ thuật xây nhà chung cư, hay xây dựng khách sạn

-Thời hạn sở hữu chưa chắc chắn.

- Căn hộ condotel có nhiều thành phần tham gia kinh doanh, gồm: Chủ đầu tư toàn bộ dự án condotel, người mua từng căn hộ condotel riêng lẻ, người được toàn bộ các chủ căn hộ condotel thuê quản lý. Có 3 người kinh doanh trên một sản phẩm condotel thì phải có những cam kết ràng buộc pháp lý như thế nào? Chủ đầu tư toàn bộ dự án condotel thì đảm bảo với người đầu tư vào căn hộ condotel về mức lợi nhuận. Cơ sở nào để đảm bảo điều này? Người quản lý kinh doanh toàn bộ các căn hộ condotel thì có trách nhiệm như thế nào?

- Là loại hình đầu tư nhưng cá nhân nước ngoài chưa được mua?
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế nào?
Đặc biệt là hiện nay, tại mỗi địa phương các giải pháp giải quyết những vướng mắc này lại khác nhau. Vì vậy rất cần có khung pháp lý hoàn thiện để quản lý và phát triển loại hình căn hộ khách sạn này.
Thực thi Nghị định 15/2018 về ATTP: Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Đây là số ít nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành và có thể nói là đã tạo cuộc “cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm, thể hiện nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của Chính phủ, của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ cùng nhiều cơ quan liên quan.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2015, Cục An toàn thực phẩm cấp khoảng 35.000 giấy xác nhận và con số này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017, có thể lên tới 45.000 giấy phép.
Khảo sát của CIEM cho thấy để xin được một giấy xác nhận, trung bình DN mất khoảng 10 triệu đồng với thực phẩm thường và khoảng 30 triệu đồng với thực phẩm chức năng (gồm chi phí chính thức và cả phi chính thức). Thời gian xin xác nhận trung bình là 4 tháng.
Vì vậy mà việc ban hành Nghị định 15/2018 đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính và giảm tải áp lực quản lý cho các cơ quan cấp bộ, ngành, tránh chồng chéo trong quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện.
Cụ thể:
- DN, cá nhân kinh doanh thực phẩm đặc biệt chú ý là quy định về thực hiện tự công bố sản phẩm.
- Quản lý thực phẩm nhập khẩu, chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng và hồ sơ chứ không kiểm tra cảm quan như trước đây.
Theo VCCI, việc thực thi Nghị định 15/2018/NĐ-CP sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên hết, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của DN lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đầu tư ra nước ngoài – Cơ hội và thách thức?: Bên cạnh sự sôi động của thu hút đầu tư nước ngoài, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam những năm qua cũng rất tích cực. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội  (Viettel), Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai... Hoạt động này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu vào khai khoáng; nông lâm nghiệp; thông tin truyền thông; chế biến, chế tạo; bất động sản; tài chính - ngân hàng… Cùng với việc nhìn nhận lại dòng vốn FDI trong việc phát triển kinh tế đất nước, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khơi thông dòng vốn Việt tại các thị trường trọng điểm cũng là cách DN Việt Nam khẳng định vị thế. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 34 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam gần 129 triệu USD; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm là 24,64 triệu USD. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 153,6 triệu USD.
Đã có những DN đi đầu, thành công khi đầu tư ra nước ngoài, ngược lại, cũng không ít các DN thất bại khi mang chuông đi đánh xứ người... Vậy, đâu là cơ hội cho các DN khi đầu tư ra nước ngoài? Khó khăn, vướng mắc, rủi ro pháp lý cũng như thách thức đối với các DN là gì? Đâu là chính sách hỗ trợ cần có của Nhà nước để khuyến khích các DN đầu tư ra nước ngoài, nhất là trong giai đoạn tới, khi kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế năng động nhất ngày càng lớn mạnh, sự hội nhập sâu rộng, chính sách ngày càng hoàn thiện?
Thách thức sở hữu trí tuệ trong CPTPP: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết tại Chile. Trong Hiệp định này, các chuyên gia cho rằng, điều Việt Nam lo ngại nhất đó là vấn đề về sở hữu trí tuệ (SHTT), với 10 điều (trong số 20 điều) liên quan đến SHTT được đưa vào thỏa thuận giữa các nước khi Việt Nam là một nước có trình độ phát triển thấp nhất trong 11 quốc gia tham gia CPTPP.
 Tại Việt Nam, tình trạng xâm phạm SHTT hiện tại khá phổ biến, ngày càng phức tạp, phát sinh hàng loạt vụ tranh chấp thương mại. Bảo hộ đối với dược phẩm, trong đó vấn đề gay cấn nhất là bảo hộ cơ sở dữ liệu thử nghiệm; Vấn đề nông hóa phẩm, từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vắcxin thú y. Nếu đáp ứng yêu cầu rất cao về nông hóa phẩm chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đó là thách thức lớn đối với Việt Nam… Vậy, khó khăn, thách thức về SHTT đối với các DN Việt trong CPTPP cụ thể là gì? Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ như thế nào để thực hiện tốt hơn pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ trước thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, xâm phạm bản quyền, thương hiệu... ngay ở trong nước? Các DN cần làm gì để đối diện và vượt qua thách thức này? (doanh nghiệp cần chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Các địa phương và doanh nghiệp cần làm tốt hơn chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia trong CPTPP…)
Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa: Cơ hội cho doanh nghiệp: 

Với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh thế thế giới, Việt Nam đang tham gia nhiều các Hiệp định Thương mại tự do mà trong đó yêu cầu đầu tiên là áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt từ năm 2019, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là yêu cầu bắt buộc của EU đối với một số nước, trong đó có Việt Nam. Theo các chuyên gia thương mại, cơ chế này đem lại nhiều lợi ích trong việc giảm thiểu thời gian, chi phí giao dịch, chủ động trong phát hành hóa đơn thương mại và giúp doanh nghiệp nắm bắt những cam kết về quy tắc xuất xứ trong các FTAs... 

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có 2.700 doanh nghiệp đang xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi GSP. Vì vậy, việc doanh nghiệp bắt buộc phải tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu sang EU là khá gấp gáp.  

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ là vấn đề kim ngạch vì phải đạt kim ngạch tối thiểu 10 triệu USD, có quá trình chấp hành tốt pháp luật, nhất là thuế, hải quan, xuất nhập khẩu; có bộ máy đủ năng lực bởi khi làm tự chứng nhận là doanh nghiệp đang tự làm thay vai trò của Nhà nước. Vì thế, nếu doanh nghiệp không nắm bắt được vấn đề, quy định cần thiết dẫn đến chứng nhận sai thì không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến quốc gia. Hơn nữa, sự thiếu tự tin của doanh nghiệp cũng là cản trở khi thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Vậy, DN cần lưu ý và cần chuẩn bị gì cho việc tự chứng nhận xuất xứ để nắm bắt cơ hội được hưởng ưu đãi thuế quan?  Đâu là cơ chế hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho các DN, đặc biệt là các DN xuất khẩu sang EU về tự chứng nhận xuất xứ?   
Kinh nghiệm kháng kiện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại  

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, các nước thường có xu hướng gia tăng sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như là một rào cản hữu hiệu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Tính đến nay, đã có hơn 120 vụ kiện PVTM có liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam do nước ngoài khởi xướng điều tra (EU, Hoa Kỳ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ v.v...). Chỉ riêng giai đoạn 2016 – 2017, số vụ việc là 23 vụ, trong đó nổi bật lên là Úc với 06 vụ việc khởi xướng mới liên tiếp, trong đó có 02 vụ việc điều tra kép chống bán phá giá, chống trợ cấp với nhôm ép và thép mạ kẽm (vụ việc đầu tiên Úc điều tra chống trợ cấp với Việt Nam) và 02 vụ việc điều tra chống bán phá giá với giá thép dây cuộn và tháp gió. Thực tiễn tại Úc chỉ là một trong những trường hợp điển hình về thực trạng kháng kiện phòng vệ thương mại của các DN xuất khẩu Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, tiềm năng.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang và có dự định xuất khẩu cần rất thận trọng, tìm hiểu rõ các quy định pháp luật của nước sở tại nhằm tránh bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, DN Việt ít kinh nghiệm trong phòng vệ thương mại...  Vậy, doanh nghiệp cần làm gì trước các vụ kiện phòng vệ thương mại? Quy định pháp luật và thực tiễn điều tra PVTM của các thị trường trọng điểm như thế nào? Đâu là bài học kinh nghiệm cho các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong công tác xử lý, kháng kiện các vụ việc do các quốc gia điều tra, đặc biệt là vụ việc tại Úc?  
CPTPP -Cơ hội nào cho nông sản Việt?: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước ký kết, khi có hiệu lực thị trường nông sản mở cửa hoàn toàn cho các thành viên CPTPP. Theo nội dung cam kết của CPTPP thì những mặt hàng nông sản như hạt điều, nhãn, vải và thanh long… của Việt Nam sẽ được vào thị trường Peru với mức thuế nhập khẩu 0% thay vì 9% như hiện nay. Điều này cũng diễn ra tương tự với nhiều thị trường khác trong CPTPP... Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản trong nước như cao su, gỗ, cà phê, ca cao, gạo, rau quả tươi cũng có nhiều cơ hội hơn trong thâm nhập thị trường nước ngoài. Khi CPTPP có hiệu lực, thì nông sản Việt Nam sẽ tránh được sự phụ thuộc vào thị trường lớn là Trung Quốc. Hơn nữa, công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ được áp dụng triệt để, thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Để tận dụng được cơ hội xuất khẩu nông sản vào các nước thành viên CPTPP, thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước đến từ việc bảo đảm chất lượng khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Vậy, nông sản sẽ gặp thuận lợi và khó khăn gì khi Việt Nam tham gia CPTPP?  Đâu là lưu ý và sự chuẩn bị cần có đối với các DN để ngành nông sản nước ta có thể tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức?