Tăng cường kiểm soát rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp: Thiết lập hành lang pháp lý vững chắc từ đối thoại thực tiễn

16/04/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hội nghị đối thoại do Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức, là diễn đàn quan trọng để doanh nghiệp, cơ quan chức năng và giới chuyên môn cùng trao đổi, tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật, chủ động quản trị rủi ro, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.

 

 

 

Ngày 14/4/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội nghị đối thoại với chủ đề “Một số vấn đề cần lưu ý theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 – góc nhìn kiểm soát rủi ro”.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 160 đại biểu, bao gồm các chuyên gia, các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các sở, ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp, luật sư, luật gia, chuyên gia pháp lý, và báo chí.  
Mục đích của Hội nghị
Hội nghị là diễn đàn để cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và giới chuyên môn cùng trao đổi, chia sẻ những vấn đề thực tiễn trong việc nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật và kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh.  
Phát biểu khai mạc và khuyến nghị của chủ trì Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bà Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp – nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam với 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 62% là doanh nghiệp siêu nhỏ, đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế (50% GDP), thu hút và tạo công ăn việc làm cho hơn 40 triệu lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu thông tin, thiếu sự hiểu biết về các quy định pháp luật.  
Bà Hoa cũng chỉ rõ, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có nhiều quy định góp phần quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị, điều hành, trách nhiệm pháp lý của người đại diện và doanh nghiệp. Các quy định không chỉ tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư - kinh doanh, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp trong việc tự nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Do đó, việc tổ chức các hội nghị đối thoại là một trong những giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật, tiếp cận và thực thi pháp luật một cách chủ động, hiệu quả.  

Nội dung trình bày của các chuyên gia và doanh nghiệp
Hội nghị tập trung vào hai chuyên đề chính:
  • Chuyên đề 1: Một số vấn đề cần lưu ý theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 – góc nhìn kiểm soát rủi ro.  
  • Chuyên đề 2: Quản trị rủi ro cho doanh nghiệp.  
Trong phần trình bày chuyên đề 1, ThS. Hoàng Minh Chiến – Giảng viên chính Trường Đại học Luật Hà Nội – đã chỉ rõ những khía cạnh pháp lý mà doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm trong quá trình tổ chức và vận hành. Cụ thể, doanh nghiệp cần thận trọng trong lựa chọn loại hình phù hợp, bảo đảm tính ổn định lâu dài và hạn chế rủi ro. Vấn đề kiểm soát quyền đại diện pháp luật cũng được ThS. Hoàng Minh Chiến phân tích kỹ, nhằm tránh phát sinh giao dịch vô hiệu hoặc tranh chấp kéo dài. Ngoài ra, việc tuân thủ ngành nghề kinh doanh đã đăng ký, thực hiện các giao dịch có giá trị lớn theo đúng trình tự, quy định pháp luật là các điểm mấu chốt để phòng ngừa rủi ro từ gốc. Ông Chiến cũng nhấn mạnh các nội dung cần lưu ý theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, bao gồm: nhận diện các loại hình doanh nghiệp; đổi mới quản lý ngành, nghề kinh doanh; đại diện theo pháp luật doanh nghiệp; kiểm soát giao dịch giá trị lớn, giao dịch dễ phát sinh tư lợi… Trong đó, về đổi mới quản lý ngành, nghề kinh doanh thì cần quán triệt nguyên tắc cá nhân, tổ chức được làm những gì luật không cấm; cơ quan nhà nước, công chức, viên chức được làm những gì pháp luật có quy định.  
Trình bày chuyên đề 2, ThS. Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ - chia sẻ rằng, trong bối cảnh hệ thống pháp luật Việt Nam hiện có quá nhiều văn bản pháp luật đang trong quá trình rà soát, hòa thiện theo chính quyền 02 cấp; một số Luật còn quy định chung chung, khó áp dụng; Khó áp dụng pháp luật vì nhiều quy định về cùng một vấn đề; do vậy, Doanh nghiệp khi thiếu thông tin sẽ khó tra cứu, thì việc chủ động quản trị rủi ro pháp lý là nhiệm vụ mang tính sống còn đối với doanh nghiệp. ThS. Phạm Thúy Hạnh khuyến nghị doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: ứng dụng công nghệ pháp lý, cập nhật kịp thời văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường tham khảo ý kiến chuyên gia, luật sư, luật gia,… xây dựng cơ chế phối hợp nội bộ chặt chẽ giữa các phòng, ban để tránh phát sinh sai sót hoặc chồng chéo thẩm quyền. Bà Hạnh cũng đưa ra kinh nghiệm khi áp dụng pháp luật, đó là: Trong hoạt động chuyên môn, cần hiểu đúng quy định pháp luật để xác định chính xác quy định phải áp dụng, nắm chắc nguyên tắc áp dụng pháp luật, xác định đúng thẩm quyền, đối tượng điều chỉnh, hiệu lực, xác định chính xác hành vi, thu thập đầy đủ hồ sơ, bằng chứng. Trong hoạt động quản lý, phải đảm bảo đúng quy định chung và quy trình xử lý của cơ quan, đơn vị, bảo đảm khách quan, phối hợp tốt. Về hạn chế rủi ro, xảy ra tranh chấp, lừa đảo, khiếu nại, tố cáo, thì cần phải đảm bảo rõ ràng, công khai và dứt điểm.  

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các ý kiến đóng góp từ đại diện doanh nghiệp. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng rất lớn và có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và đặc biệt là tiếp cận pháp luật. Do vậy, cần phải có một giải pháp thực sự căn cơ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ông Châu kiến nghị cần xử lý dứt điểm các dự án đang bị treo, rà soát, sửa đổi các quy định về thời điểm tính thời hạn sử dụng đất, hoàn thiện thể chế pháp lý cho các mô hình bất động sản mới, và bảo vệ triệt để quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của doanh nghiệp.  
Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Chủ tịch, Trưởng Cơ quan đại diện Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tại TP.HCM – đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của doanh nghiệp, đặc biệt là về cơ chế ghi nhận và bồi thường thiệt hại đối với các giá trị vô hình, vấn đề vu khống, bôi nhọ trên không gian mạng và rủi ro pháp lý liên quan đến người đại diện theo pháp luật.  
Bà Tracy Bùi - Tổng Giám đốc SOL Corporation tại Việt Nam - chia sẻ về khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp nhỏ, cũng như sự thiếu sót trong các quy định pháp lý đối với các dịch vụ và sản phẩm mới. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của các hội nghị đối thoại trong việc nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.  
Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) – đóng góp ý kiến liên quan đến Luật Đất đai 2024 và Nghị định 76/2025, đặc biệt là về ứng dụng công nghệ số trong quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Đối thoại và giải đáp thắc mắc
Một trong những điểm nhấn quan trọng tại hội nghị là phần đối thoại, trao đổi giữa các chuyên gia và đại biểu tham dự. Hơn 20 câu hỏi đã được đặt ra, xoay quanh các vấn đề pháp lý điển hình mà doanh nghiệp đang gặp phải, như: quyền và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong giao dịch; xác định trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp; tính hợp pháp của các hợp đồng ký khi ngành nghề kinh doanh chưa được bổ sung; cách thức xử lý mâu thuẫn giữa điều lệ doanh nghiệp và các văn bản quản trị nội bộ. Các báo cáo viên đã trực tiếp giải đáp, phân tích dẫn chiếu cụ thể đến các quy định của Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, luật kinh doanh bất động sản… và các văn bản hướng dẫn thi hành, giúp đại biểu củng cố kiến thức, xử lý hiệu quả tình huống pháp lý phát sinh trong thực tiễn.  
 
 
Đánh giá của đại biểu doanh nghiệp về kết quả hội nghị
Các đại biểu doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp trong việc tổ chức hội nghị đối thoại nhằm giúp  doanh nghiệp nhận diện đúng và đầy đủ các yêu cầu pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó giảm thiểu rủi ro pháp lý và tạo điều kiện cho hoạt động ổn định, phát triển lâu dài.  
Kết luận và kiến nghị
Kết thúc hội nghị, các chuyên gia và đại biểu đều thống nhất rằng, việc thiếu thông tin, thiếu sự hiểu biết về các quy định pháp luật thời gian qua đã trực tiếp ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ.  
Do vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết.  
Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ hoạt động này, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã phát hơn 150 phiếu khảo sát nhằm nắm bắt nhu cầu pháp lý cụ thể của các doanh nghiệp, phục vụ công tác xây dựng chương trình hỗ trợ trong thời gian tới.  
Hội nghị là minh chứng cho cam kết của Bộ Tư pháp trong việc đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn; nâng cao chất lượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững.  
Các đại biểu kiến nghị Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) là đầu mối phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị của các bộ ngành địa phương để có giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách thiết thực nhất
                                                                                                    Anh Tú
                                                                                                   Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp

Xem thêm »