Tiêu đề: Giải pháp tháo gỡ cho ngành nông nghiệp phát triển, đặc biệt là nông sản Việt có thể hội nhập
Liên minh Châu Âu EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt nam sau Trung Quốc. Năm 2016 kim ngạch thương mại Việt Nam – EU đạt trên 45 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu vào EU đạt gần 34 tỷ USD, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Năm 2018, khi hiệp định thương mại Việt Nam – EU EVFTA chính thức có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, để hưởng lợi ích vế thuế thì nông sản Việt ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, còn phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Cụ thể, nguồn gốc nông sản phải chiếm tỷ lệ từ 60 -80% trong nước mới được hưởng ưu đãi về thuế . Đây thực sự là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp nông sản. Vậy cần có những giải pháp như thế nào để hạn chế thách thức, tận dụng tốt nhất những lợi ích mà hiệp định EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp nước ta? Để có câu trả lời, chương trình Kinh doanh và pháp luật có cuộc trao đổi với Ông Đặng Kim Khôi, Giám đốc trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Bộ NN &PTNT.
Câu hỏi 1: Vâng thưa Ông, để có thể hưởng các lợi ích về thuế theo hiệp định EVFTA vào năm 2018, các doanh nghiệp nông sản nước ta cần có những bước chuẩn bị như thế nào ngay từ bây giờ?
Trả lời: Đầu tiên phải tìm hiểu các quy định của Chính phủ các nước Châu ÂU, cũng như hiệp định là tối quan trọng. Thứ 2 tôi nghĩ là phải tự nâng cao năng lực về sản xuất, và hiện nay thì không chỉ là tập trung vào quảng bá sản phẩm của mình mà phải thực sự làm sao đấy để đáp ứng được các quy trình kỹ thuật của Châu Âu. Cho nên tôi nghĩ giải pháp tốt nhất là làm sao đấy chúng ta phải xây dựng được các đối tác ở các nước Châu âu, để các đối tác đấy hỗ trợ, và họ chính là cửa ngõ đưa hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vào các nước Châu Âu.
Câu hỏi 2: Theo Ông thì ngoài việc phải tự mình vận động, các doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ gì từ các cơ quan quản lý Nhà nước?
Trả lời: Hiện nay khó khăn của doanh nghiệp là kết nối thị trường. Vì vậy mà Nhà nước nên tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ sau sản xuất. Tức là làm sao giúp cho doanh nghiệp kết nối với các doanh nghiệp, tạo được các diễn đàn và giúp cho các doanh nghiệp trong quá trình thương lượng với các đối tác, gặp khó khăn gì , hay tìm hiểu hiểu biết những chính sách, nội dung hiệp định thì nhà nước phải hỗ trợ. Và một mặt khác để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của nông sản thì vai trò của Nhà nước cũng quan trọng trong việc định hướng đầu tư, vào đâu là then chốt.
Câu hỏi 3: Theo Ông, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có những giải pháp gì để phát triển ngành nông sản nước ta đáp ứng yêu cầu hội nhập EVFTA?
Trả lời: Sự vào cuộc của các bộ ban ngành liên quan đứng cạnh Bộ nông nghiệp là rất quan trọng. Và vai trò của Bộ công thương là hết sức quan trọng. Bên cạnh việc giám sát vệ sinh thực phẩm ở phía sau của chuỗi thì việc xây dựng các chiến lược liên quan đến việc nâng cao giá trị của nông sản, công nghiệp chế biến kết nối được chiến lược, chính sách của Bộ nông nghiệp và Bộ công thương, hai bộ kết hợp với nhau để sản phẩm nông sản khi ra có chiến lược chế biến cho phù hợp với thương hiệu cũng như giá trị nông sản của nước ta.