Pháp luật thương mại Việt Nam dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế

07/11/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch đã được Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt Nga Vietsovpetro về việc tổ chức chuỗi hoạt động hội thảo, tập huấn, thực tế từ ngày 13-15/10/2023 tại Quảng Ninh. Thứ bảy, ngày 14/10/2023, tại Quảng Ninh, TS. Trần Minh Sơn (Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giải đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp) đã có buổi trao đổi, tập huấn với cán bộ Phòng Luật và các Phòng liên quan của Liên doanh Dầu khí Việt Nga Vietsovpetro về nội dung pháp luật thương mại Việt Nam dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế.


Theo TS. Trần Minh Sơn, trao đổi các vấn đề trong Luật Thương mại trong giai đoạn hiện nay, từ phạm vi điều chỉnh của Luật cho đến các vấn đề cụ thể như khái niệm thương nhân, nghĩa vụ bảo hành hay xác định giá trị bồi thường thiệt hại… Trình bày chế định hợp đồng trong Luật, với hàng loạt nội dung và thậm chí là đề nghị cần nghiên cứu kỹ với lý do nhiều nội dung đã được quy định tại các luật khác, đặc biệt là Bộ Luật dân sự năm 2015. Chẳng hạn, các nguyên tác cơ bản trong hoạt động thương mại mà Luật Thương mại quy định thì hoặc là đã được điều chỉnh trong Bộ Luật dân sự năm 2015 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như nguyên tắc bình đẳng, tự do tự nguyện thực hiện, bảo vệ người tiêu dùng. Còn các nguyên tắc như áp dụng thói quen, áp dụng tập quán hay thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại thì theo TS. Trần Minh Sơn, lại không thể coi là nguyên tắc. Một ví dụ khác là chế định về hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo TS. Trần Minh Sơn, các nội dung này trong Luật Thương mại trùng tới 80% so với nội dung trong Bộ Luật dân sự năm 2015. Hơn nữa, Bộ Luật dân sự năm 2015 còn quy định chi tiết hơn với hẳn 1 Chương và 111 Điều.

Trao đổi tại buổi tập huấn, đại diện Phòng Luật, Liên doanh Dầu khí Việt Nga Vietsovpetro trao đổi với TS. Trần Minh Sơn về các quy định trong 2 luật còn mâu thuẫn nhau, như về địa điểm giao hàng khi không có sự thỏa thuận, Luật Thương mại quy định tại địa điểm kinh doanh của người bán, còn Bộ Luật dân sự quy định tại trụ sở của người có quyền-tức là người mua. Hay về mức phạt vi phạm, Bộ Luật dân sự quy định do các bên thỏa thuận và không có giới hạn tối đa, nhưng Luật Thương mại quy định mức không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm…

Theo ông Trần Quốc Đạt, Trưởng phòng Luật Liên doanh Dầu khí Việt Nga Vietsovpetro, Liên doanh Dầu khí Việt Nga Vietsovpetro được thành lập từ năm 1981 giữa hai Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga với 15 đơn vị thành viên với 7.000 cán bộ, nhân viên kỹ thuật cao, trong đó có 500 là người Nga, lao động ngưởi Việt Nam có 6.500 người. Phòng Luật thuộc Liên doanh Dầu khí Việt Nga Vietsovpetro là một trong những Phòng ban quan trọng giúp cho Ban Lãnh đạo Liên doanh Dầu khí Việt Nga Vietsovpetro trong công tác pháp luật với hơn 20 luật sư, cán bộ pháp lý là người Nga và người Việt Nam. Đánh giá buổi tập huấn trao đổi về nội dung pháp luật thương mại Việt Nam dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế, ông Trần Quốc Đạt, Trưởng phòng Luật Liên doanh Dầu khí Việt Nga Vietsovpetro đánh giá cao nội dung cuộc trao đổi và ý kiến của các đại biểu và chuyên gia tập huấn, trên cơ sở đó góp phần cho Phòng Luật và các Phòng ban của Liên doanh Dầu khí Việt Nga Vietsovpetro hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình trong thời gian tới./.

Xem thêm »