Ngày 11-12/8/2022, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025) đã tổ chức Hội thảo và khảo sát lấy ý kiến các sở ban, ngành, tổ chức đại diện của doanh nghiệp, Đoàn Luật sư, các Luật sư và doanh nghiệp với hình thức trực tiếp (tại Quảng Ninh) và trực tuyến (các tỉnh, thành tham gia trực tuyến gồm: Hải Phòng, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng…) về dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ năm 2022.
Đ/c Cao Đăng Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 chủ trì hội nghị
Đại diện Tổ soạn thảo Đề án (Bộ Tư pháp), TS. Trần Minh Sơn, Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp đã trình bày dự thảo Đề án, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030. Theo TS. Trần Minh Sơn, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng:
“hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh”; đồng thời, Văn kiện của Đảng cũng đã xác định trọng tâm và các định hướng của công tác hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, trong đó có hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong giai đoạn 2021-2030, gồm: (i) tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; (i) hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; (iii) có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; (iv) hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.
Tham luận tại Hội thảo, Bà Huỳnh Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Quảng Ninh chiếm khoảng 98% nên việc cần hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là rất cần thiết, tuy nhiên với nguồn lực hạn chế và kinh phí được cấp 60 triệu đồng/năm cho công tác này là chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Như Thiều - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Luật sư Nguyễn Đăng Khoa – Đoàn Luật sư TP. Hải Phòng nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự thảo Đề án, theo Ông Thiều các doanh nghiệp khi thi hành pháp luật còn hạn chế trong nhận thức, ý thức pháp lý. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chú ý đến tìm hiểu, thực hiện pháp luật là khá phổ biến; nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật để thực hiện áp dụng, thi hành pháp luật và phòng, chống rủi ro pháp lý trong kinh doanh.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của các đại biểu góp ý cho dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” để Bộ Tư pháp hoàn thiện, tiếp tục lấy ý kiến các địa phương và ý kiến các bộ, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến tháng 12/2022.