Tiêu đề: Đánh giá tác động của việc tăng thuế suất thuế GTGT, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt; đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi

13/11/2017

Với 30 chính sách thuế được sửa đổi có tác động lớn đến nhiều ngành, nghề khác nhau, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế đang được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia. Cùng với việc cho ý kiến về việc điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia còn gửi đến cơ quan soạn thảo nhiều kiến nghị liên quan đến các quy định về chuyển nhượng vốn, chuyển tiếp ưu đãi, xác định giá tính thuế tài nguyên hay việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt… Vậy, sự điều chỉnh này sẽ có tác động như thế nào đối với doanh nghiệp?
Câu hỏi:
  1. Thưa Ông, theo quy định của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế thì thuế giá trị gia tăng được điều chỉnh từ 10% lên 12, trong đó mức thuế suất áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%, %; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất nước ngọt là 10%... Vậy, nếu Dự thảo Luật được thông qua, các quy định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát, theo Ông?
Dự án Luật này nếu được thông qua sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nước giải khát nói riêng. Cụ thể là, các doanh nghiệp này sẽ phải chịu nhiều loại thuế với mức tăng và bổ sung như sau:
- Thuế VAT tăng từ 10% lên 12%;
- Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất nước ngọt là 10%;
- Mức thuế suất VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.
Nếu luật được ban hành, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho đường. Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra những hệ luỵ như: tăng giá thành sản phẩm; giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm; giảm doanh thu có thể kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động... Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất của luật này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá bán cao còn có khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển.
Báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự án luật này chưa trả lời được câu hỏi dự án luật này sẽ tác động như thế nào đối với nền kinh tế, với ngành công nghiệp nước giải khát và người tiêu dùng. Nhà nước sẽ có lợi gì và hạn chế gì nếu thông qua luật này?
  1. Trong Dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã đưa nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vậy, dưới góc độ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Ông có đề xuất, kiến nghị gì, thưa Ông?
Đề nghị Bộ Tài chính cần có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở biện chứng rõ ràng về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế nói chung, đối với ngành sản xuất nước giải khát nói riêng và tác động đối với xã hội.
Nhiều nước lớn, đông dân như Trung Quốc, rất gần với nước ta cũng chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, vì vậy đề nghị chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt trên sản phẩm nước ngọt. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt nói riêng, ảnh hưởng tới nguồn thu của ngân sách nhà nước nói chung.
 Trong trường hợp cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, đề nghị Bộ Tài chính xem xét:
- Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả các hàng hóa thực phẩm có chứa đường ở một mức thuế thấp, ví dụ từ 1% đến 3%; hoặc
- Chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những sản phẩm nước ngọt có hàm lượng đường cao.
- Bỏ “đồ uống thể thao" ra khỏi danh mục vì hàm lượng đường cùng với khoáng chất và vitamin trong đồ uống thể thao cần thiết để giúp vận động viên hoặc người chơi thể thao thay thế nước, chất điện giải và năng lượng trước và sau khi tập luyện hoặc thi đấu. Đồ uống thể thao không thể là nguyên nhân gây ra chứng béo phì và tiểu đường.
- Làm rõ khái niệm “nước rau quả, nước trái cây 100% tự nhiên”, “sữa” và các sản phẩm sữa”. Ví dụ café sữa hay sữa trái cây có bị áp thuế không?