Hội nghị đối thoại chuyên sâu tư vấn pháp luật về thuế và hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi thuế năm 2023 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thành phố Đà Nẵng

04/10/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hội nghị tổ chức ngày 29/9/2023

Ngày 29 tháng 9 năm 2023 tại thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng, đã phối hợp tổ chức Hội nghị  đối thoại chuyên sâu trao đổi về chuyên đề: “Tư vấn pháp luật về thuế và hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi thuế năm 2023, những vấn đề doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lưu ý qua một số vụ việc cụ thể”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa – Bộ Tư pháp năm 2023.
Tham dự hội nghị có các Hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Văn phòng Đại diện VINASME tại Miền trung Tây nguyên, một số Tổ chức Hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố, các cơ quan tổ chức có liên quan đến công tác Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội Nghị, Ông Phạm Bắc Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng nêu rõ “Trong những thành tựu của thành phố Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã có những đóp góp tích cực trong việc phát triển kinh tế của thành phố. Nhưng với đặc điểm đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và cạnh tranh của các doanh nghiệp rất thấp. Vốn ít, chủ yếu dựa vào vốn vay, công nghệ lạc hậu, thiếu mặt bằng,... nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, ngưng hoạt động hoạt giải thể. Trong các năm qua, Thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã nhiều lần tổ chức hội nghị tọa đàm, thu thập ý kiến của các doanh nghiệp hội viên tại Thành phố Đà Nẵng nhằm kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo thành phố về những giải pháp cũng như chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và phát triển.
Ông Bình cho biết, Bước sang năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới kém khả quan do nhu cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu giảm, kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2023 đạt mức tăng trưởng 3,74%. Đây không phải là mức tăng trưởng cao. Kinh tế Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; thị trường xuất khẩu không thuận lợi; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ. Cụ thể 6 tháng đầu năm, có 328 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường, tăng 0,62% so với cùng kỳ; có 2.889 doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc xin tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng qua (tăng 15,2%), trong khi số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương với hơn 1.000 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc). Hoạt động du lịch mặc dù đã được phục hồi nhưng do lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của du khách; do vậy dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 và 2 tháng 9 số du khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng đều giảm.
Chính vì vậy, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ,trong đó có hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, các chi phí khác, cũng như các công cụ hỗ trợ về tài chính khác đối với doanh nghiệp lúc này là rất quan trọng, nhằm giúp doanh nghiệp cân đối lại dòng tiền, duy trì để có cơ hội phục hồi và phát triển.

Tại hội nghị các doanh nghiệp và chuyên gia được mời từ Đại học Luật Hà Nội và các đại biểu diễn giả, doanh nghiệp tại địa phương đã trao đổi nội dung chuyên đề về hỗ trợ thuế, ưu đãi thuế năm 2023, cụ thể làNghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội quy định việc giảm 2% thuế VAT theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15, các chuyên gia đã phân tích Nghị định số 44/2023/NĐ-CP cơ bản kế thừa nội dung đã được quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ đã được thực hiện từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các Cục Thuế đã có nhiều văn bản hướng dẫn về việc xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế và việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế. Đây vẫn là những vướng mắc nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, liên quan đến việc áp mã ngành dịch vụ để được giảm 2% thuế VAT.
Các chuyên gia cho rằng, Để chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, bên cạnh công tác tuyên truyền của cơ quan thuế, người nộp thuế cũng cần nghiên cứu kỹ Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, tham khảo nội dung tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế đối chiếu với hàng hóa, dịch vụ đang kinh doanh để thực hiện.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Đà Nẵng cho biết, hiện nay các văn bản hướng dẫn chỉ gửi cho các Cục Thuế, còn nếu doanh nghiệp hỏi thì nhận được sự trả lời rất chung chung, bên cạnh đó một số loại hàng hoá, dịch vụ đang được áp dụng các biện pháp quản lý giá như Nhà nước định giá, đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá. Khi chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% vào ngày 1/7/2023 và tăng từ 8% lên 10% vào ngày 1/1/2024 sẽ tác động đến việc thực hiện các biện pháp quản lý giá như trên. Theo đó, “đối với trường hợp doanh nghiệp đã kê khai giá, đăng ký giá đã bao gồm thuế, có cần phải giảm giá tương ứng với phần giảm thuế 2% không hay vẫn áp dụng giá cũ? Doanh nghiệp có cần làm thủ tục kê khai, đăng ký giá đã điều chỉnh không?”, Những vấn đề đặt ra đó cần có lời giải của Cơ quan Nhà nước trong thời gian tới.
Hội nghị diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến đóng góp, đánh giá của các đại biểu đã được Ban Tổ chức và chuyên gia giải đáp, ghi nhận và tổng hợp.
 
 
 

Xem thêm »