Chiều ngày 20/8/2024, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức buổi làm việc với Vụ Pháp chế và Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tham dự buổi làm việc, về phía Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật có đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng. Về phía các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đồng chí Nguyễn Minh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp.
Bắt đầu buổi làm việc, đồng chí Lê Vệ Quốc trao đổi mục đích của buổi làm việc nhằm lấy ý kiến góp ý của các đơn vị về 02 nội dung sau đây: (i) Các nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) Chủ đề, nội dung của Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024.
Về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, đồng chí Lê Vệ Quốc đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng và quản lý đội ngũ tư vấn viên pháp luật. Theo các số liệu tổng hợp, sau hơn 05 năm thực hiện Nghị định, tính đến nay cả nước chưa phát sinh bất kỳ vụ việc nào của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do đội ngũ này tư vấn được thanh quyết toán theo quy định. Điều đó cho thấy đội ngũ tư vấn viên pháp luật vẫn còn trong trạng thái “tĩnh”, chưa thực sự hoạt động theo đúng chức năng và nhiệm vụ của mình.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp đã đưa ra đề xuất rà soát và sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Đề xuất này không chỉ tập trung vào việc điều chỉnh các quy định liên quan đến đội ngũ tư vấn viên mà còn yêu cầu phải đối chiếu với các văn bản pháp luật khác có liên quan như Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đảm bảo rằng việc quản lý và thanh toán cho đội ngũ tư vấn viên pháp luật được thực hiện một cách chính xác và hiệu quả, đồng thời tránh tình trạng thất thoát ngân sách nhà nước.
Tại buổi làm việc, các thành viên đã đưa ra nhiều ý kiến và đề xuất quan trọng liên quan đến việc sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Đồng chí Nguyễn Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn đồng ý với việc cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị định này. Đồng chí nhấn mạnh rằng, để sửa đổi hiệu quả, cần rà soát kỹ lưỡng các quy định liên quan từ Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho tới các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tiếp nối ý kiến của Vụ Pháp chế, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện nay, theo quy định của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP giao cho các bộ, ngành chịu trách nhiệm công nhận tư vấn viên, trong khi việc giải ngân cho các hoạt động liên quan đến tư vấn viên được thực hiện qua các địa phương. Đồng chí đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật nghiên cứu quy trình lập dự toán, thanh quyết toán chi phí tư vấn nói chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Từ đó vận dụng để quy định trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh việc sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, buổi làm việc cũng đã thảo luận về việc tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024. Theo đó, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết tổ chức, chủ đề, nội dung của Diễn đàn đồng thời cho rằng Diễn đàn sẽ là một cơ hội quan trọng để thu thập ý kiến từ các bên liên quan và chia sẻ thông tin về các vấn đề khó khăn, vướng mắc pháp lý ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Vệ Quốc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại diện Vụ Pháp chế và Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng chí cũng đề nghị trong thời gian tới các đơn vị tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp để xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024.
Lưu Thị Mai Anh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật