Hoàn thiện quy định về chính sách nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

21/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chính sách nhà ở xã hội là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho “người yếu thế” trong xã hội để bảo đảm “quyền có chỗ ở” của công dân được Hiến pháp quy định, trong đó có chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn chỉ đạt 41,7% kế hoạch và đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.400 căn. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.700 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.900 căn hộ; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.500 căn hộ. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 23 dự án nhà ở xã hội với 18.085 căn trong giai đoạn 2015-2020 đạt 75% kế hoạch và dự kiến triển khai đầu tư xây dựng 25 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với tổng số căn hộ là 30.610 căn. Kết quả có 307 dự án với 157.000 căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành đưa vào sử dụng là số lượng lũy kế từ năm 2011 đến nay, nên chưa cho thấy rõ kết quả phát triển nhà ở xã hội theo từng năm, nhất là trong các năm gần đây. Nhưng theo Báo cáo tổng kết năm 2020, 2021, 2022 của Bộ Xây dựng cũng đã cho thấy công tác phát triển nhà ở xã hội của cả nước tiếp tục sụt giảm mạnh, chỉ hoàn thành 19 dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng với 4.671 căn. Trong đó năm 2020 chỉ hoàn thành 08 dự án với 1.677 căn, năm 2021 chỉ hoàn thành 05 dự án với 1.694 căn và năm 2022 cũng chỉ hoàn thành được 06 dự án với 1.300 căn. Nhìn chung, kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt kế hoạch đã đề ra, chưa đáp ứng kịp nhu cầu nhà ở rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/04/2023 phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó đặt ra mục tiêu phát triển 428.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 và 572.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2026-2030, nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Để đạt được mục tiêu phát triển 428.000 căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2025 thì vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung nỗ lực xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hoá từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn thực hiện cam kết đầu tư phát triển khoảng 1,5 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Do vậy, việc hoàn thiện một số quy định về chính sách nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là rất quan trọng, trên cơ sở đó, TS, Luật gia Trần Minh Sơn – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có một số trao đổi về vấn đề này như sau:

1. Thống nhất nhận thức của cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân và để khắc phục quan niệm xem nhà ở xã hội là “nhà rẻ tiền” có chất lượng thấp, đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) khẳng định “nhà ở xã hội có chất lượng tương đương nhà ở thương mại là nhà ở thuộc dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân, dự án ký túc xá học sinh, sinh viên, dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang có sự hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở”:
Trong thực tế thời gian qua, đã có một số dự án nhà ở xã hội có chất lượng xây dựng công trình không tốt, bị thấm, dột, nhanh xuống cấp hoặc thiếu các tiện ích, dịch vụ tại chỗ và thiếu các tiện ích, dịch vụ đô thị trong khu vực lân cận, không kết nối giao thông thuận tiện, nên đã có dự án nhà ở xã hội rao bán đến vài chục lần vẫn không có người mua, hoặc có một số dự án nhà ở xã hội bị khách hàng khiếu nại, nên đã xuất hiện cách nhìn nhận chưa đúng về chất lượng nhà ở xã hội hoặc xem nhà ở xã hội là “nhà rẻ tiền”, nên đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần khẳng định nhà ở xã hội là nhà ở có chất lượng tương đương nhà ở thương mại cùng loại.
Có thể do nhận thức chưa đúng về nhà ở xã hội và chỉ nhằm tìm cách làm giảm giá thành nhà ở xã hội hoặc xem nhà ở xã hội là “nhà rẻ tiền”, nên đã có một số quy định pháp luật về nhà ở xã hội chưa theo hướng bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cùng loại.
Các nước cũng rất quan tâm “chuẩn hóa” nhà ở xã hội, kiểm soát giá thành, giá bán nhà ở xã hội là “nhà ở giá thấp (low cost housing)” hoặc “nhà ở giá vừa túi tiền (affordable housing) dành cho người có thu nhập thấp (low income)” có chất lượng như nhà ở thương mại, nhưng được sử dụng vật liệu hoàn thiện, trang thiết bị nội thất có giá thông thường để làm giảm giá thành, nên đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải khẳng định nhà ở xã hội có chất lượng tương đương nhà ở thương mại, không phải là “nhà rẻ tiền”.
Các nước cũng rất quan tâm phát triển loại căn hộ nhà ở xã hội phù hợp với từng nhóm đối tượng theo hướng xây dựng loại căn hộ 01 phòng ngủ cho hộ độc thân, căn hộ 02 phòng ngủ cho hộ ít người hoặc có trẻ nhỏ, căn hộ 03-04 phòng ngủ cho hộ đông người. 
Tương đồng như các nước, nước ta đã quy định dự án nhà ở xã hội chủ yếu là căn hộ 1-2 phòng ngủ, có diện tích tối thiểu 25m2, tối đa 70m2 và tuỳ theo từng dự án cụ thể có thể có một số căn hộ có diện tích đến 77m2, nhưng số lượng căn hộ lớn này không vượt quá 10% tổng số căn hộ của dự án nhà ở xã hội. 
2. “Nhà ở riêng lẻ của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ cải thiện nhà ở” không phải là nhà ở xã hội vì nhà ở này “nằm ngoài” dự án nhà ở xã hội và vẫn thuộc sở hữu của các đối tượng này không bị hạn chế về “quyền” của chủ sở hữu nhà, khác với nhà ở xã hội “nằm trong” dự án nhà ở xã hội và “quyền” của chủ sở hữu nhà ở xã hội có bị hạn chế trong thời gian chưa thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà theo quy định của Luật Nhà ở. Do vậy, rất cần thiết phân định rõ 02 nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở gồm “nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội” và “nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở”:
Nội dung Chương VI Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định 02 nhóm chính sách gồm “chính sách về nhà ở xã hội” và “chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở” áp dụng cho 02 nhóm đối tượng, nhưng tiêu đề Chương VI chỉ quy định “chính sách về nhà ở xã hội” mà chưa bao gồm “chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở”, nên cần sửa đổi, bổ sung tiêu đề “Chương VI Chính sách về nhà ở xã hội và hỗ trợ cải thiện nhà ở”.
“Nhà ở của các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ, cải thiện nhà ở” là nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu của các đối tượng này nên không phải là nhà ở xã hội. Nhưng, Điều 73 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định 12 “đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội” đã không phân định rõ 02 nhóm đối tượng là nhóm đối tượng được hưởng “chính sách nhà ở xã hội” và nhóm đối tượng được Nhà nước “hỗ trợ cải thiện nhà ở” với 02 chính sách hỗ trợ nhà ở khác nhau, sau đây:
Nhóm 1: Đối tượng được hưởng chính sách “hỗ trợ về nhà ở xã hội”:
Bao gồm các đối tượng là “người thu nhập thấp tại khu vực đô thị”, “công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ”; “sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan trừ trường hợp được bố trí thuê nhà công vụ; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đang phục vụ tại ngũ”, “cán bộ, công chức, viên chức”, “các đối tượng đã trả nhà ở công vụ”, “hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở”, “học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập”, “doanh nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động của mình thuê lại”, được quy định tại các khoản 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 73 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì được vay tín dụng ưu đãi (với lãi suất 4,8-5%/năm áp dụng cho năm 2023 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) và thời hạn vay dài hạn (tối đa 25 năm theo quy định tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP), nhưng phải tuân thủ các điều kiện, hoặc có thể bị hạn chế một số quyền của chủ sở hữu nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. 
Ngoài ra, tại Điều 82 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng quy định “Ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê” để ưu đãi cho đối tượng là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Nhóm 2: Đối tượng được hưởng chính sách “hỗ trợ cải thiện nhà ở”:
Các đối tượng được Nhà nước “hỗ trợ cải thiện nhà ở” bao gồm “người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị” theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 73 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), hoặc hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại Điều 108, Điều 109 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được “Nhà nước hỗ trợ, cải thiện nhà ở” theo “các chương trình mục tiêu về nhà ở” và đề nghị bổ sung thêm đối tượng được Nhà nước “hỗ trợ cải thiện nhà ở” là “hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp khu nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê ở”.
Nhà ở của các “đối tượng được Nhà nước hỗ trợ cải thiện nhà ở” vẫn thuộc sở hữu của các đối tượng đó và không bị hạn chế “quyền” của chủ sở hữu nên “nhà ở của các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ, cải thiện nhà ở” không phải là nhà ở xã hội. 
3. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tiếp tục quy định chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, là căn cứ pháp luật để cơ quan có thẩm quyền bố trí nguồn chi ngân sách nhà nước trung hạn để tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội, bởi lẽ chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội là chính sách chủ yếu, quan trọng nhất trong các chính sách về nhà ở xã hội:
Khoản 5 Điều 74 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tiếp tục quy định “5. Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 8 Điều 73 của Luật này mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 73 của Luật này thì được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang” khắc phục được thiếu sót của khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 đã không cho phép  “tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định” được cho hộ gia đình, cá nhân vay ưu đãi để “mua, thuê mua nhà ở xã hội”. 
Để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014 thì từ năm 2016 đến nay, hàng năm Thủ tướng Chính phủ đều ban hành quyết định lãi suất vay ưu đãi 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quyết định lãi suất vay ưu đãi 4,8 - 5%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội tại 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV), nhưng do khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 chưa cho phép “tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định” cho hộ gia đình, cá nhân vay ưu đãi để “mua, thuê mua nhà ở xã hội” và trên thực tế thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bố trí chi ngân sách nhà nước để tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho Ngân hàng chính sách xã hội và 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định nên hầu như người mua nhà ở xã hội không vay được tín dụng ưu đãi, mà phải vay tín dụng thương mại với lãi suất khoảng 9%/năm (là gánh nặng đối với người mua nhà ở xã hội). Chỉ có các trường hợp dư nợ vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,05 tỷ đồng theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ thì mới được tiếp tục áp dụng lãi suất vay ưu đãi (trên đây).
Theo Báo cáo số 80/BC-BXD ngày 07/04/2023 của Bộ Xây dựng thì do gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại được chỉ định (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) nên tính đến hết năm 2020 thì cả 04 ngân hàng thương mại này không được cấp bù lãi suất để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Riêng Ngân hàng chính sách xã hội đến nay cũng chỉ được phân bổ 2.163 tỷ đồng tái cấp vốn chỉ bằng 24% tổng nhu cầu vốn 9.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.
Cũng theo Báo cáo số 80/BC-BXD của Bộ Xây dựng thì “hiện nay tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội ngày 28/7/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng không bố trí chi cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay ưu đãi nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025”, nên rất cần thiết được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại thực hiện cho vay ưu đãi nhà ở xã hội để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030.
Chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất thấp (quy định hiện nay là 4,8 - 5%/năm) và được vay dài hạn (quy định hiện nay là tối đa 25 năm) là chính sách chủ yếu, quan trọng nhất trong các chính sách về nhà ở xã hội, bởi các lẽ sau đây:
(i) Có một chính sách phổ biến nhất, quan trọng nhất được thực hiện ở nhiều nước là chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội vay với lãi suất thấp, dài hạn là chính sách quan trọng nhất với các kỳ hạn khác nhau tuỳ theo từng nhóm đối tượng, chủ yếu là phân nhóm theo thu nhập để ưu đãi tín dụng phù hợp, như Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đang cho phép người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ cần có một phần vốn để thanh toán 20% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội và được vay ưu đãi 80% giá trị hợp đồng còn lại với lãi suất thấp 4,8 - 5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Đối với người có thu nhập thấp hơn và không tích lũy được nguồn lực tài chính để mua, thuê mua nhà ở xã hội thì lựa chọn thuê nhà ở, nên Nhà nước có trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội cho thuê để đảm bảo “quyền có chỗ ở” của công dân, đồng thời khuyến khích cá nhân, hộ gia đình xây dựng nhà cho thuê, nhà trọ với các phòng trọ cho thuê. 
(ii) Vì sao chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp, dài hạn cần phải được xem là chính sách chủ yếu, quan trọng nhất? 
Bởi lẽ, các chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giảm 50% thuế VAT, thuế TNDN, hỗ trợ đầu tư kết nối hạ tầng giúp làm giảm giá thành nhà ở xã hội thấp hơn khoảng 15-20% so với giá thành nhà ở thương mại cùng loại là mức chênh lệch giá đáng kể, nhưng nhờ có chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp, dài hạn nên người có thu nhập thấp đô thị mới có đủ điều kiện để tạo lập nhà ở.
Ví dụ: Giá bán căn hộ nhà ở thương mại A có 02 phòng ngủ là 1,2 tỷ đồng thì giá bán căn hộ nhà ở xã hội B có 02 phòng ngủ cùng loại khoảng 960 triệu đồng và người mua nhà ở xã hội này chỉ trả trước 20% bằng 192 triệu đồng và được vay phần tiền còn lại 768 triệu đồng bằng 80% giá trị hợp đồng với lãi suất thấp 4,8-5%/năm và được trả góp trong 20-25 năm như hiện nay thì rất hợp lý và phù hợp với khả năng tài chính của người vay. 
Thậm chí, nếu không miễn tiền sử dụng đất, không giảm thuế VAT, thuế TNDN; không hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thì giá bán nhà ở xã hội sẽ tương đương với giá bán nhà ở thương mại cùng loại, ví dụ như căn hộ nhà ở xã hội B có 2 phòng ngủ có giá 1,2 tỷ đồng ngang giá căn hộ nhà ở thương mại A (trên đây) thì người mua cũng chỉ trả trước 20% bằng 240 triệu đồng và được vay phần tiền còn lại 960 triệu đồng bằng 80% giá trị hợp đồng với lãi suất thấp 4,8-5%/năm và được trả góp trong 20-25 năm như hiện nay thì rất hợp lý và vẫn phù hợp với khả năng tài chính của người vay.   
Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bổ sung Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội ngày 28/7/2021 “về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025” bố trí chi tái cấp vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện cho vay ưu đãi nhà ở xã hội từ nay đến năm 2025 và để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2020.
4. Đề nghị bổ sung đối tượng “chịu thuế thu nhập bậc 1” được mua, thuê mua nhà ở xã hội và quy định “cán bộ, công chức, viên chức nhà nước” cũng được áp dụng cơ chế “không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập” để mua, thuê mua nhà ở xã hội, tương tự như đối tượng thuộc các lực lượng vũ trang và đề nghị tăng thêm 25% mức “giảm trừ gia cảnh” để hỗ trợ cải thiện đời sống cho người chịu thuế:
- Điểm b khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “b) Điều kiện về thu nhập: Các đối tượng quy định tại khoản 5, 6 và 8 Điều 73 của Luật này để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 73 của Luật này thì phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ; đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 73 của Luật này thì phải thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; các đối tượng quy định tại khoản 9 và 10 Điều 73 của Luật này thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập quy định tại điểm này”.
- Khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân (bản Hợp nhất năm 2014) quy định: “1. Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây: a) Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); b) Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
- Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/06/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định “Điều 1. Mức giảm trừ gia cảnh Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 như sau: 1. Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); 2. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng”./.
 

Xem thêm »