Tiêu đề: Điểm tin pháp luật

18/11/2017

Vừa qua, nhiều văn bản pháp luật mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doahn của doanh nghiệp được ban hành, chúng tôi lựa chọn giới thiệu đến quý vị và các bạn một số nội dung đáng chú ý sau:
1, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa
2, Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng
3, Điểm mới về tính lãi tiền gửi giữa tổ chức tín dụng với khách hàng
1, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nghị định quy định cụ thể mức phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số, mã vạch đúng quy định; không làm thủ tục gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch hết hiệu lực;
Phạt tiền từ 6-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng mã số, mã vạch có đầu mã quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng mã số, mã vạch;
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc tổ chức sở hữu mã số, mã vạch đó cho phép bằng văn bản;
Phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp hoặc sử dụng nguồn dữ liệu về mã số, mã vạch không đúng với nguồn dữ liệu mã số, mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế; phát triển và cung cấp các dịch vụ, giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng mã số, mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
Mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm quy định về mã số, mã vạch từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm.
 
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/12/2017.
2, Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1735/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng với chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng.
Theo quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng ban.
Các thành viên là các Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ. Thư ký Ban Chỉ đạo là Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng.
Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến lĩnh vực đấu thầu qua mạng. Ban Chỉ đạo hoạt động theo cơ chế đề cao trách nhiệm của Trưởng ban. Các thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo.
 
3, Điểm mới về tính lãi tiền gửi giữa tổ chức tín dụng với khách hàng
Từ ngày 1/1/2018, phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 14/2017/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ban hành.
Thông tư nêu rõ, lãi suất tính lãi được quy đổi theo tỷ lệ %/năm ; một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày; một tháng là ba mươi ngày.
Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời hạn từ một ngày trở lên: Tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi theo một trong hai cách sau:
Cách 1: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Cách 2: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.