Quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm xã hội một lần – Thực tiễn thực hiện và kiến nghị, đề xuất

25/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội), khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 21/12/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, BHYT giai đoạn 2012-2020, ngày 20/11/2014, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 (trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018) đã có nhiều thay đổi, trong đó có sự thay đổi về chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia nhằm (i) hạn chế việc người tham gia bảo hiểm xã hội cả bắt buộc và tự nguyện rời bỏ hệ thống để duy trì độ bao phủ của bảo hiểm xã hội và (ii) bảo toàn những khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để tích lũy thời gian đóng trong quá trình làm việc để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng khi về già.

 I. Quy định của pháp luật hiện hành về chính sách bảo hiểm xã hội một lần
Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật này nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
5. Việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 65 của Luật này.
Việc thay đổi trong chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nhằm hạn chế số lượng đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi loại bỏ quy định đối với người lao động khi chưa đến tuổi nghỉ hưu “sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận”  của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Tuy nhiên, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận người lao động (chủ yếu ở khu vực phía Nam) có kiến nghị được lựa chọn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2006. Trước tình hình đó, ngày 22 tháng 6 năm 2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Nghị quyết này cho phép người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được nhận bảo hiểm xã hội một lần nếu có yêu cầu. Cụ thể, Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 quy định:
1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Căn cứ các quy định nêu trên cho thấy, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần (Điều 60, Điều 77). Việc ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 chỉ mang tính chất tạm thời, xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Quy định như Nghị quyết số 93/2015/QH13 thực chất là cho phép thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
II. Tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội 1 lần
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2020 cả nước đã có 3.716.869 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bình quân mỗi năm có trên 740 nghìn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần (Chi tiết xem bảng 1).
Bảng 1: Số người, số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần thống kê theo giới tính
Đvt: người, tỷ đồng
Năm, giới
Tiêu chí
2016 2017 2018 2019 2020
Nam Nữ Nam Nữ Nam Nữ Nam Nữ Nam Nữ
Số người hưởng 221.605 276.630 252.240 307.268 306.223 360.275 320.712 386.480 347.524 413.579
Số tiền hưởng 5.057 5.400 6.801 7.113 9.452 10.079 11.376 12.805 13.176 15.288
(Nguồn: Hệ thống quản lý chính sách TCS)
Trong giai đoạn 2016 -2020 số người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần với xu hướng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,3%. Cụ thể: năm 2016 là 619.716 người, năm 2017 là 666.955 người (tăng 7,62% so với năm 2016), năm 2018 là 762.368 người (tăng 14,31% so với năm 2017), năm 2019 là 807.089 người (tăng 5,86% so với năm 2018), năm 2020 là 860.741 người (tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng 38,89% so với năm 2016).
Cùng với đó, số tiền bảo hiểm xã hội một lần cũng tăng tương ứng với số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cụ thể: Năm 2016 là trên 10.457 tỷ đồng, năm 2017 là trên 13.914 tỷ đồng (tăng 33,1% so với năm 2016), năm 2018 là trên 19.531 tỷ đồng (tăng 40,4% so với năm 2017), năm 2019 là trên 24.182 tỷ đồng (tăng 23,8% so với năm 2018), năm 2020 là trên 28.464 tỷ đồng (tăng 17,71% so với năm 2019 và tăng 172% so với năm 2016).
Ngoài ra, xét theo khía cạnh giới, số liệu thống kê cũng cho thấy số lượng lao động nữ hưởng bảo hiểm xã hội một lần luôn chiếm số lượng lớn hơn so với lao động nam ở tất cả các năm. Quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần của lao động nữ có thể được lý giải do chịu tác động lớn từ vai trò giới: Sinh con, nuôi con, chăm sóc các thành viên gia đình bị ốm hoặc sức khỏe yếu; phân biệt đối xử về giới trong thị trường lao động….
Phân chia theo loại hình doanh nghiệp cho thấy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh  và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm trên 80% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong giai đoạn 2016-2020 (Chi tiết xem bảng 2).
Bảng 2: Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo loại hình cơ quan, doanh nghiệp làm việc trước khi nghỉ việc
Đvt: người
Năm 2016 2017 2018 2019 2020
  Tổng số người hưởng
Loại hình
619.716 666.955 762.386 807.089 860.741
Doanh nghiệp NN 41.819 29.179 39.239 39.634 47.023
DN có vốn đầu tư nước ngoài 128.311 159.326 292.047 308.130 318.766
DN ngoài QD 279.201 319.581 281.405 283.723 299.134
Hành chính, Đảng, đoàn thể 38.749 38.532 32.009 53.010 69.311
Sự nghiệp công lập   83 282 113 116
Xã, phường, thị trấn 48 462 2.388 1.965 1.663
CB không chuyên trách cấp xã 1.082 1.271 3.775 5.344 6.671
Hợp tác xã 3.373 3.509 2.317 2.039 1.825
Ngoài công lập 448 1.674 3.924 4.236 3.632
Hộ SXKD, cá thể, tổ hợp tác, CN   152 1.116 1.099 949
LĐ có thời hạn ở NN   7 44 29 64
Đối tượng tự đóng 5 1.018 7.952 7.831 11.868
Khác 126.680 112.161 95.888 99.936 99.719
(Nguồn: Hệ thống quản lý chính sách TCS)
Số liệu thống kê cho thấy, số người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng cao nhất (1.463.044 người, chiếm 45,8% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần), sau đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (1.206.580 người, chiếm 37,8% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần), thấp nhất ở khối sự nghiệp công lập (594 người, chiếm 0,02% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần) và Lao động có thời hạn ở nước ngoài (144 người, chiếm 0,005% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần). Điều này có thể lý giải bời tính chất công việc của khối Doanh nghiệp ngoài quốc doanh và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường chịu áp lực về công việc, người lao động có tâm lý “nhảy việc” nên khi nghỉ việc, trong thời gian chưa tìm kiếm việc làm mới phù hợp hơn thì mong muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống.
Bảng 3: Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo độ tuổi
Đvt: người
Năm 2016 2017 2018 2019 2020 Thời gian đóng bảo hiểm xã hội bình quân (năm)
Tổng số người hưởng
Độ tuổi
619.716 666.955 762.386 807.089 860.741
Dưới 20 tuổi 2.138 1.719 1.569 1.645 2.238 1.04
Từ trên 20 tuổi đến đủ 30 tuổi 286.676 297.878 324.418 335.793 345.009 2.84
Từ trên 30 tuổi đến đủ 40 tuổi 219.341 246.303 291.014 317.692 344.587 4.94
Từ trên 40 tuổi đến đủ 50 tuổi 76.156 83.621 101.969 106.594 116.546 6.36
Từ trên 50 tuổi đến đủ 60 tuổi 28.889 30.602 35.630 37.361 42.354 7.21
Trên 60 tuổi 6.516 6.832 7.785 8.005 10.007 7.25
(Nguồn: Hệ thống quản lý chính sách TCS)
Theo số liệu thống kê cho thấy, những người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 80,9% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2020; trong đó tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ 20 đến 30 tuổi (chiếm 42,7%), nhóm tuổi từ 30 đến 40 tuổi đứng thứ hai chiếm 38,2% (Chi tiết xem bảng 3). Tiếp theo là nhóm “trên 40 đến đủ 50 tuổi” chiếm khoảng 13% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong cả giai đoạn 2016–2020. Đây là nhóm đã có hơn 6 năm đóng bảo hiểm xã hội và nếu tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội họ vẫn có khả năng đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hàng tháng khi về già. Đáng lưu ý là tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội một lần là khá cao ở nhóm “trên 50 đến đủ 60 tuổi” mặc dù họ có trung bình trên 7 năm đóng bảo hiểm xã hội. Điều này cũng có thể được lý giải là do sự tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc muộn của người lao động, không loại trừ trường hợp người lao động trong quá trình làm việc khi còn trẻ đã nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên khi đến tuổi nghỉ hưu thì thời gian đóng tích lũy được ngắn và cũng không có khả năng tự đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng nên phải hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Bảng 4: Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần phân theo điều kiện hưởng
Đvt: người
  2016 2017 2018 2019 2020 Tổng số Tỷ trọng
Tổng số người hưởng
 
619.716 666.955 762.386 807.089 860.741
bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đủ tuổi hưởng hưu chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 4.901 5.235 5.532 5.902 6.551 28121 0.9%
Ra nước ngoài định cư 1 454 3.264 3.741 1.654 9114 0.3%
Mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng) 1 285 856 667 509 2318 0.07%
bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội   38 183 196 885 1302 0.04%
Ra nước ngoài định cư   3 20 10 11 44 0.001%
Mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng   4 28 18 14 64 0.002%
Nghị quyết số 93/2015/QH13 (cả bắt buộc và tự nguyện)
Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội 614.813 660.936 752.503 796.555 851.117 3.151.546 98.7%
(Nguồn: Hệ thống quản lý chính sách TCS)
Với số liệu thống kê tại bảng trên cho thấy đa số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau một năm nghỉ việc (chiếm 98,7% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2020). Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội chiếm rất ít, chỉ chiếm có 0,92%. Điều này cho thấy mặc dù bản chất của chế độ hưu trí là quá trình tích luỹ thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình làm việc của người lao động khi còn trẻ để đảm bảo an ninh thu nhập cho tuổi già nhưng trên thực tế thì phần lớn số tiền này đang được rút ra để phục vụ chi tiêu khi người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu.
III. Kiến nghị, đề xuất
Trên cơ sở phân tích quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội một lần, có thể nhận thấy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm.  Trong khi đó, chế độ hưu trí là chế độ của tuổi già, pháp luật bắt buộc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng góp cùng với phần đóng góp của người lao động trong quá trình làm việc để khi người lao động về già, không còn khả năng lao động thì được quỹ bảo hiểm xã hội chi trả lương hưu nhằm ổn định cuộc sống của người lao động và già đình họ. Việc nhiều ngươi lao động lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần khi còn trẻ sẽ không đảm bảo mục tiêu cuối cùng của chế độ hưu trí. Tuy nhiên, do quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần được kế thừa từ các quy định trước đây nên việc thay đổi thường gặp phải phản ứng của một bộ phận người lao động. Vì vậy, để hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình làm việc để được hưởng lương hưu khi về già cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cả giải pháp trực tiếp điều chỉnh quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần và giải pháp gián tiếp, khuyến khích người lao động không nhận bảo hiểm xã hội một lần. Theo đó, thời gian tới, có thể thực hiện một số giải pháp như sau:
1. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí
Hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, nhiều người không đủ kiên nhẫn nên rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần lớn và có xu hướng tăng nhanh thời gian qua.
Việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp sẽ góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do họ đủ điều kiện về thời gian đóng để được hưởng lương hưu.  
Tuy nhiên, như đã nêu trên, việc ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 chỉ mang tính chất tạm thời, xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Đồng thời, do việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên người lao động chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đặc biệt là quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần Theo đó, việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay. Vì vậy, để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt như trường hợp Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014[1], cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách (nhất là về lộ trình) giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động; từ đó, đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả, hợp lý.
2. Về công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật
Bản thân mỗi điều khoản của pháp luật hoặc một chính sách không thể thành công nếu không có sự đồng thuận của nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh. Vì vậy, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cần được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật. Người dân cần được biết và được tham vấn một cách hiệu quả (thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp) về ý nghĩa và mục đích của những điều chỉnh và thay đổi chính sách, pháp luật sẽ được thông qua. Điều này sẽ giúp tạo được sự đồng thuận trong xã hội ngay từ khi chính sách, pháp luật được thiết kế và được ban hành, cũng như giúp người lao động có kế hoạch chuẩn bị tốt cho các giai đoạn sau khi chính sách và pháp luật được điều chỉnh, thay đổi. Công tác tuyên truyền và phổ biến không chỉ cần thực hiện trong quá trình xây dựng chính sách mà cần được thực hiện thường xuyên trước và trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Người lao động cần phải nắm được đầy đủ thông tin, phải được giải thích cặn kẽ rõ ràng về lợi ích của việc tiếp tục tham gia để hưởng hưu trí thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
3. Tăng cường công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống bảo hiểm xã hội
Đẩy mạnh cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi chính sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hệ thống bảo hiểm xã hội; cùng với đó là thực hiện chế độ thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch…. qua đó từng bước củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống bảo hiểm xã hội./.
 

[1] Từ ngày 26/3/2015, công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam 100% vốn nước ngoài (Đài Loan), có trụ sở tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp trên địa bàn một số địa phương như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, đã ngừng việc do không đồng tình với quy định tại Điều 60 về bảo hiểm xã hội một lần theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (điểm 1.b Báo cáo số 190/BC-CP).

Xem thêm »