Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản

12/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Đấu giá tài sản quy định trình tự, thủ tục chung áp dụng đối với tất cả các loại tài sản phải bán theo quy định của pháp luật, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Kể từ thời điểm Luật Đấu giá tài sản được ban hành đến nay, hoạt động tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, số lượng các cuộc đấu giá tài sản công ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công; góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các hình thức đấu giá được áp dụng trên cả nước rất phong phú, đa dạng (ngoài hình thức truyền thống là đấu giá trực tiếp bằng lời nói đã bổ sung đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá trực tuyến).

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Luật gia Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC).
Theo TS. Luật gia Trần Minh Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như sau:
Một là, pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Hai là, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, khó khăn.
Ba là, còn tình trạng người có tài sản đấu giá, nhất là tài sản công chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình đấu giá tài sản, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức "sân sau" để đấu giá; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là "buông lỏng", do đó, không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Bốn là, công tác kiểm tra, thanh tra về tình hình tổ chức, hoạt động đấu giá của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương còn hạn chế nên việc phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, việc kịp thời xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, qua thực tiễn thi hành pháp luật, TS. Luật gia Trần Minh Sơn có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, quy định về bước giá trong dự thảo Luật. Trong thực tế hiện nay, việc quy định bước giá của các doanh nghiệp đấu giá khác nhau, mỗi đơn vị quy định một kiểu, thậm chí trong một doanh nghiệp việc quy định bước giá cho mỗi cuộc đấu giá cũng khác nhau. Có nơi thi quy định bước giá là một mức cố định (5 triệu/lần trả, 10 triệu/lần trả..), có nơi quy định mức trả tối thiểu, có nơi quy định mức trả tối đa, có nơi quy định một khoản giá trả ( tối thiểu … tối đa…). Ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng hiểu và hướng dẫn quy định bước giá không thống nhất. Qua thực tế làm việc với các đơn vị nhà nước quản lý, cơ quan thanh tra trung ương hướng dẫn khác nhau. Có trường hợp được hướng dẫn quy định bước giá là một con số cố định, tuy nhiên khi làm việc với cơ quan định phương khác thì bước giá phải là một khoảng cách về giá tức là mức tối thiểu và tối đa của mỗi lần trả giá (không lớn hơn tiền đặt trước).
Chính việc quy định không thống nhất về bước giá, làm hoạt động đấu giá hết sức lộn xộn, cơ quan quản lý không thống nhất trong việc quản lý và giám sát hoạt động đấu giá, việc điều tra, xử lý vi phạm nhiều khi gặp khó khăn.
Bước giá có vai trò quan trọng đến giá đấu thành công của tài sản, quy định bước giá hợp lý dẫn đến khả năng thành công và đạt giá bán giá tối ưu nhất của một cuộc đấu giá.
Trên thực tế, các mặt tích cực và hạn chế của cách thức quy định mức chênh lệch của từng bước giá như sau:
(i) Mức chênh lệch là một mức giá cố định:
Theo hình thức này thì một lần trả giá, tất cả người tham gia đấu giá trả đúng một con số về giá nhất định trong lần trả giá của mình, cho đến khi có người trả giá cao nhất. Với hình thức này khả rỏ ràng, đơn giản, dễ nắm bắt. Hạn chế của hình thức này là buổi đấu giá giá sẽ phải kéo dài, mất thời gian, gây việc nhàm chán tại buổi đấu giá. Hình thức đấu giá này phù hợp với các cuộc đấu giá, như ta thường thấy ở các bộ phim của nước ngoài, người phát giá là đấu giá viên và người tham gia đấu giá nào muốn tham gia chỉ việc đưa tay hoặc mã số tham gia đấu giá lên cho đến khi có người trả giá cáo nhất. Với hình thức đấu giá như hiện nay của chúng ta, việc phát giá là do người tham giá đấu giá đưa ra và đấu giá việc chỉ việc nhắc lại mức giá để người tham gia khác đưa ra mức giá cao hơn thì việc đưa ra bước giá cố định là chưa thực sự phù hợp lắm.
(ii) Mức chênh lệch là một mức tối thiểu:
Với mức giá chênh lệch này, người tham gia chủ động đưa ra mức chênh lệch tối thiếu bằng quy định, không hạn chế mức tối đa. Ưu điểm của hình thức này là cuộc đấu giá có thế nhanh chóng đạt được mức giá tối đa mà không phải qua nhiều vòng đấu. Mặt khác, người tham gia cũng có thể lợi dụng điều này để trả giá thật cao (không cho người khác mua) rồi từ chối mua tài sản.
(iii) Mức chênh lệch là một mức tối đa:
Với mức giá chênh lệch này, người tham gia chủ động đưa ra mức chênh lệch tối đa bằng quy định, không hạn chế mức tối thiểu. Ưu điểm của hình thức này là người tham gia đấu giá có thể chủ động đưa ra mức giá muốn mua và cuộc đấu giá có thế nhanh chóng đạt được mức giá tối đa mà không phải qua nhiều vòng đấu. Hạn chế người tham gia đấu giá có thể liên kết với nhau trả giá bằng giá khởi điểm để không phải đẩy giá lên cao.
(iv) Mức chênh lệch là một khoảng giá (mức tối thiểu và tối đa):
Ở hình thức này, người tham gia đấu giá chủ động đưa ra mức giá của mình tùy thuộc vào tình hình cuộc đấu giá để mua tài sản. Mức giá đưa ra được phải nằm trong khoảng giá được quy định (mức tối đa không lớn hơn tiền đặt trước để hạn chế việc nâng giá cao và từ chối mua tài sản). Ưu điểm của hình thức này là người tham gia chủ động, tính toán mức giá đưa ra để mua tài sản, giá tài sản không bị lợi dụng đấy cao hoặc trả thấp như các trường hợp (ii), (iii) giá trúng đấu giá dễ dàng đạt mức giá tốt nhất.
Hình thức quy định bước giá tại điểm (iv) có nhiều ưu điểm, với cách trả giá như của chúng ta hiện nay (người tham gia đấu giá chủ động đưa ra mức giá và đấu giá viên công bố giá trả), thì quy định mức chênh lệch theo phân tích ở điểm (iv) nói trên là phù hợp. Vì vậy, bước giá phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định bằng 01 điều khoản riêng biệt, cụ thể, rõ ràng.
Thứ hai, về việc không công khai giá khởi điểm. Đây là vấn đề mới, các văn bản pháp luật từ trước đến nay chưa đề cập, khi đưa vào áp dụng cần phải quy định cụ thể, rõ ràng để tránh việc vận dụng pháp luật không thống nhất hoặc không vận dụng được. Dự thảo luật đấu giá tài sản cần quy định cụ thể về việc không công bố giá khởi điểm.
Trong trường hợp này: Việc không công khai áp dụng cho tài sản nào? việc không công khai thực hiện như thế nào là phù hợp ? Người tham gia đấu giá trả giá như thế nào? Có công khai trong buổi đấu giá hay không? Giá đấu thành công có được công khai khi đấu giá thành hay không.
Vấn đề này cần nghiên cứu kỹ và nên quan tâm hoàn thiện quy định về vấn đề này.
Thứ ba, về tiền đặt trước. Tiền đặt trước là khoản bảo đảm của người tham gia đấu giá mua tài sản trong trường hợp trúng đấu giá, ngay sau khi kết thúc cuộc đấu giá đơn vị đấu giá phải hoàn trả cho người tham gia đấu giá không trúng đấu giá việc ký quỹ tại tổ chức tín dụng phải do đơn vị bán đấu giá đứng tên chủ tài khoản để bảo đảm việc hoàn trả theo đúng thời gian.
Thời gian thu tiền đặt trước, thực tế thì người tham gia đấu giá chỉ đóng tiền đặt trước gần với ngày hết hạn đăng ký, tuy nhiên dự luật quy định ngày thu tiền đặt trước lại mâu thuẫn với quy định thời gian đăng ký của dự luật.
Đăng ký tham gia đấu giá là thủ tục người muốn tham gia nộp đơn đăng ký tham giá và đóng tiền đặt trước cho đơn vị tổ chức đấu giá. Dự luật quy định thời gian đăng ký đối với động sản, bất động sản trước ngày mở cuộc đấu giá, dự luật quy định thời gian thu tiền đặt trước trước ngày mở cuộc đấu giá, như vậy đối với động sản đơn vị đấu giá thu tiền đặt trước của khách hàng, còn đối với bất động sản thì người tham giá đấu giá và tổ chức đấu giá hoàn thành việc đăng ký, nộp đơn và nộp tiền đặt trước. Bởi mốc thời gian quy định đăng ký tham gia và thu tiền đặt trước không phù hợp với nhau.
Việc thu tiền đặt trước nên theo quy định hiện hành là phù hợp, người tham gia đấu giá quyết định thời điểm nộp tiền đặt trước trong thời hạn đăng ký để tham gia đấu giá. Thông thường người ta thường chọn sát ngày kết thúc mới nộp tiền đặt trước.
Thứ tư, một trong những điểm mới được bổ sung trong Dự thảo Luật là quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản...
Quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản thời gian qua còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan. Chẳng hạn, quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa hợp lý; chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm, chưa có cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp; quy định về trường hợp cấm tham gia đấu giá chưa đầy đủ; chưa có quy định về thẩm quyền xét duyệt hồ sơ đối với một số loại tài sản có các yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá như quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, việc áp dụng một số quy định chung của Luật đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vì vậy, việc đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo Luật cần được quy định rõ ràng, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Thứ năm, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản theo lộ trình phù hợp là một trong những quan điểm cần được thể hiện mạnh mẽ cụ thể và khả thi trong Dự thảo Luật về hình thức đấu giá tài sản.
Theo đó, khi lựa chọn hình thức đấu giá tài sản các loại tài sản theo quy định Luật đấu giá tài sản (gồm tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm) và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản có thể lựa chọn sử dụng trang thông tin đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá tài sản của các tổ chức đấu giá tài sản để tổ chức việc đấu giá tài sản nêu trên.
Về việc lựa chọn trang thông tin đấu giá tài sản, đối với tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm (tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá) trong trường hợp được thực hiện bằng hình thức trực tuyến thì tổ chức đấu giá tài sản phải sử dụng trang thông tin đấu giá tài sản quốc gia (thuộc Cổng đấu giá tài sản quốc gia) để tổ chức việc đấu giá. Việc quy định sử dụng trang thông tin đấu giá tài sản quốc gia như nêu trên vừa đảm bảo tính thống nhất, tập trung, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên cho các tổ chức đấu giá tài sản, địa phương, vừa đảm bảo tính khách quan, có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước, tránh nguy cơ can thiệp hệ thống từ phía các tổ chức đấu giá tài sản.
Đối với trang thông tin đấu giá tài sản của tổ chức đấu giá tài sản thì cho phép tổ chức đấu giá tài sản sử dụng để đấu giá các tài sản cho đến hết ngày 31/12/2030. Kể từ ngày 01/01/2031, trang thông tin đấu giá tài sản của tổ chức đấu giá tài sản chỉ được sử dụng để đấu giá tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán tài sản thông qua đấu giá; trường hợp đấu giá tài sản tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm thì tổ chức đấu giá tài sản sử dụng trang thông tin đấu giá tài sản quốc gia./.

Xem thêm »