Tiêu đề: Điểm tin pháp luật

15/11/2017

Vừa qua, nhiều văn bản pháp luật mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được ban hành, chúng tôi lựa chọn giới thiệu đến quý vị và các bạn một số nội dung đáng chú ý sau:
1.    TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT GIAO DỊCH TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
          Theo Thông tư số 115 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán, kể từ ngày 08/12/2017, trung tâm lưu ký chứng khoán sẽ trở thành một chủ thể giám sát nữa, bên cạnh 02 chủ thể trước là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán.
Thông tư quy định rõ, trung tâm lưu ký chứng khoán đóng vai trò chính trong việc giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ theo từng tài khoản của nhà đầu tư, thành viên bù trừ; và, giám sát về giới hạn vị thế của nhà đầu tư khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
Cũng theo Thông tư, các công ty chứng khoán mà là thành viên giao dịch chứng khoán hoặc thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh sẽ phải thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng với Sở Giao dịch Chứng khoán.
Thông tư này thay thế cho Thông tư số 13 năm 2013 và sẽ có hiệu lực từ ngày 08/12/2017.  
2.    MỨC TIỀN PHÁP NHÂN PHẢI NỘP ĐỂ BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN
            Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 115/2017/NĐ-CP ngày 16/10/2017 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã nộp.
Theo đó, mức tiền mà pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trong từng trường hợp cụ thể, nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức phạt tiền cao nhất quy định tại điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.
Về mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, Nghị định quy định, trong trường hợp điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì mức tiền nộp không dưới 50% và không cao hơn mức thiệt hại cao nhất về tài sản quy định tại điều khoản đó. Trong trường hợp điều khoản được áp dụng không có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì tùy từng trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp để xác định mức thiệt hại làm cơ sở cho việc quyết định mức tiền cụ thể; mức tiền này không cao hơn mức thiệt hại thực tế đã được xác định.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
3.    TỪ 2018, NHẬP KHẨU Ô TÔ PHẢI CÓ GIẤY PHÉP KINH DOANH NHẬP KHẨU
           Cũng kể từ ngày 01/01/2018, theo Nghị định số 116 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.
Nghị định quy định rõ, để được cấp Giấy phép, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp; Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Doanh nghiệp không cung cấp sổ bảo hành hoặc cung cấp điều kiện bảo hành thấp hơn so với điều kiện bảo hành theo quy định sẽ bị tạm dừng hiệu lực, thu hồi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Nghị định này cũng yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải bảo hành ô tô con mới tối thiểu là 03 năm hoặc 100.000km; bảo hành 02 năm hoặc 50.000km đối với ô tô con đã qua sử dụng.
Ngoài ra, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô khi đáp ứng 10 điều kiện về: Nhà xưởng; nhân lực; có khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho linh kiện, khu vực rửa xe; có trang thiết bị đo lường, thiết bị chẩn đoán động cơ…