Một số ý kiến góp ý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

12/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Có thể nói, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam. Tình trạng xâm hại, gây thiệt hại cho người tiêu diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nhất là sự gia tăng về quy mô, số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại... Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành đang có hiệu lực thì người tiêu dùng có 08 quyền được bảo vệ như: về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền được cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, quyền được đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn... Tuy nhiên, thực tế, quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nhiều nơi, nhiều lĩnh vực; trong khi việc xử lý các vi phạm còn gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Luật gia Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC).

Theo TS. Luật gia Trần Minh Sơn, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo chặt chẽ, khả thi, đi vào cuộc sống các quy định trong Luật này, TS. Luật gia Trần Minh Sơn đề nghị nghiên cứu một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, về quy định ‘bán hàng trực tuyến’. Đây là vấn đề đang được dự luận và người dân rất quan tâm trong những năm gần đây, nhất là từ khi bùng nổ dịch Covid-19 thì bán hàng trực tuyến phát triển mạnh mẽ, thay thế các kênh bán hàng truyền thống từ trước tới nay. Vấn đề được dư luận và người tiêu dùng quan tâm là bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh này như thế nào. Theo đó, dự thảo luật này đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng.
- Về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số… đã được bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định chung về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian; xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số...
Ngoài ra, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, giao kết, chấm dứt hợp đồng, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, trách nhiệm đối với sản phẩm, hoàng hóa khuyết tật, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng như công bố. Bên cạnh đó, nội dung này cũng được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử cũng như pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, qua thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, để tiếp tục hoàn thiện các quy định này cần: (i) quy định rõ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; (ii) đối với việc thu thập thông tin người tiêu dùng, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, cần cân nhắc để phù hợp với các giao dịch trực tuyến bởi thông tin cá nhân về địa chỉ, điện thoại phải được điền vào để thực hiện giao dịch, đo đó cần quy định phù hợp với thực tiễn cuộc sống; (iii) trường hợp thông tin của người tiêu dụng bị tấn công thì phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
- Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Tại Điều 39 dự án Luật quy định: "Cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh, đồng thời hiển thị kết quả phản hồi, đánh giá, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm các quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội".
TS. Luật gia Trần Minh Sơn cho rằng trách nhiệm nêu trên là chưa phù hợp với thực tiễn; chưa đảm bảo tính khả thi, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định; chưa làm rõ được tổ chức, cá nhân kinh doanh mà người tiêu dùng phản hồi, đánh giá. Vì vậy, nên chăng xem xét, biên tập lại theo hướng sau: "Cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp, đồng thời, hiển thị đầy đủ và chính xác kết quả phản hồi, đánh giá, trừ trường hợp phản hồi đánh giá đó vi phạm các quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội".
Thứ hai, quy định thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Qua thực tiễn cho thấy, cần thiết có quy định về thủ tục rút gọn để xử lý các vụ án tranh chấp nhỏ, giá trị không cao sẽ gây lãng phí thời gian, công sức của các cơ quan, cũng như cá nhân, tổ chức liên quan. Đề nghị cần nghiên cứu lý do tại sao trong thực tế lâu nay lại không áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử các vụ án bảo vệ người tiêu dùng? Nguyên nhân từ đâu, do người tiêu dùng hay cơ quan tòa án, hoặc các quy định của pháp luật? Trên thực tế hiện nay, rất nhiều vụ việc tranh chấp nhỏ, diễn ra hàng ngày, hàng giờ liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng cần được kịp thời xử lý ngay tránh thực hiện qua từng thủ tục, từng bước theo quy định sẽ gây lãng phí thời gian, công sức và pháp luật thực thi muộn, không đảm bảo nghiêm minh.
Thứ ba, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Tại Điều 8 dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dự kiến người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp, bao gồm:
Người cao tuổi theo quy định của pháp luật người cao tuổi; Người khuyết tật theo quy định của pháp luật người khuyết tật; Trẻ em theo quy định của pháp luật trẻ em; Người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về công tác dân tộc; Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Người bị bệnh hiểm nghèo tại danh mục bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật; Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Với dự kiến về người tiêu dùng dễ bị tổn thương nêu trên, đề nghị nghiên cứu, làm rõ: Trường hợp người tiêu dùng dễ bị tổn thương là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi tại điểm đ khoản 1 Điều 8 dự án Luật được hiểu là nuôi con đẻ hay nuôi con nuôi? Đồng thời, để phù hợp, thống nhất với các quy định của pháp luật khác đã được ban hành, đề nghị xem xét, nâng thời gian phụ nữ nuôi con từ 12 tháng lên 36 tháng tuổi thuộc nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương để tạo điều kiện cho phụ nữ được hưởng các quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phát tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác. Do đó, TS. Luật gia Trần Minh Sơn cho rằng cần bổ sung người hạn chế năng lực hành vi dân sự thuộc nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhằm bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của dự án Luật và các quyền, chính sách ưu tiên theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ , về các hành vi bị cấm. Tại Điều 10 dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dự kiến một trong những hành vi bị cấm là: "Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh". Việc quy định hành vi bị cấm nêu trên là thực sự cần thiết tuy nhiên để hành vi bị cấm được rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính minh bạch trong quy định của văn bản, tính khả thi trên thực tế, đề nghị biên tập, chỉnh sửa lại theo hướng sau: "Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sự nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh không cung cấp đúng sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc gây cho người tiêu dùng nhầm lẫn trong việc mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vì tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai lệch sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ".
Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hiệu quả hơn, cần xác định đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, doanh nghiệp cần nâng cao thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Còn người dân cũng nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình trong các giao dịch, mua bán... Các cơ quan chính quyền đến các hiệp hội cần quan tâm hơn tới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức – pháp luật; tư vấn, hỗ trợ các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là nội dung và là nhiệm vụ quản lý nhà nước rất quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa hiện nay nhằm giúp cho người tiêu dùng hiểu rõ quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng để có thể tự bảo vệ mình. Ngoài ra, điều này còn giúp người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thấy được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất, kinh doanh những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng./.

Xem thêm »