Chính sách pháp luật về quản lý giá tại Australia, liên hệ với Việt Nam và đề xuất, kiến nghị

17/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chính sách pháp luật về quản lý giá, trong đó, Nhà nước định giá các loại hàng hóa, dịch vụ là biện pháp can thiệp trực tiếp vào thị trường và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xác định các loại hàng hóa, dịch vụ chịu cơ chế quản lý giá này phải hết sức thận trọng, tránh việc xác định không chính xác các loại hàng hóa, dịch vụ và đặc biệt tránh việc lạm dụng bổ sung thêm hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục, từ đó làm “méo mó” thị trường.

Tại Australia, chính sách pháp luật về giá được quy định lồng ghép với các quy định về bảo vệ người tiêu dùng tại Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng 2010 (Phần VIIA - Giám sát giá cả). Theo đó, đối với Chính phủ Australia, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng là ưu tiên tiên quyết, các vấn đề về giá cả được thực hiện theo nguyên tắc thị trường tự do. Tại phần VIIA Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng quy định cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất các nội dung giám sát giá của nhà nước là Ủy ban về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (ACCC). Đây cũng là một điểm đặc biệt so với mô hình quản lý giá tại Việt Nam khi hiện nay chức năng về quản lý giá được phân công, phân cấp cho nhiều Bộ, ngành, đơn vị theo lĩnh vực quản lý ngành hàng; tuy nhiên điều này cũng xuất phát từ quan điểm về ưu tiên thực hiện các vấn đề giá cả theo quy luật kinh tế thị trường.
ACCC có chức năng thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát về giá gồm:
- Khảo sát về giá cả: ACCC tổ chức các cuộc khảo sát (điều tra) về giá theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Ngân khố và cung cấp cho Bộ trưởng báo cáo về kết quả của mỗi cuộc điều tra về giá.
- Thông báo giá: ACCC được quyền xem xét về việc thay đổi giá bán của một số hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền hoặc thuộc lĩnh vực hạ tầng (dùng chung hoặc độc quyền). Theo đó, các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải gửi “thông báo giá” cho ACCC để đề nghị xem xét cho phép tăng giá; trên cơ sở xem xét các yếu tố chi phí, giá thành, ACCC có quyền cho phép tăng giá hoặc không. Đây cũng là một trong những biện pháp giám sát giá chủ yếu của ACCC.
- Giám sát về giá cả chung: ACCC có trách nhiệm theo dõi giá cả, chi phí và lợi nhuận trong bất kỳ ngành công nghiệp hoặc doanh nghiệp nào mà Bộ trưởng Bộ Ngân khố chỉ đạo Ủy ban theo dõi và phải báo cáo cho Bộ trưởng về kết quả giám sát đó.
Về cơ bản, khi thực hiện quyền hạn và thực hiện các chức năng giám sát giả của mình, ACCC phải tuân theo các yêu cầu về việc xem xét kĩ các nội dung nhu cầu duy trì đầu tư và việc làm, bao gồm cả ảnh hưởng của khả năng sinh lời đối với đầu tư và việc làm; khả năng lợi dụng vị thế độc quyền (hoặc chi phối thị trường) để định giá hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân; yêu cầu về việc kiểm soát lạm phát chung (thể hiện qua chi phí sinh hoạt). Các biện pháp quản lý, giám sát về giá cụ thể như sau:
1. Khảo sát về giá
Trên cơ sở yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Ngân khố hoặc theo đề xuất của ACCC về việc điều tra một vấn đề giá cả cụ thể nào đó. Bộ trưởng Bộ Ngân khố cũng có quyền lựa chọn một đơn vị thực hiện điều tra, khảo sát giá khác nhưng phải nêu rõ lý do cho việc lựa chọn đó để báo cáo tại Hạ viện.
Trên cơ sở đó, ACCC (hoặc cơ quan được chỉ định) sẽ đưa ra thông báo điều tra: gồm mô tả chi tiết về hàng hóa, dịch vụ; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sẽ được thực hiện khảo sát, điều tra; khoảng thời gian điều tra và trách nhiệm hoàn thành, gửi báo cáo cho Bộ trưởng Bộ Ngân khố.
Nội dung khảo sát, điều tra về giá chủ yếu liên quan đến các nội dung về chi phí, giá thành sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ gắn với điều khoản, điều kiện cung cấp cụ thể và cung cấp tại địa phương.
2. Thông báo giá
Các điều khoản về thông báo giá được quy định trong Phần VIIA của Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng và chỉ áp dụng cho “các dịch vụ được thông báo” và “các công ty đã thông báo”. Mục tiêu của các quy định này là chỉ áp dụng giám sát giá đối với những thị trường mà theo Bộ trưởng Bộ Ngân khố, áp lực cạnh tranh không đủ để đạt được mức giá hiệu quả và bảo vệ người tiêu dùng.
Danh mục các hàng hóa, dịch vụ áp dụng thông báo giá do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đánh giá tính cạnh tranh, vị thế độc quyền và bối cảnh thực tế. Việc tin điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ cũng do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề xuất của ACCC hoặc các cơ quan liên quan.
Một công ty đã được thông báo phải thực hiện thông báo giá cho ACCC sẽ phải gửi văn bản đến ACCC về đề xuất tăng giá hàng hóa hoặc dịch vụ đã thông báo trong một số trường hợp nhất định. ACCC sau đó phải đánh giá giá đề xuất và có quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đề nghị tăng giá.
Việc chấp thuận hay không sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá các nguyên nhân đề xuất tăng giá, đánh giá các báo cáo chi phí, giá thành trước đó cũng như mặt bằng chung về giá thị trường (thể hiện qua CPI).
Biện pháp này có phần tương đồng với biện pháp “đăng ký giá” hiện đang quy định tại Luật giá của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay biện pháp đăng ký giá chỉ thực hiện khi Chính phủ áp dụng bình ổn giá đối với một hàng hóa, dịch vụ nào đó.
3. Giám sát chung về giá
Chính phủ Australia giao ACCC thực thi trách nhiệm giám sát chung về giá cả, xử lý các khiếu nại, thắc mắc về giá của các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng và lập báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Ngân khố theo thẩm quyền. Đây cũng là một được phần trong việc kiểm soát lạm phát chung bên cạnh các báo cáo về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chung.
4. Tăng cường cơ chế giám sát về giá trong bối cảnh dịch Covid 19
Trong bối cảnh dịch Covid 19 tác động ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống người dân, giá cả tiêu dùng chung có xu hướng tăng cao tại Australia; trong đó đặc biệt là giá các hàng hóa, vật tư y tế thiết yếu như khẩu trang, nước sát khuẩn, bộ test Covid 19. Do đó, Chính phủ Australia đã trình Quốc hội ban hành một đạo Luật đặc biệt nhằm áp giá trần (bán buôn) đối với một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Đạo luật được áp dụng từ tháng 6 năm 2020 đến nay.
5. Về biện pháp quản lý, giám sát về giá một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể 5.1. Về giá điện
a) Thị trường bán buôn điện:
Tại Australia giá điện bán buôn và bán lẻ đều do thị trường quyết định. Trong đó, giá bán buôn điện (wholesale price) được xác định trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh (NEM); giá bán lẻ điện được xác định trên thị trường bán lẻ. Giá truyền tải và phân phối điện do cơ quan chức năng của Australia (AER) quy định.
Thị trường điện quốc gia Australia NEM là thị trường bán buôn; trong đó các nhà máy phát điện bán điện cho khu vực đông và nam Australia. Khách hàng chủ yếu là các đơn vị điện lực bán lẻ (cung cấp điện cho các hộ dân cư, hộ kinh doanh và công nghiệp).
Quá trình tái cơ cấu ngành điện Australia được tiến hành từ năm 1991, thông qua việc chia tách các khâu phát điện, truyền tải và phân phối. Quá trình này được tiến hành đồng thời từ cấp bang và cấp liên bang. Năm 1995, ngành điện Australia bắt đầu quá trình chuyển dịch theo mô hình tập đoàn và tư nhân hóa. Các đơn vị truyền tải thuộc sở hữu nhà nước được hợp nhất thành Công ty truyền tải quốc gia duy nhất; đồng thời, Ủy ban quản lý lưới điện Quốc gia được thành lập. Cơ cấu tổ chức hoạt động thị trường điện của Australia bao gồm: (i) Hội đồng về năng lượng (cấp Bộ); (ii) Uỷ ban Thị trường năng lượng; (iii) Cơ quan Điều tiết năng lượng.
Từ tháng 12 năm 2008, thị trường điện quốc gia Australia bắt đầu vận hành, tạo sự cạnh tranh, cho phép các khách hàng lựa chọn nhà cung cấp, cho phép tham gia nối lưới... Trong đó, cơ cấu tổ chức hoạt động thị trường điện của Australia bao gồm: (i) Hội đồng về năng lượng (cấp Bộ); (ii) Uỷ ban Thị trường năng lượng; (iii) Cơ quan Điều tiết năng lượng.
Về mô hình, thị trường NEM là thị trường thời gian thực vận hành theo mô hình điều độ tập trung - chào giá tự do (price-based pool) có kèm theo hợp đồng tài chính (CfD) giữa các công ty phát điện và khách hàng mua điện để quản lý rủi ro biến động giá. Các hợp đồng song phương được thực hiện độc lập bởi hai bên mua và bán. Thị trường này được chia theo vùng, bao gồm 6 vùng là các bang của Australia.
Với đặc điểm của thị trường Úc có độ dự phòng công suất lớn khoảng 25% và tốc độ tăng trưởng phụ tải thấp khoảng 3% năm, cơ cấu nguồn năng lượng đa dạng. Cơ sở hạ tầng của hệ thống điện phát triển ở mức cao (hệ thống SCADA, hệ thống đo đếm) đã giúp dễ dàng xây dựng thị trường thời gian thực (5 phút), giúp phát triển thị trường nhanh chóng. Từ năm 1998 đến nay Australia đã phát triển đến giai đoạn bán lẻ cạnh tranh.
Tham gia thị trường có 15 công ty phát điện, các công ty này thường sở hữu đa dạng các nhà máy phát điện có công nghệ khác nhau như nhiệt điện, thuỷ nhiệt, thuỷ điện tích năng, năng lượng gió ... để có thể chào giá đảm bảo tối ưu khả năng phát toàn công ty.
Về nguyên tắc vận hành thị trường, hàng ngày, các công ty phát điện nộp bản chào giá cho các mức công suất phát theo chu kỳ 5 phút. Từ tất cả các bản chào được tổng hợp, Công ty quản lý thị trường (NEMMCO) xác định phương thức huy động các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải theo nguyên tắc chi phí tối thiểu. NEMMCO sau đó sẽ điều độ các nhà máy điện theo phương thức được lập theo các bản chào này. Giá thị trường được xác định theo chu kỳ 30 phút, là giá bình quân của 6 chu kỳ điều độ liên tục (5 phút 1 chu kỳ điều độ). Giá thị trường này được NEMMCO sử dụng để thanh toán tiền điện với các bên mua và bán trong thị trường giao ngay và giá này là như nhau trong tất cả các vùng.
b) Thị trường bán lẻ điện:
Trên thị trường bán lẻ điện tại Australia, có 3 công ty điện lực chiếm thị phần lớn, bao gồm: AGL energy, Origin Energy và TRUenergy. Tại bang Victoria và Nam Australia (South Australia), 3 công ty điện lực này cung ứng điện cho hầu hết khách hàng nhỏ; trong khi đó tại bang Queensland, AGL energy và Origin Energy là các công ty cung ứng lớn nhất sau khi quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra vào những năm 2006 - 2007. Tương tự, tại Bang NSW, TRUenergy và Origin Energy là các doanh nghiệp lớn sau tư nhân hóa (TRUenergy mua lại Energy Australia; Origin Energy mua lại Country Energy và Intergal Energy).
Trong khi xu hướng sở hữu tư nhân ngày càng tăng thì tại một số bang của Australia, Chính phủ vẫn nắm giữ các công ty điện lực bán lẻ. Tại Bang Tasmania, Chính phủ sở hữu công ty Aurora Energy và Momentum Energy. Chính phủ Queensland sở hữu Ergon Energy - công ty chiếm thị phần lớn tại khu vực nông thông của Bang này. Tại thủ phủ Australia, chính phủ Bang ACT chiếm 50% cổ phần đối với công ty Actew AGL. Hay như tại bang NSW, Chính phủ sở hữu Snowyy Hydro ...
Các công ty điện lực phải tuân theo Quy tắc bán lẻ điện (Bộ quy tắc). Bộ quy tác cung cấp cho các công ty một cách tiêu chuẩn để thiết lập giá điện của họ, chẳng hạn như sử dụng “giá tham chiếu”. Điều này giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh giá cả và có được ưu đãi tốt nhất. Giá tham chiếu là giá chuẩn cho điện do Chính phủ Australia quy định dựa trên mức sử dụng điện trung bình trong khu vực. Người tiêu dùng có thể so sánh các gói khác nhau với mức giá tham khảo để tìm được hợp đồng tốt.
Các công ty điện lực phải công bố tỷ lệ phần trăm chênh lệch với giá tham chiếu để cho người tiêu dùng có thể so sánh (bao gồm tất cả các loại báo giá, ví dụ như trên website của công ty điện lực, trên đài phát thanh, quảng cáo trên báo in và bán hàng qua điện thoại).
Trước khi có giá tham chiếu, các công ty khác nhau đã sử dụng các mức giá cơ sở khác nhau. Điều này có nghĩa là khi họ thông báo giảm giá, mọi người sẽ khó tìm ra đâu là giá thực sự tốt nhất. Giờ đây, tất cả các công ty đều phải sử dụng giá tham chiếu làm tham chiếu cơ bản, nên việc tìm ra thỏa thuận tốt nhất sẽ dễ dàng hơn nhiều cho người tiêu dùng.
c) Giám sát về giá điện:
Vào năm 2018, ACCC tổ chức một cuộc điều tra công khai để theo dõi giá cả, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận liên quan đến việc cung cấp điện trong thị trường bán buôn điện NEM. Cuộc điều tra sẽ kéo dài trong bảy năm, kết thúc vào năm 2025. ACCC phải báo cáo ít nhất sáu tháng một lần. Trong đó, ACCC đã được chỉ đạo để giám sát:
- Giá điện mà khách hàng phải trả;
- Giá thị trường bán buôn;
- Lợi nhuận của việc phát điện và nhà bán lẻ tạo ra;
- Tính thanh khoản của thị trường hợp đồng;
- Ảnh hưởng của những thay đổi về chính sách.
Ngoài ra nếu thích hợp, ACCC sẽ đưa ra các khuyến nghị với chính phủ để khắc phục sự thất bại của bất kỳ bên tham gia thị trường nào (hoặc toàn thị trường) trong việc cung cấp giá điện cạnh tranh và hiệu quả.
Trước cuộc điều tra về điện hiện tại, ACCC đã tiến hành Cuộc điều tra Giá bán lẻ Điện (REPI) trong năm 2017 và 2018. Trong báo cáo REPI cuối cùng, ACCC đã đưa ra một gói gồm 56 khuyến nghị nhằm giảm giá điện, khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và lợi thế cạnh tranh của Australia.
5.2. Về giá xăng dầu
Giá nhiên liệu chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước. Mặc dù ACCC có giám sát giá xăng dầu nhưng không thiết lập hoặc kiểm soát trực tiếp về giá.
Đối với xăng, dầu diesel cho ô tô, thành phần lớn nhất của giá bạn phải trả thường được thể hiện bằng giá chuẩn quốc tế như:
- Giá xăng Ron95 được căn cứ theo giá Platt’s tại thị trường Singapore;
- Giá Diesel cũng được căn cứ theo giá tại thị trường Singapore;
- Giá LPG căn cứ theo giá cơ quan có thẩm quyền công bố.
Những thay đổi về giá quốc tế có thể mất khoảng hai tuần để thực hiện thông qua chuỗi cung ứng ở các thành phố của Australia và lâu hơn ở các khu vực.
Giá xăng ở Australia theo dõi so với chuẩn quốc tế: Biểu đồ dưới đây cho thấy giá xăng dầu tại 5 thành phố lớn nhất (Sydney, Melbourne, Brisbane Adelaide và Perth) đã theo dõi như thế nào so với giá chuẩn quốc tế trong 90 ngày qua.
Giá bán lẻ là giá trung bình trong bảy ngày. Giá quốc tế là giá trung bình trong bảy ngày của Singapore Ron 95.
Tất cả giá nhiên liệu bán lẻ ở Australia đã bao gồm thuế GST với tỷ lệ 10% (hoặc 1/11 tổng giá thanh toán). Tỷ lệ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu và các sản phẩm xăng dầu (không phải nhiên liệu hàng không) được lập chỉ số hai lần một năm (vào tháng 2 và 8) phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Vào ngày 29 tháng 3 năm 2022, Chính phủ Australia đã thông báo cắt giảm 50% mức thuế tiêu thụ nhiên liệu trong 6 tháng, áp dụng từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 28 tháng 9 năm 2022, mức giá tiêu thụ đặc biệt là: 22,1 cent/lít đối với xăng không chì (loại thường hoặc loại cao cấp) và dầu diesel; 7,2 cent/lít đối với LPG vtô.
5.3. Về giá hàng không
a) Phạm vi giám sát giá:
ACCC có một số vai trò liên quan đến các sân bay và dịch vụ hàng không Những vai trò này chủ yếu liên quan đến việc thAustralia đẩy tính minh bạch về các dịch vụ có thể được cung cấp trong các lĩnh vực có ít hoặc không có sự cạnh tranh, bao gồm:
- Giám sát giá cả, chi phí, lợi nhuận và chất lượng của các dịch vụ hàng không và bãi đậu xe ô tô tại các sân bay Brisbane, Melbourne, Perth và Sydney.
- Giám sát giá cả, chi phí và lợi nhuận của dịch vụ vận tải hành khách hàng không nội địa.
- Đánh giá các thông báo đề xuất tăng giá từ Sân bay liên quan đến các dịch vụ hàng không trong khu vực; đánh giá các thông báo đề xuất tăng giá từ Airservices Australia, công ty cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu và chữa cháy hàng không và cứu hộ cho các sân bay và hãng hàng không.
Mục đích của việc giám sát là để cung cấp sự minh bạch về hoạt động của các sân bay và cho phép thực hiện một số báo cáo về việc liệu các nhà cung cấp có đang lợi dụng vị thế để áp đặt giá hay không. Việc giám sát giá cả, chi phí và lợi nhuận tuân theo hướng dẫn của ACCC theo mục 95ZF của Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng 2010.
b) Biện pháp thông báo giá:
Airservices Australia là một tổ chức thuộc sở hữu của chính phủ. Nó cung cấp các dịch vụ kiểm soát không lưu, chữa cháy và cứu nạn hàng không cho các sân bay và hãng hàng không. Đây là đơn vị được yêu cầu phải thực hiện thông báo giá trong trường hợp muốn tăng giá dịch vụ (Thông báo số 6 của Bộ trưởng Bộ ngân khố). Airservices Australia phải thông báo cho ACCC về việc đề xuất giá tính cho các dịch vụ này. ACCC chịu trách nhiệm đánh giá các đề xuất của Airservices Australia về việc tăng phí cho các dịch vụ này.
Các dịch vụ và cơ sở hàng không do sân bay Sydney cung cấp cho các dịch vụ hàng không trong khu vực phải thực hiện thông báo giá. Sân bay Sydney phải thông báo giá cho ACCC trước khi tăng giá cho các dịch vụ đó.
Các tiêu chí định giá tại Sân bay Sydney của các nhà khai thác dịch vụ hàng không trong khu vực là: Tổng mức tăng giá theo tỷ lệ phần trăm tính theo doanh thu trong một năm tài chính nhất định không được vượt quá tỷ lệ phần trăm thay đổi giữa tổng số Chỉ số Giá tiêu dùng hàng quý cho năm tham chiếu và năm trước năm tham chiếu; trong đó năm tham chiếu là khoảng thời gian 12 tháng kết thAustralia vào ngày 31 tháng 3 ngay trước khi bắt đầu năm tài chính nhất định.
5.4. Về giá dịch vụ bưu chính
ACCC có ba trách nhiệm chính quy định về dịch vụ bưu chính, bao gồm:
- ACCC đánh giá các thông báo về việc tăng giá đề xuất cho các dịch vụ thư thông thường dành riêng của Bưu điện Australia;
Tìm hiểu các tranh chấp về các điều khoản và điều kiện mà Bưu điện Australia cung cấp dịch vụ thư số lượng lớn;
- Quản lý quy tắc lưu giữ hồ sơ cho Bưu điện Australia.
Thông báo giá hiện tại bao gồm các dịch vụ thư thông thường dành riêng được vận chuyển theo thời gian biểu thông thường (bao gồm cả cước phí cơ bản) và các thư thông thường tiềm năng được vận chuyển theo thời gian biểu ưu tiên nếu giá đề xuất lớn hơn 150% giá thư thông thường bảo lưu tương đương. Việc thông báo giá không áp dụng với các dịch vụ thư doanh nghiệp số lượng lớn.
Trường hợp Bưu điện Australia đề xuất tăng giá dịch vụ thư được thông báo hoặc giới thiệu dịch vụ thư được thông báo mới, Bưu điện phải thông báo cho ACCC về đề xuất đó. ACCC sau đó phải xem xét đề xuất theo Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng 2010 và sau đó thông báo cho Bưu điện Australia về việc họ có phản đối đề xuất tăng giá hay không.
Ngoài đánh giá của ACCC, Bưu điện Australia phải thông báo bằng văn bản cho Bộ trưởng Bộ Truyền thông về đề xuất tăng giá đối với các thư thông thường. Bưu điện Australia chỉ có thể tăng giá nếu Bộ trưởng không từ chối đề xuất tăng.
6. Một số đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở chính sách pháp luật về quản lý giá tại Australia, liên hệ với Việt Nam có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần quy định cụ thể để bảo đảm hiệu quả, minh bạch trong quản lý giá
Hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá; đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Bổ sung nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn. Tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí bổ sung thêm tiêu chí “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh;” nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Vấn đề quản lý giá được đề cập chủ yếu tại Luật, song trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định một số nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...). Vì vậy, đề nghị xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này; mối quan hệ với các đạo luật liên quan theo hướng không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật. Việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh… Vì vậy, cần dẫn chiếu cụ thể để tạo sự minh bạch, dễ tiếp cậnđược bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhật tại Luật Giá. Bên cạnh đó, đề nghị xác định rõ nguyên tắc: các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung.
Thứ hai, đảm bảo quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả, vận hành thông suốt nền kinh tế
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá. Luật Giá có ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, liên quan đến nhiều Luật sẽ sửa đổi trong thời gian tới, vì vậy cần nghiên cứu, rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Tiếp tục rà soát các quy định về quản lý nhà nước về giá, hạn chế việc phân công quá cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, vì những điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ. Luật Giá là một dịp để đánh giá căn cơ về quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá. Trước đây, Bộ Tài chính phụ trách toàn bộ công tác này, bao gồm cả giá điện, giá thuốc, giá năng lượng, giá đất… Hiện nay, Bộ Tài chính chỉ giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá, còn giá cụ thể thì phân cấp cho các Bộ, ban, ngành khác./.

Xem thêm »