Bù trừ nghĩa vụ giữa các bên

21/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tình huống trao đổi: Bà T quốc tịch Việt Nam (Nguyên đơn) ký hợp đồng mua bán cát với Công ty Singapore (Bị đơn). Nguyên đơn đã chỉ định 03 nhà cung cấp cát cho Bị đơn. Từ quan hệ này, Hội đồng Trọng tài xác định Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn một khoản tiền và Nguyên đơn có nghĩa vụ hoàn trả cho Bị đơn một khoản tiền khác. Theo Hội đồng Trọng tài, hai khoản tiền này được bù trừ cho nhau.

Ý kiến trao đổi: Từ quan hệ nêu trên, Hội đồng Trọng tài xác định “Bị đơn phải thanh toán tổng số tiền từ các hóa đơn này là 144.511,52 USD cho Nguyên đơn cùng với tiền lãi là 40.292,43 USD tổng số gốc và lãi 184.803,95 USD”. Bên cạnh đó, Hội đồng Trọng tài cũng xác định “Nguyên đơn phải hoàn trả cho Bị đơn số tiền đã nhận là 100.778,69 USD”.
Như vậy, giữa Nguyên đơn và Bị đơn có hai nghĩa vụ ở hai chiều khác nhau: thứ nhất, Nguyên đơn phải thanh toán cho Bị đơn 100.778,69USD; thứ hai, Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn 184.803,95 USD. Hai nghĩa vụ này phải được thực hiện song song với nhau hay được bù trừ cho nhau để Bị đơn chỉ phải thanh toán khoản tiền chênh lệnh (184.803,95 USD - 100.778,69 USD = 84.025,26 USD)?
Pháp luật Việt Nam có quy định về bù trừ nghĩa vụ dân sự tại khoản 1 Điều 380 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 378 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “trong trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt”. Với quy định này, khi nghĩa vụ có thể bù trừ lẫn nhau, các chủ thể liên quan “không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, để được bù trừ lẫn nhau, cần hội đủ một số điều kiện: thứ nhất, các bên đều có nghĩa vụ về tài sản “đối với nhau”; thứ hai, các nghĩa vụ này là “cùng loại”; thứ ba, các nghĩa vụ này đều “đến hạn”. Cả ba điều kiện này đã được đáp ứng trong vụ việc trên nên các nghĩa vụ có thể bù trừ cho nhau và Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng này. Cụ thể, sau khi xác định “Nguyên đơn có nghĩa vụ hoàn trả cho Bị đơn 100.778,69 USD. Ngược lại, Bị đơn có nghĩa vụ thanh toán cho Nguyên đơn số tiền gốc và lãi tính đến ngày 20/04/2012 là 184.803,95 USD”, Hội đồng Trọng tài xác định “hai Bên cùng có nghĩa vụ thanh toán cho nhau bằng tiền, các Bên được bù trừ nghĩa vụ”.
Khi nghĩa vụ được bù trừ lẫn nhau, Bộ luật dân sự theo hướng “nghĩa vụ được xem là chấm dứt”. Nếu hai nghĩa vụ có giá trị tương đương nhau thì cả hai nghĩa vụ cùng chấm dứt. Tuy nhiên, rất hiếm khi gặp trường hợp cả hai nghĩa vụ có giá trị tương đương nhau và thường hai nghĩa vụ này có giá trị khác nhau. Trong vụ việc trên, chúng ta thấy tồn tại hai nghĩa vụ thanh toán với giá trị khác nhau. Trong những trường hợp vừa nêu, nghĩa vụ có giá trị thấp sẽ chấm dứt hoàn toàn còn nghĩa vụ có giá trị lớn chỉ chấm dứt ở phần tương đương với nghĩa vụ có giá trị nhỏ. Điều đó có nghĩa là bên trong nghĩa vụ có giá trị lớn vẫn phải thực hiện phần chưa chấm dứt (được gọi là phần chênh lệch).
Ở vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài xác định hai nghĩa vụ và nghĩa vụ theo đó Nguyên đơn là bên có quyền và Bị đơn là bên có nghĩa vụ có giá trị lớn hơn. Do đó, Bị đơn phải thực hiện phần chênh lệch. Cụ thể, theo Hội đồng Trọng tài, “khi hai Bên cùng có nghĩa vụ thanh toán cho nhau bằng tiền, các Bên được bù trừ nghĩa vụ và thanh toán cho nhau phần giá trị chênh lệch. Vì vậy Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn phần giá trị chênh lệch là 84.025,26 USD”.
Như vậy, khi doanh nghiệp và đối tác đều có nghĩa vụ về tài sản cùng loại với nhau và đều đã đến hạn thì doanh nghiệp và đối tác không phải thực hiện các nghĩa vụ này song song với nhau. Trong trường hợp này, các nghĩa vụ được bù trừ cho nhau và chấm dứt. Khi các nghĩa vụ bù trừ cho nhau có giá trị khác nhau thì bên có nghĩa vụ có giá trị lớn chỉ phải thanh toán khoản chênh lệch. Trong vụ việc được phân tích, nghĩa vụ được bù trừ là nghĩa vụ trả một khoản tiền. Tuy nhiên, việc bù trừ này còn có thể vận dụng cho cả trường hợp đối tượng của nghĩa vụ không là một khoản tiền (như cà phê, xăng…). Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 380 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 3 Điều 378 Bộ luật dân sự năm 2015 còn khẳng định “những vật được định giá thành tiền cũng có thể bù trừ với nghĩa vụ trả tiền”. Đây là những thông tin doanh nghiệp nên biết khi tham gia vào các quan hệ thương mại mà doanh nghiệp và đối tác đều có nghĩa vụ đối với nhau.
 

Xem thêm »