DIENDANDOANHNGHIEP.VN Trước hàng loạt các khó khăn, thách thức đã và đang hiện hữu, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đề xuất Chính phủ 4 giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp… “vượt khó”.
Theo đó, kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp vừa được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện cho thấy, trong các tháng còn lại của năm 2023, 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô 20,5%.
Doanh nghiệp đang gặp phải không ít khó khăn trong quá trình hoạt động thời gian qua - Ảnh minh họa
Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%. Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp.
Theo Ban IV, có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/ rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/ rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực.
Đáng nói, trong bức tranh “màu xám” này, doanh nghiệp thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn cả là doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.
>> Tăng trưởng trước áp lực xuất khẩu giảm: Ứng phó chính sách linh hoạt
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Ban IV đã có văn bản đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ - Ảnh minh họa
Các khó khăn của doanh nghiệp hiện nay được chia thành 4 nhóm: Thứ nhất là đơn hàng (59,2% doanh nghiệp gặp phải); Thứ hai là tiếp cận vốn vay (51,1% doanh nghiệp gặp phải); Thứ ba là thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3% doanh nghiệp gặp phải); Thứ tư là nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1% gặp phải).
Cũng theo kết quả khảo sát của Ban IV, có tới 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.
Trước thực tế đã nêu, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV đã đưa ra các đề xuất nhằm tháo gỡ cho các khó khăn của doanh nghiệp, gồm:
Thứ nhất, cần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cụ thể, kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023; Tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới; Đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp và đưa thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác...
Thứ hai, để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất.
Bên cạnh đó, cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, xem xét giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội và các cơ chế để doanh nghiệp tham gia tín chấp, bảo lãnh cho người lao…
Thứ ba, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để doanh nghiệp ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần có nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự như những năm 1997-2000.
Hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (không quá 1 lần/năm), có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi; Cùng đó, đề nghị thay đổi Luật và quy định về đấu thầu; Phân quyền cho phép cơ quan phòng cháy chữa cháy cấp quận/huyện thẩm duyệt và nghiệm thu…
Thứ tư, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, như phát huy trọng tâm vai trò của ngoại giao kinh tế và đàm phán thương mại vào việc phát triển, đa dạng hóa thị trường đầu vào (đặc biệt đối với các ngành may mặc, da giày, đồ gỗ...) và đầu ra để giảm sự phụ thuộc các thị trường truyền thống. Nghiên cứu xây dựng các kênh thông tin tập trung để phân tích, dự báo về các xu hướng kinh tế, kinh doanh quốc tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro để hỗ trợ doanh nghiệp…