Tình tiết sự kiện: Công ty nước ngoài (Nguyên đơn) và Công ty Việt Nam (Bị đơn) xác lập hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trong hợp đồng, các bên thỏa thuận chọn VIAC. Liên quan đến phí trọng tài, phiên bản bằng tiếng Việt nêu “Án phí và các chi phí liên quan thực hiện quyết định của Tòa án”. Trong Đơn khởi kiện tại VIAC, Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn thanh toán “chi phí trọng tài” và “chi phí khác mà Hội đồng Trọng tài xét thấy phù hợp”. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng “do Nguyên đơn được chấp nhận một phần yêu cầu nên sẽ chịu phí trọng tài đối với phần yêu cầu không được chấp nhận và Bị đơn sẽ chịu phí trọng tài đối với yêu cầu được chấp nhận của Nguyên đơn”.
Bài học kinh nghiệm: Phí trọng tài là một nội dung không thể thiếu khi tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài. Vụ việc nêu trên là bài học khá lý thú khi các bên có thỏa thuận về phí trọng tài.
Trong phiên bản bằng tiếng Việt, hợp đồng trao quyền quyết định cho “Tòa án” nhưng các bên lại thỏa thuận đưa tranh chấp ra Trọng tài (VIAC). Thực ra, ở Việt Nam, bên cạnh Trọng tài, chúng ta còn có hệ thống Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Nội dung trên của hợp đồng trao thẩm quyền cho “Trọng tài” hay “Tòa án nhân dân”? Cuối cùng, chúng ta thấy chính Trọng tài đã tiến hành phân bổ phí trọng tài giữa các bên. Để có kết quả này, Hội đồng Trọng tài đã dựa vào hai yếu tố:
Thứ nhất, trong phiên bản bằng tiếng Anh, Điều 18.1 hợp đồng có tranh chấp quy định “court fees and related expenses made by decision the court” và từ “the court” trong tiếng Anh lại có thể là Tòa án thuộc hệ thống Tòa án của Nhà nước hay Trọng tài tùy vào ngữ cảnh. Trong Đơn khởi kiện, Nguyên đơn yêu cầu Trọng tài giải quyết và trong Bản tự bảo vệ Bị đơn không có ý kiến phản đối về chủ đề này. Tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, hai Bên thống nhất từ “Tòa án” nêu trên được hiểu là Trọng tài.
Thứ hai, Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định “bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng Trọng tài có sự phân bổ khác” (khoản 3 Điều 34) và “Phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây: Phân bổ chi phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan” (điểm h khoản 1 Điều 61). Ở đây, Luật không trao quyền phân bổ phí trọng tài cho Tòa án nhân dân mà trao quyền phân bổ phí trọng tài cho Hội đồng Trọng tài nếu các bên không có thỏa thuận về việc phân bổ phí trọng tài. Do đó, đây là cơ sở quan trọng để Trọng tài xác định thẩm quyền của mình trong việc phân bổ phí trọng tài.
Từ vụ việc trên doanh nghiệp rút ra kinh nghiệm rằng các bên được thỏa thuận về mức phí trọng tài giữa các bên nhưng các bên không được thỏa thuận chọn chủ thể khác Trọng tài để phân bổ phí trọng tài nếu việc phân bổ này không được các bên thỏa thuận. Trong biên soạn hợp đồng, các bên lưu ý về từ ngữ giữa tiếng Anh và tiếng Việt về chủ thể có quyền phân bổ phí trọng tài. Cụ thể, trong phiên bản bằng tiếng Anh, các bên sử dụng từ “the court ” để chỉ định chủ thể phân bổ phí trọng tài nhưng từ này không nên chuyển sang tiếng Việt là “Tòa án” mà thay vào đó phải là từ “Trọng tài”. Khi thỏa thuận được như vậy, các bên cũng như Hội đồng Trọng tài sẽ không gặp phải lúng túng khi phân bổ phí trọng tài như vụ việc nêu trên.
VIAC