DNVN - Khai Xuân với khí thế sôi động, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó khăn. Mọi hoạt động đầu xuân đều hướng tới kỳ vọng một năm sản xuất kinh doanh thắng lợi.
Theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, trong ngày 27/1 (tức ngày 6 Tết Nguyên đán), đã có 83,24% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 94,67% số lao động của các doanh nghiệp trên trở lại làm việc.
Đến ngày thứ 2 - 30/1 (tức ngày 9 Tết Nguyên Đán), có 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 97,8% số lao động trở lại làm việc. Riêng ngành dệt may, do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất nên đến nay có 67,74% doanh nghiệp mở cửa sản xuất, với 69,06% số công nhân quay trở lại làm việc.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội động viên, tặng lì xì cho công nhân trong ngày quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo báo cáo của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, tính đến chiều 30/1, đã có 284 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở báo cáo với số lao động trở lại làm việc là 154.309 người, đạt tỉ lệ 88,1% trên tổng số các doanh nghiệp đã báo cáo.
Ngay trong ngày đi làm đầu tiên của năm mới, đa số doanh nghiệp đã có các hoạt động để động viên người lao động quay trở lại làm việc như: Khen thưởng, bốc thăm may mắn đầu xuân, Tết trồng cây, lì xì đầu năm.
Sáng 31/1, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được đến thăm, chúc tết các doanh nghiệp trên địa bàn và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động.
Chiều 31/1, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa cũng đã tổ chức lễ ra quân sản xuất năm 2023. Dự lễ ra quân có đồng chí Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa cùng các đồng chí lãnh đạo TP Thanh Hóa.
Chia sẻ về mục tiêu phát triển doanh nghiệp mới năm 2023 của TP Thanh Hóa với hơn 1.500 doanh nghiệp, ông Xuân đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền thành phố khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong các doanh nghiệp trẻ để hoàn thành mục tiêu phát triển chung.
Ghi nhận trên cả nước, ngay từ ngày làm việc đầu tiên, người lao động đã tích cực đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao tạo khí thế ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm. Hầu hết các doanh nghiệp đã ra quân lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi, mang đến kỳ vọng vào một năm sản xuất, kinh doanh thắng lợi.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cùng đoàn công tác tham quan hoạt động của Công ty cổ phần Thép TVP.
Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may đang gặp phải là tình hình đơn hàng giảm sút đầu năm. Ngoài nguyên nhân tháng Tết nên số ngày làm việc ít hơn, việc đơn hàng giảm sút còn do thế giới vẫn đang trong thời kỳ biến động sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ông Lê Đại Quảng, Phó Tổng Giám đốc công ty dệt may Supertex cho biết, so với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn hơn do đơn hàng giảm.
Ngày mùng 9 Tết, công ty CP dệt may Supertex chuyên sản xuất tất xuất khẩu mới khai xuân nhưng đã có 98% công nhân trở lại nhà máy.
“Trước kì nghỉ Tết, nhiều công ty, doanh nghiệp lo lắng người lao động sẽ không quay trở lại làm việc nhưng ngày khai xuân, công nhân đã có mặt đầy đủ và làm việc hào hứng. May mắn, kế hoạch sản xuất trong tháng 1 và tháng 2 bảo đảm đủ việc làm cho người lao động”, ông Quảng nói.
Đơn hàng đến từ các đối tác nước ngoài giảm sút là khó khăn đã được cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận và bám sát chặt chẽ với tình hình biến động kinh tế thế giới và trong nước. Từ đó, doanh nghiệp đã có những giải pháp linh hoạt để thích ứng với tình hình mới.
Ông Vũ Đình Tới- Giám đốc kĩ thuật Tập đoàn Intechgroup (sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa và công nghệ) cho rằng, thông thường vào thời điểm cuối năm trước và đầu năm sau, doanh nghiệp đều nhận được nhiều đơn hàng do nhiều đơn vị tập trung đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chuyên nghiệp, trang bị các máy móc hiện đại và có độ chính xác cao.
Khai Xuân với khí thế sôi động, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, kỳ vọng một năm thắng lợi.
Tình hình thế giới có nhiều có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc xung đột Ukraine - Nga, hay lạm phát tăng cao khiến các đơn hàng từ các đối tác lớn như Châu Âu và Nhật Bản bị sụt giảm mạnh so với các năm trước.
Tập đoàn Intechgroup đã có những giải pháp linh hoạt để thích ứng với tình hình mới. Năm 2023, tập đoàn sẽ tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới, thông minh hơn, đem lại hiệu quả cao cho khách hàng khi sử dụng như robot tự hành và module thông minh.
Đặc biệt, đối với thị trường nước ngoài, tập đoàn sẽ tập trung cải tiến và mở rộng đối với các sản phẩm con lăn - con tải. Đây là sản phẩm đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Cũng trong tình trạng tương tự, ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thực tế hiện nay các doanh nghiệp thủy sản khai xuân nhưng phần nhiều vẫn chưa đẩy mạnh sản xuất do đơn hàng ký rất ít, đếm trên đầu ngón tay.
Khi hàng tồn kho đã giải quyết xong, khả năng phải cuối quý 1/2023, thị trường thuỷ sản hồi phục, giao dịch mới nhộn nhịp. Trung Quốc xóa thủ tục về COVID-19 hy vọng thị trường phục hồi trở lại. Thị trường châu Âu, Mỹ hết lạm phát cũng cần có thời gian, sau đó mới xác định mức cầu.
Còn theo ông Nguyễn Cao Giang- Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Phú Việt Nam, năm 2022 các sản phẩm đồ gia dụng của doanh nghiệp đã có mặt tại Mydin - chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ lớn nhất Malaysia, xuất hiện ở nhiều thị trường tiềm năng như Philippines, Indonesia, Lào, HongKong, Australia, hay Israel. Bên cạnh đó là những hợp đồng xuất khẩu lớn đến từ các đối tác Châu Âu.
Tuy vậy, trong năm 2023, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, Tân Phú không ngừng nỗ lực tìm kiếm những thị trường mới tiềm năng.
Đó là chiến lược phát triển ra thị trường quốc tế, tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thêm các đối tác chiến lược tại các thị trường lớn như Châu Mỹ, Châu Âu, đồng thời mở rộng mạng lưới phân phối trên lãnh thổ Đông Nam Á nhằm mang các sản phẩm tới gần hơn với khách hàng.
Hà Anh
Doanhnghiep.vn