Thực hiện quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 18/-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao: phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; không để bị suy thoái, hủy hoại, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Ngày 11/8/2023, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 phối hợp Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị đối thoại “tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn và khơi thông nguồn lực trong hoạt động đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp” tại Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc, chỉ đạo tại hội nghị: Đ/c Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (Chương trình HTPLLN) nêu: Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và của từng Bộ, ngành, địa phương nói riêng. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức, cá nhân, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ và hiệu quả, góp phần tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Với tính chất quan trọng đó, trên cơ sở Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thời gian lấy ý kiến từ ngày 03/01/2023 đến ngày 15/3/2023. Về bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều.
Để làm rõ các vấn đề về đất đai, các số liệu khảo sát, ý kiến nhân dân, tiến độ thông qua Luật đất đai (sửa đổi)… đ/c Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã có bài tham luận góp ý tại hội nghị và cung cấp thêm thông tin tới địa phương nhất là đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Tới tham dự, trao đổi tại hội nghị còn có các đơn vị trên địa bàn Thành phố Cần Thơ: Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân Thành phố, Chi cục quản lý đất đai, Đoàn Luật sư, Tổ chức đại diện doanh nghiệp… cùng các chuyên gia, luật sư, luật gia có các góp ý, trao đổi nhằm hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) nhất là các vấn đề về vốn, thủ tục, nguồn lực đất đai trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các tham luận góp ý một số vấn đề pháp lý về góp vốn và hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất bằng quyền sử dụng đất trong dự thảo luật đất đai (sửa đổi) góp phần tạo nên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài. Đ/c Cao Đăng Vinh ghi nhận các ý kiến góp ý, đánh giá cao những ý kiến hay, đổi mới cho dự thảo Luật nhằm hoàn thiện chính sách để đảm bảo cơ sở thực tiễn có tính thuyết phục và mang lại hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp./.
Một số hình ảnh tại hội nghị