Sự tăng trưởng nhanh chóng của mô hình kinh tế đã đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khi các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này còn chưa kịp điều chỉnh cho phù hợp, chính vì vậy, việc nghiên cứu chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Australia, liên hệ với Việt Nam và đề xuất, kiến nghị phù hợp là rất cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Về chính sách bảo vệ quyền lợi (BVQL) người tiêu dùng ở Australia có một số nội dung cần quan tâm như sau:
1. Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
a) Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC):
ACCC là cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở cấp liên bang của Australia. Vai trò chủ yếu của ACCC là thực thi Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng 2010 và một số văn bản pháp luật có liên quan khác nhằm thúc đẩy, tăng cường cạnh tranh, thương mại công bằng, xây dựng môi trường cạnh tranh và bảo đảm su ổn định của nền kinh tế. ACCC cũng có chức năng bảo đảm sự vận hành bình thường của thị trường, bảo vệ cạnh tranh, tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng và ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh hoặc các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
ACCC có một số chiến lược trọng tâm bao gồm:
- Duy trì và thúc đẩy cạnh tranh;
- Bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của người tiêu dùng và hỗ trợ kinh doanh công bằng tại các chợ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ;
- Thúc đẩy việc vận hành, sử dụng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng có hiệu quả kinh tế và xác định sự thất bại của thị trường;
- Thực hiện các nghiên cứu thị trường và các câu hỏi để hỗ trợ cạnh tranh, kết quả của người tiêu dùng và quy định.
Để thực thi các chức năng, nhiệm vụ của mình, ACCC thành lập các văn phòng cấp bang cũng như xây dựng mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước cấp bang.
b) Ủy ban chứng khoán và đầu tư (ASIC):
ASIC là cơ quan cấp phép, quản lý và giám sát trong lĩnh vực dịch vụ tài chính được thành lập vào năm 1991. ASIC là một cơ quan chính phủ độc lập của Australia, được thiết lập và hoạt động dựa trên . Đạo luật Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Australia 2001.
ASIC là cung cấp các tiêu chuẩn công bằng giữa các doanh nghiệp mà họ giám sát và các nhà đầu tư trên thị trường tài chính. ASIC hoạt động không ngừng để đảm bảo một thị trường tài chính cởi mở và trung thực bằng cách giám sát các hoạt động của mọi công ty được quy định. Các trách nhiệm của ASIC gồm: cuoi - Duy trì, tạo điều kiện và cải thiện hiệu suất của hệ thống tài chính và các thực thể trong đó.
- Thúc đẩy sự tham gia tự tin và có hiểu biết của các nhà đầu tư và người tiêu dùng trong hệ thống tài chính.
- Quản lý luật hiệu quả và tối ưu hoá các quy trình thủ tục.
- Nhận, xử lý và lưu trữ một cách hiệu quả và nhanh chóng các thông tin nhận được.
- Công khai thông tin về các công ty và các cơ quan khác ngay khi có thể.
- Thực hiện bất kỳ hành động nào có thể, và cần thiết, để thực thi và tuân thủ luật pháp.
c) Ủy ban dịch vụ khách hàng bang NSW:
Ủy ban dịch vụ khách hàng bang NSW có chức năng hỗ trợ người tiêu dùng/công dân trong việc giải quyết các tranh chấp về bảo vệ người tiêu dùng, lao động... Mô hình tổ chức của Ủy ban dịch vụ khách hàng theo hình thức trung đã xử lý các tranh chấp tại Ủy ban hoặc chuyển để cơ quan khác xử lý.
Trong lĩnh vực BVQL người tiêu dùng, Ủy ban cũng thực thi một số định có liên quan trong Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng. Đồng thời, Uy ban có mối quan hệ chặt chẽ với ACCC.
Ngoài ra, Australia cũng phân chia các cơ quan quản lý thuộc chính phủ theo từng lĩnh vực rất khoa học, cụ thể:
Nhóm các cơ quan chính phủ quản lý các sản phẩm tiêu dùng thông thường
- Nhóm các cơ quan chính phủ giám sát các sản phẩm, hàng hóa theo từng lĩnh vực như nông nghiệp, hàng hải, hóa chất, thuốc và thiết bị y tế, đồ điện tử, thực phẩm, thiết bị liên quan đến gas, phương tiện giao thông và phương tiện truyền thông...
2. Hệ thống pháp luật về BVQL người tiêu dùng
Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng 2010 (trước đây là Đạo luật Thông lệ Thương mại 1974) này là đạo luật chung nhất về BVQL người tiêu dùng tại Australia. Bên cạnh đó là hệ thống các văn bản pháp luật chuyên ngành ngành trong các lĩnh vực khác như tài chính, năng lượng... Ngoài ra, hệ thống pháp luật của liên bang, các bang của Australia cũng có thể có hệ thống pháp luật riêng của bang để điều chỉnh các vấn đề đặc thù.
3. Một số cơ chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Australia
- Ấn phẩm thường niên về những ưu tiên an toàn sản phẩm:
Người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng Australia nói riêng đều kỳ vọng sự an toàn trong các sản phẩm tiêu dùng mình lựa chọn. Để giúp người tiêu dùng và cộng động doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có thêm thông tin, kiến thức nhằm hạn chế các rủi ro từ các sản phẩm tiêu dùng, định kỳ mỗi năm ACCC sẽ ban hành ấn phẩm về những ưu tiên an toàn sản phẩm. Các ưu tiên này thay đổi theo thực trạng lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng của người tiêu dùng mỗi năm, do vậy việc cập nhật các thông tin theo định kỳ từng năm khiến các thông tin được cung cấp có tính thời sự và mang lại hiệu quả cao hơn cho người tiêu dùng.
Năm 2021, ấn phẩm về những ưu tiên an toàn sản phẩm đề cập tới những rủi ro gây mất an toàn trong quá trình sử dụng các sản phẩm hết sức quen thuộc và phổ biến trong đời sống như: giường ngủ trẻ em, đồ vật trang trí trên các nóc tủ quần áo/ tủ trang trí, xe đạp bốn bánh, nút “pin” trên các thiết bị điện tử và rủi ro trong mua sắm trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay. - Hệ thống An toàn sản phẩm:
Hiện nay, trên thị trường Australia có hơn 15.000 loại sản phẩm tiêu dùng có sẵn, mỗi loại lại được sản xuất bởi nhiều thương hiệu khác nhau. Nhằm đảm bảo các sản phẩm tiêu dùng này đảm bảo các tiêu chí về an toàn, hệ thống an toàn sản phẩm ra đời. Dựa trên sự phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan thuộc chính phủ, hệ thống cung cấp da đạng các thông tin, bao gồm: các hoạt động tự nguyện từ phía nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm; chính sách mới của chính phủ nhằm khuyến khích sản xuất các sản phẩm đảm bảo tiêu chí an toàn; thông báo hạn chế giao dịch các sản phẩm không an toàn; thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm an toàn.
- Trang thông tin điện tử về an toàn sản phẩm:
Trang thông tin điện tử về an toàn sản phẩm được quản lý và vận hành bởi ACCC, là trang thông tin chính thức của các cơ quan quản lý về an toàn sản phẩm trên phạm vi toàn lãnh thổ Australia (bao gồm các tiểu bang và vùng lãnh thổ).
Trang thông tin điện tử hỗ trợ người tiêu dùng phương thức liên hệ tới cơ quan quản lý phù hợp trong trường hợp cần phản ánh, thông báo về hàng hóa có khuyết tật. Đồng thời, đây cũng là kênh đăng tải những thông tin tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức người tiêu dùng và xã hội về thông tin an toàn trên các danh mục sản phẩm khác nhau. Các doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu thông tin về bất kỳ văn bản pháp luật, lệnh cấm, tiêu chuẩn quy định hoặc hạn chế có thể áp dụng khi xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm sang Australia. Trang thông tin cũng cho phép các doanh nghiệp gửi thông báo thu hồi sản phẩm, báo cáo thương tích bắt buộc và các thông tin khác theo yêu cầu của pháp luật.
- Hướng dẫn cụ thể về công tác thu hồi hàng hóa có khuyết tật:
Để các bên liên quan gồm doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan giám sát thực hiện tốt trách nhiệm của mình, chính phủ Australia đã ban hành nhiều công cụ để giúp minh bạch hóa thông tin cũng như hướng dẫn quy trình cần thiết để các bên liên quan có thể hoàn thành nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật. Một số công cụ tiêu biểu có thể kể đến như: Hướng dẫn về công tác thu hồi sản phẩm khuyết tật dành cho các nhà cung cấp sản phẩm, Mẫu thông báo thu hồi sản phẩm khuyết tật, Hệ thống bài giảng trực tuyến hướng dẫn việc lập và nộp báo cáo thu hồi sản phẩm khuyết tật.
Đặc biệt, ACCC hiện đang triển khai vận hành hệ thống RSS (Really Simple Syndication). Đây là một dịch vụ cung cấp tin tức ngắn gọn, người tiêu dùng có thể theo dõi thông tin về sản phẩm có khuyết tật và các chương trình thu hồi sản phẩm khuyết tật thông qua các thiết bị điện tử. Đồng thời, người tiêu dùng có thể lựa chọn danh mục các loại mặt hàng quan tâm để nhận thông tin tuyền truyền liên quan như các sản phẩm về sức khỏe và lối sống, thực phẩm và hàng tạp hóa, điện tử và công nghệ, nhóm sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhóm sản phẩm hóa chất,... Các thông tin này cũng thường xuyên được cập nhật trên website, facebook, twitter và các mạng xã hội khác nhằm đa dạng kênh cung cấp thông tin tới người tiêu dùng.
- Hoạt động BVQL người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính của ASIC:
+ ASIC cấp phép hoạt động đối với một công ty và các đại diện của công ty để được phép: Cung cấp các khuyến nghị về sản phẩm tài chính cho khách hàng; Thực hiện giao dịch sản phẩm tài chính; Tạo lập thị trường cho một sản phẩm tài chính; Vận hành một cơ chế tài chính đã đăng ký; Cung cấp dịch vụ lưu ký và nhận tiền gửi; Cung cấp các dịch vụ công ty tín thác truyền thống.
+ ASIC giải quyết các broker vi phạm hay phá sản:
(i) Trường hợp nhà môi giới hay công ty đã mất khả năng thanh toán: Nhà đầu tư có quyền nộp đơn khiếu nại/bồi thường theo Chương trình bồi thường nhà đầu tư (Investor Compensation Schemes), những ASIC không phải là đơn vị giải quyết hay chịu trách nhiệm về các khoản đó mà do một bên thứ ba là công ty bảo hiểm đảm nhiệm. ASIC không thể thay mặt cho các chủ nợ riêng lẻ, nhưng họ hoạt động để bảo vệ lợi ích của tất cả các chủ nợ. Vai trò của ASIC trong trường hợp này:
- Đăng ký quản trị viên và người nhận bên ngoài, đảm bảo họ tuân thủ
- Giám sát người thanh lý đã đăng ký;
- Cung cấp thông tin cập nhật về các công ty mất khả năng thanh toán trên website thông báo đã xuất bản của ASIC;
- Thực hiện các sáng kiến và cải cách về khả năng mất khả năng thanh toán
(ii) Trường hợp broker vi phạm các điều khoản ASIC đã ban hành trước đó: Quyền hạn của ASIC được thiết lập để bảo vệ người tiêu dùng chống lại các hành vi sai trái và hậu quả liên quan đến các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Giấy phép ASIC sẽ giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng thông qua các cơ quan Liên bang khác nhau, bằng hình thức:
- Điều tra các vi phạm bị nghi ngờ;
- Đưa ra thông báo vi phạm;
- Tìm kiếm các hình phạt dân sự;
- Cấm hoạt động cá nhân; Truy tố người phạm tội.
4. Một số liên hệ với Việt Nam và đề xuất, kiến nghị
Australia không chỉ là một quốc gia có hệ thống pháp luật và hệ thống cơ quan, tổ chức thực thi hiệu quả mà còn có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu các vấn đề khoa học và pháp lý về BVQL người tiêu dùng. Trên cơ sở khảo sát một số cơ quan có liên quan tại Australia, kết quả cho thấy:
- Kinh nghiệm tổ chức và vận hành việc tiếp nhận và giải quyết tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng, người lao động theo hình thức “một cửa”.
- Việc giải quyết các khiếu nại, tranh chấp của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán.
Kinh nghiệm phối hợp giữa ASIC và ACCC cũng như các cơ quan có liên quan trong xử lý các vấn đề về BVQL người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính nói riêng.
Hiện nay, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023 của Quốc hội, các dự án Luật giá (sửa đổi), Luật BVQL người tiêu dùng (sửa đổi) đang nghiên cứu hoàn thiện để trình Chính phủ, trình Quốc hội. Đối với thuế TNDN, thực hiện Chương trình cải cách hệ thống thuế, Luật thuế TNDN hiện hành sau 03 lần được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2015, 2020 hiện đang được ra soát, nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể để đề xuất sửa đổi mang tính toàn diện. Vì vậy, chuyến công tác khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng cũng như thực tiễn triển khai thực hiện cơ chế chính sách về tài chính, tập trung vào hệ thống thuế, thuế TNDN, công tác quản lý giá và cơ chế về BVQL người tiêu dùng tại Australia có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách này tại Việt Nam với một trong các mục tiêu là xây dựng hệ thống chính sách pháp luật khả thi hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển.
Từ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng ở Việt Nam cho thấy, các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa đủ những chế tài đủ sức rang đe.
Cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Cụ thể, đại biểu đề nghị rà soát quy định về giao dịch trên không gian mạng, bổ sung đầy đủ nội dung về giao dịch từ xa để đảm bảo tính bao quát, đồng thời cần lưu ý đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử.
Đối với vấn đề bảo vệ thông tin người tiêu dùng, việc thu thập thông tin ban đầu là chính sách cần thiết, tuy nhiên, có hiện tượng sử dụng thông tin của khách hàng mà không được cho phép, sử dụng cho các mục đích ngoài thỏa thuận, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đề nghị rà soát một số quy định liên quan đến hợp đồng, đảm bảo thống nhất với Bộ Luật Dân sự hiện hành; nhất là quy định bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Việc này sẽ giúp đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật. Đồng thời, về giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa, đề nghị chỉnh lý lại nội dung này cho chặt chẽ hơn.
Về vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn về tính mạng của người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ những hạn chế và chưa phát huy hiệu quả. Do đó, đề nghị Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu và phải có quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.