Một số kiến nghị giải pháp giúp thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới

13/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 31/12/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 10949/TTr-BKHĐT về báo cáo tình hình triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024. Trong đó, nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác này, cụ thể:

    Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp lần thứ 9 Quốc hội khoá XIII (tháng 5/2025) để các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ sớm đi vào thực tiễn; chỉ đạo Bộ chuyên ngành liên quan (sau khi hợp nhất) trong năm 2025, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước, đảm bảo các định mức hỗ trợ tư vấn phù hợp với thực tế thị trường sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ. Bộ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, báo cáo Quốc hội ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp sau: (i) Đề nghị các Bộ cần tiếp tục đẩy nhanh việc công nhận tư vấn viên thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để mở rộng mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chia sẻ cơ sở dữ liệu tư vấn viên đã được bộ công nhận cho các địa phương để thuận lợi trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn cho các tư vấn viên trong mạng lưới; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tới cộng đồng doanh nghiệp để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các chính sách; (iii) Các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực (nhân lực, vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ...) để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung, Chương trình, Kế hoạch, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được phê duyệt theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chủ động lồng ghép các hoạt động hỗ trợ trong thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ khác phù họp; (iv) Tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam về 16 FTA đã ký kết để tận dụng ưu đãi của các Hiệp định, cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức về các yêu cầu của đối tác, của thị trường và quy định pháp lý trong nước và quốc tế về tiêu chuẩn kinh doanh bền vững; (v) Đẩy mạnh triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số bao trùm, “chuyển đối kép”; tiếp tục huy động các nguồn lực để đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp kinh doanh bền vững; (vi) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiến hành tổng kết đánh giá tình hình triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025, làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật để báo cáo Chính phủ và Quốc hội trong năm 2026; (vii) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề xuất các giải pháp khả thi trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; (viii) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa; đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các sản phẩm mới; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ; (ix) Bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiến hành tổng kết Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2025-2030 trình Thủ tướng Chính phủ đáp ứng yêu cầu, bối cảnh mới của Đất nước. Đồng thời, tiếp tục đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2019/NĐ-CP sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành; (x) Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa triển khai thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết; tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng thị trường, mặt hàng; nâng cao chất lượng công tác dự báo cung cầu ngành hàng, sản phẩm, thị trường để kịp thời hỗ trợ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; khai thác hiệu quả thị trường nội địa.
    Đối với các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần tập trung thực hiện các giải pháp sau: (i) Tăng cường tính liên kết giữa các doạnh nghiệp hội viên, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hợp tác cùng phát triển; tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước thông qua việc tập hợp hội viên là các nhà sản xuất, xuất khẩu lớn theo từng ngành hàng. Cùng với đó, phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc vận động chính sách, bảo vệ quyền lợi hội viên trong các tranh chấp; (ii) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp của trung ương và địa phương để xây dựng và triến khai hiệu quả các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; (iii) Chủ động cập nhật thông tin, hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để nắm bắt kịp thời các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ; tích cực phổ biến, tuyên truyền, cập nhật kịp thời các chính sách mới của Chính phủ, chỉ đạo của chính quyền địa phương tới các doanh nghiệp hội viên.
    Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nỗ lực, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, theo sát diễn biến của thị trường, tập trung cắt giảm chi phí, nắm bắt từng cơ hội đơn hàng để duy trì hoạt động; tận dụng tối đa lợi thế của 16 FTA mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các Hiệp định tự do thế hệ mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế. Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, cho từng thị trường mục tiêu, chú trọng tìm hiểu thị hiếu, xu hướng của các thị trường mới, giảm thiểu tối đa rủi ro khi phụ thuộc nhiều vào một hay một số thị trường xuất khẩu truyền thống; chủ động đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, tìm kiếm các nguồn cung nội địa đế tránh phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng, trình độ quản trị doanh nghiệp; hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu.
    Hiện nay, xu thế chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là lộ trình không thể đảo ngược mà các doanh nghiệp phải tham gia nếu không muốn bỏ lại phía sau trong cuộc chơi toàn cầu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh trong dài hạn, hướng tới chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về xanh và bền vững cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ để đáp ứng được nhu cầu chuyến đổi của doanh nghiệp. Cuối cùng, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước.
Lưu Công Thành
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »