Tiêu đề: Phân tích những khó khăn mà các doanh nghiệp chưa thực thi biện pháp an toàn vệ sinh lao động theo Luật

30/11/2017

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 6 tháng đầu năm 2017 trên toàn quốc đã xảy ra 4.388 vụ tai nạn lao động  làm 4.461   người bị nạn. Theo Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, các hành vi vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động phổ biến là:  các tổ chức, doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, không xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không trang bị phương tiện bảo hộ lao động; không khai báo khi xảy ra tai nạn lao động . Người lao động ý thức chưa cao, chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Vậy liệu các doanh nghiệp có khó khăn gì khi thực hiện Luật an toàn vệ sinh lao động? Để có câu trả lời chương trình Kinh doanh và pháp luật có cuộc trao đổi với Giáo sư Tiến sĩ  Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt nam.
Câu hỏi 1: Vâng thưa Ông, có nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ đang gặp khó khăn khi thực thi pháp luật về An toàn vệ sinh lao động vì có không ít những quy định trùng lặp. Giáo sư có ý kiến gì về nhận định này?
Trả lời: Quy trình soạn Luật khó có thể trùng lặp được, trùng lặp ở đây chính là ở các Nghị định và văn bản dưới Luật. Thậm chí vẫn còn phảng phất đâu đó lợi ích của các Bộ ngành mình ở trong các văn bản dưới Luật này, cho nên khi vận hành xuống dưới. Tôi ví dụ những doanh nghiệp thuộc Bộ công thương khi thực thi các văn bản dưới Luật thì họ thực hiện theo các văn bản mà Bộ Công thương quy định, ví dụ như huấn luyện, mà đáng lẽ ra họ theo chương trình huấn luyện của Bộ Lao động, theo Nghị định 44 của TTCP về huấn luyện kiểm định của ATVSLD, và như vậy doanh nghiệp bị 02 đơn vị quản lý là Bộ Lao động và Bộ công thương, và đây là cái còn chồng chéo.
Câu hỏi 2: Vậy theo Ông, các doanh nghiệp có trách nhiệm gì để thực thi Luật An toàn vệ sinh lao động?
Trả lời: Thứ nhất họ phải phòng ngừa an toàn vệ sinh lao động. Thứ 2 họ phải nhận thức cho người lao động, bằng cách huấn luyện định kỳ theo đúng pháp luật cho người lao động. Đồng thời đẩy mạnh mạng lưới an toàn vệ sinh viên như Luật đã quy định, và thêm nữa họ phải đóng đầy đủ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
 
Câu hỏi 3: Luật ATVSLĐ  đã qui định cụ thể: “Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là thanh tra chuyên ngành” và được tổ chức ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Vậy theo giáo sư thì đội ngũ thanh tra lao động hiện nay có gặp những khó khăn gì  thi thực thi nhiệm vụ của mình?
Trả lời: Thanh tra lao động nước ta hiện có khoảng 500 người trên toàn quốc và thanh tra an toàn lao động trong đó có 100 người. Và thanh tra lao động đi xuống nhà máy có quá nhiều việc để làm, lương, bảo hiểm và nhiều vấn đề khác, và an toàn vệ sinh lao động chỉ là một phần trong đó. Cho nên việc thanh tra kiểm tra chưa được đầy đủ và không sâu. QUan điểm của cá nhân tôi, thì nên để thanh tra lao động như luật đã nêu thành một đơn vị chuyên môn riêng, bổ sung về lực lượng cũng như chuyên môn và thiết bị máy móc. Vì thanh tra lao động mà không có máy móc thiết bị để kiểm định, đánh giá, không thể đi tay không xuống kiểm tra. Thứ 2 chúng ta phải có chế tài  phải phạt nặng vì chúng ta không thể thanh tra hết các doanh nghiệp một lúc với số lượng thanh tra lao động mỏng như vậy. Thì khi chúng ta có chế tài cao thì cũng là sự răn đe đối với doanh nghiệp.
Câu hỏi 4: Vậy theo Giáo sư chúng ta cần có giải pháp thì để thúc đẩy việc thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Trả lời: Thứ nhất chúng ta phải xây dựng lại hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh lao động. Thứ 2 để các doanh nghiệp có thể thực hiện được đúng và tốt thì ngoài quy chuẩn, tiêu chuẩn thì chúng ta phải có việc phổ biến kiến thức về khoa học an toàn và vệ sinh lao động để cho các doanh nghiệp có thể áp dụng được.