Tiêu đề: Giải pháp cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn ba năm triển khai Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có sự cải thiện và tăng hạng đáng kể. Theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, Việt Nam tăng 9 bậc từ vị trí 91 lên vị trí 82, là mức tăng bậc nhiều nhất kể từ năm 2008. Tháng 6/2017, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017 GII 2017, theo đó Việt Nam ở vị trí 47/127 nền kinh tế, tăng 12 bậc so với vị trí thứ 59 của năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay. Một trong những giải pháp đạt được điều này là cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy cần có những giải pháp nào để hạn chế, cắt giảm tối đa những điều kiện kinh doanh không cần thiết? Để có câu trả lời, chương trình Kinh doanh và pháp luật đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Thanh Tú Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư Pháp.
Câu hỏi 1: Vâng thưa Ông, hiện nay các điều kiện kinh doanh được quy định trong Luật, Nghị định thậm chí là trong thông tư. Vì vậy việc rà soát và sửa đổi những điều kiện kinh doanh này mà chỉ dựa vào các bộ ngành thì chưa đủ đúng không thưa Ông Nguyễn Thanh Tú?
Trả lời: Quá trình rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh ở đây có 3 nhóm thực hiện. Thứ nhất, chính bộ ngành quản lý lĩnh vực đó, thứ 2 là cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các hiệp hội doanh nghiệp. Thứ 3 là Bộ Tư Pháp cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề về pháp luật và rà soát pháp luật. Và trên thực tế 3 kênh đó tiến hành đông thời thì sẽ đạt một kết quả cao nhất. Bên cạnh đó phải thấy rằng nếu tự Bộ ngành rà soát nhưng nếu biết làm và làm hợp lý thì hiệu quả rất cao. Tôi lấy ví dụ Nghị định 19 năm 2016 về kinh doanh khí gas, trước đây do một đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ công thương đề xuất xây dựng và đề xuất để ban hành. Thì có nhiều bất hợp lý mà vừa rồi cộng đồng doanh nghiệp khí gas đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phản đối. Tuy nhiên sau khi thấy được kiến nghị, Bộ Công thương đã chủ động đề xuất thay thế Nghị định mới. Lúc này không giao cho vụ quản lý chuyên ngành đó mà giao cho Vụ pháp chế thực hiện thì đã rà soát rất tốt, dẫn đến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh khí gas mới thay thế Nghị định 19 được Bộ Tư Pháp thẩm định được đánh giá rất cao, đã giảm nhiều điều kiện kinh doanh. Điều đó cho thấy rằng, ngay trong Bộ đó làm, nhưng nếu làm hợp lý biêt cách phát huy vai trò của Vụ pháp chế của Bộ ngành đó thì sẽ thúc đẩy quá trình rà soát và giảm thiểu những điều kiện kinh doanh bất hợp lý.
Câu hỏi 2: Vậy theo Ông cần có những giải pháp nào để hạn chế tình trạng giấy phép con, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia theo đúng mục tiêu của Nghị quyết 19 lần thứ 4?
Trả lời: Giải pháp 1 là phải có một chương trình tổng thể rà soát điều kiện kinh doanh , và phải đặt ra chỉ tiêu cụ thể. Ví dụ như vừa rồi Bộ công thương đã quyết tâm cắt giảm, và cắt giảm tới trên 55,5%. Tại sao Chính phủ không yêu cầu tất cả các Bộ phải rà soát và lấy một tỉ lệ nhất định, giảm 50% yêu cầu bắt buộc phải giảm. Kinh nghiệm thế giới cho thấy rất nhiều nước thành công với việc đó như Hàn Quốc. Thứ 2 chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện lại quy định liên quan điều kiện kinh doanh. Thực chất như Bộ tư pháp rà soát các văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, chúng tôi chỉ cần đặt câu hỏi, nếu như với các điều kiện mà bộ chuyên ngành đưa ra, có thể tìm được một điều kiện nào tốt hơn, mà ít hạn chế đến doanh nghiệp nhất, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý của Bộ Ngành đó. Và nếu một doanh nghiệp hoặc Bộ ngành khác, chỉ ra được một điều kiện thấp hơn, thì cái đề xuất về điều kiện đầu tư kinh doanh của bộ chuyên ngành đó sẽ không có giá trị và chúng tôi sẽ bác, như vậy các bộ ngành phải nỗ lực và hạn chế tới mức thấp nhất các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý. Và tất nhiên bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực thực thi của cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, để đảm bảo việc thực thi các điều kiện đầu tư kinh doanh hiệu quả, và không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.