Tiêu đề: Bình luận về việc có nên quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bằng “giấy phép con”

09/11/2017

Có thể nói, việc rà soát, đánh giá và loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp là một trong những động thái rõ rệt thể hiện hành động của Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, mọi khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc Bộ công thương công bố cắt giảm 675 chiếm đến 55,5% số điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Bộ  đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ ngành trong thời gian tới để cải thiện điều kiện kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh của Quốc gia. Vậy cần giải pháp gì và tiêu chí nào để có thểcắt giảm điều kiện kinh doanh không phù hợp? Để có câu trả lời, chương trình kinh doanh và pháp luật đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, CIEM.
Câu hỏi 1: Vâng thưa Ông, Là  một trong hai đơn vị tham gia rà soát các điều kiện kinh doanh. Theo Ông với gần 5000  điều kiện kinh doanh hiện tại theo thống kê của CIEM, có thể cắt giảm được bao nhiêu và cần dựa vào những tiêu chí nào để rà soát và tiếp tục cắt bỏ những điều kiện kinh doanh không hợp lý?
Trả lời: Quản lý bằng giấy phép là công cụ quản lý truyền thống, đã được sử dụng ở nhiều quốc gia trong đó có nước ta. Và rất nhiều quốc gia người ta đã thay phương thức quản lý bằng giấy phép tạm gọi là tiền kiểm, bằng các hình thức quản lý khác thông minh hơn. Thông mình hơn đó là người ta thúc đẩy sự cạnh tranh của thị trường. Chỉ có sự cạnh tranh của thị trường mới làm cho doanh nghiệp phải luôn luôn phấn đấu để sản phẩm của mình có chất lượng tốt nhất và giá cả hợp lý nhất. Thứ hai là sự giám sát của người tiêu dùng cùng tham gia vào quá trình giám sát của doanh nghiệp, và quan trọng nữa là Nhà nước minh bạch hóa thông tin  để tất cả các bên đều có thể theo dõi và giám sát. Như vậy chúng ta hình dung là công cụ bằng giấy phép đã rất lạc hậu và ở tất cả các ngành nghề, tồn tại khá phổ biến ở nước ta. Hiện nay rất nhiều giấy phép đặt ra các điều kiện can thiệp khá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ họ sẽ bắt doanh nghiệp sản xuất cái gì , với quy mô bao nhiêu và sản xuất bằng cách nào, sử dụng máy móc ra sao, công suất như thế nào, có bao nhiêu phương tiện, con người ra sao, trình độ nhân lực như thế nào?... Chúng ta hình dung ra tất cả những điều kiện kinh doanh dưới hình thức như vậy, tôi nói ngắn gọn như thế này, nếu như điều kiện kinh doanh mà trả lời cho 3 câu hỏi là sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu và sản xuất như thế nào , thì tất cả những điều kiện kinh doanh đó của Nhà nước phải bãi bỏ. Bởi 3 câu hỏi đó là cái thứ mà doanh nghiệp sẽ tự quyết định, tự tổ chức hoạt động kinh doanh một cách có hiệu quả nhất. Họ có thể sản xuất thủ công, họ có thể sản xuất quy mô công nghiệp, hay sản xuất rất ít đối tượng khách hàng, và khi nhìn vào đó chúng ta có thể bãi bỏ được rất nhiều điều kiện kinh doanh. Thì tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có những tiêu chí rất rõ ràng, hoàn toàn có thể sử dụng và bãi bỏ ngay và triệt để những điều kiện kinh doanh vi phạm 3 nguyên tắc như vậy.
 
Câu hỏi 2: Thưa Ông, việc các Bộ ngành tự giải quyết, cắt giảm "giấy phép con"  được ví như "lấy đá ghè chân mình". Tức là yêu cầu các Bộ, ngành bỏ đi  đặc quyền quản lý của họ. Theo Ông cần phải kiểm soát hay cơ chế như thế nào để giải quyết tình trạng này?
Trả lời: Nếu như chúng ta tư duy một cách nghiêm túc về công việc, thì rõ ràng việc Bộ tự cải cách và tự rà soát là việc thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình, chứ ở đó tôi không cho là tự lấy đé ghè chân mình. Bởi vì tôi đánh giá, trong trường hợp này nếu Bộ nào chưa làm được thì tôi cho rằng là chưa làm tròn trách nhiệm, bổn phận của công chức nói chung thôi, chứ chưa nói việc đó là một thành tích. Tôi nhìn hơi tiêu cực nhưng đó chưa hẳn là thành tích. Nó trở thành thành tích khi mọi việc không có tiến triển, và trong bối cảnh công việc cải cách đang rất khó khăn thì tôi tạm cho rằng đó là một thành tích. Còn tôi vẫn cho rằng, phải coi đó là bổn phận, làm việc đó phải là một bổn phận, và làm việc đó chưa thực sự tốt thì đó là chưa hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của mình chứ chưa thể nói đây là một thành tựu để chống lại việc mà chúng ta lấy đá ghè chân mình.