HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2017 VÀ TRAO ĐỔI VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2018 CỦA CHƯƠNG TRÌNH 585

30/12/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chiều ngày 29/12, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 585) đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2017 và trao đổi về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Chương trình 585.

Chuyển biến tích cực trong nhận thức và thực thi pháp luật của doanh nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, năm 2017, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc, trong đó, tập trung tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội; TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Bình, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Nai… và một số tỉnh được lựa chọn theo đặc thù vùng, miền trên cơ sở kết quả khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp. Một số hoạt động được triển khai đã gây được tiếng vang, nhận được phản hồi tích cực từ dư luận xã hội, báo chí và đặc biệt là từ chính cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động của Chương trình đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý, thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được tiếp cận, hỗ trợ tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… Năm 2017, sự phối hợp liên ngành trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực; phát huy hiệu quả nguồn lực từ các Ban, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến cũng thông tin về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Chương trình 585, theo đó, tiếp tục phát huy vai trò của Bộ, ngành trong việc phối hợp triển khai hoạt động của Chương trình; nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Sở, ban, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tại địa phương; tổ chức các hoạt động thuộc Dự án của Chương trình như: đối thoại pháp lý, phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam…;
Chương trình 585  - cầu nối giữa Bộ Tư pháp và doanh nghiệp 
Tham dự Hội nghị, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế TƯ khẳng định,  Chương trình 585 của Bộ Tư pháp ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chương trình chính là cầu nối giữa Bộ Tư pháp và doanh nghiệp, từ đó góp phần đưa mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước đến gần hơn đối với doanh nghiệp. “Ân huệ” của việc “xin – cho” đã đã được xóa bỏ, thay vào đó là cơ quan nhà nước đã chủ động, tích cực đến gần và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu kiến nghị, Bộ Tư pháp cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng để đánh giá kết quả của việc thực hiện Chương trình 585; Xây dựng “khung logic”, chi tiết của Chương trình hoạt động năm 2018, trong đó làm rõ mục tiêu, tác động dự kiến của chương trình, đối tượng, ngân sách, đầu ra của Chương trình…. Ông cũng mong muốn, Chương trình cần phân loại doanh nghiệp và mời đúng đối tượng để thực hiện hỗ trợ. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không chỉ dừng ở mức độ thông tin, phổ biến mà cần đi tiếp một bước sâu sắc hơn.
Trong khi đó, ông Lê Anh Văn, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhấn mạnh bên cạnh việc xác định đúng đối tượng, cần phải xác định phạm vi hỗ trợ để tập trung nguồn lực bảo đảm thực hiện. Ông cho rằng, cần xác định rõ hình thức hoạt động chủ yếu bên cạnh các hình thức như tọa đàm, tập huấn…. Ông cũng đề xuất phải có cơ chế để khuyến khích luật sư, luật gia và các Hiệp hội tham gia vào Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đa dạng, đa lĩnh vực, địa bàn được mở rộng hơn
Khẳng định nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đa đạng, đa lĩnh vực, địa bàn được mở rộng hơn, Luật sư Nguyễn Duy Lãm cũng đề nghị, năm 2018 cần tập trung vào hình thức hội nghị đối thoại pháp lý nhiều hơn. Đồng thời, tiếp tục quảng bá để các doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng Chương trình. Bên cạnh đó, cần tăng cường cán bộ vững chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm để Chương trình hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Liên quan đến việc mạng lưới luật sư tham gia vào hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiêp, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng khẳng định tổ chức luật sư Việt Nam luôn là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp với mục đích chung của Chương trình là doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã chia sẻ ý kiến để hoạt động của Chương trình 585 ngày càng hiệu quả, hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho doanh nghiệp.
Đề nghị tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, trong năm 2017, Chương trình 585 có nhiều điểm mới trong cách thức tổ chức hoạt động, do đó khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế… Nội dung, hình thức hỗ trợ pháp lý phong phú, đa dạng, thiết thực, gần hơn với doanh nghiệp, nhất là nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã ghi nhận sự nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 585.
Năm 2018, Thứ trưởng đề nghị, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần thực hiện thực chất, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm; chuyển mạnh từ thông tin, tuyền truyền pháp lý sang đối thoại, tọa đàm, tư vấn trực tiếp. Đồng thời, Chương trình 585 cần xác định đúng đối tượng, ưu tiên vùng khó khăn.
Đối với hoạt động thông tin tuyên truyền thì tập trung vào sản xuất chương trình, tài liệu hướng dẫn; nghiên cứu những kênh tiếp cận, xử lý vướng mắc của doanh nghiệp, những vấn đề không vướng mắc thể chế thì hướng dẫn thực hiện ngay, những vấn đề vướng về thể chế chính sách thì phải phản ánh cơ quan có thẩm quyền, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu cho Chính phủ hoặc phối hợp với các Bộ, ngành để tháo gỡ.
 


 

Xem thêm »