Thực hiện Quyết định số 1105/QĐ-585 ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 về việc chọn Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận thực hiện hoạt động Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp; ngày 26/6/2020, Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thành công lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quyền tài sản, bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp trong Bộ luật Dân sự và quy định pháp luật có liên quan cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Lớp bồi dưỡng đã thu hút sự tham gia của hơn 50 đại biểu là đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận; các Luật gia; Luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; công chức phụ trách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bình Thuận; nhân viên pháp chế các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và các các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện giảng dạy lớp bồi dưỡng là PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến - giảng viên cao cấp, Phó trưởng khoa Luật, Đại học Sài Gòn.
Tại lớp bồi dưỡng, giảng viên đã triển khai các nội dung sau:
- Tổng quan về quyền tài sản của doanh nghiệp.
- Những quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản.
- Những quy định pháp luật về các hình thức sở hữu; xác định và bảo vệ tài sản của doanh nghiệp.
- Những vấn đề thực tế phát sinh trong xác định và bảo vệ tài sản của doanh nghiêp
Bên cạnh việc lắng nghe, tiếp nhận kiến thức, thông tin từ báo cáo viên, các đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng đã tiến hành hỏi đáp, thảo luận sôi nổi về các vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại và đưa ra một số câu hỏi về thực tiễn như sau:
Câu hỏi 1:
Vấn đề đại biểu nêu ra: Trường hợp khi khách hàng vừa vay tín chấp ở ngân hàng Chính sách xã hội vừa vay thế chấp ở một ngân hàng khác thì khi xảy ra tranh chấp thì tài sản của người vay được ưu tiên để thoanh toán cho ngân hành nào?
Giải đáp:
Vay tín chấp là vay không có tài sản bảo đảm. Nên trong trường hợp này việc cho vay của ngân hành Chính sách xã hội được xác định là vay không có bảo đảm. Vì vậy, khi xử lý tài sản thế chấp phải ưu tiên ngân hàng cho vay có thế chấp.
Câu hỏi 2:
Vấn đề đại biểu nêu ra: Trường hợp hai vợ chồng có làm sổ tiết kiệm nhưng đứng tên vợ, và người vợ tự mình thực hiện các giao dịch từ tài khoản tiết kiệm đó mà không có ý kiến của người chồng thì có hợp pháp không?
Giải đáp:
Theo nguyên tắc thì đối với tài sản chung của vợ, chống thì dù chỉ một trong hai người đứng tên trong sồ tiết kiệm thì khi thực hiện các giao dịch phải có ý kiến, chữ ký của cả vợ và chồng. Nhưng cần lưu ý phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật, tức là phải có quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Câu hỏi 3:
Trường hợp hộ gia đình dùng nhà, đất thế chấp để được làm đại lý phân phối vé số. Sau đó hộ gia đình này không thông báo cho công ty xổ số mà tự ý xin cấp phép xây dựng nhà và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Vì vậy, hộ này đã đập bỏ nhà cũ và xây nhà mới trên đất đó mà công ty xổ số không hề biết. Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan cấp phép xây dựng đã cấp phép sai?
Giải đáp:
Theo quy định thì khi thế chấp tài sản đó phải được giữ nguyên hiện trạng cho đến khi chấm dứt việc thế chấp. Trong trường hợp này, về nguyên tắc thì cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất đó. Khi phối hợp lấy thông tin từ cơ quan đăng ký đất đai thì sẽ có được thông tin tình trạng nhà đất đó đang được thế chấp. Vì vậy, trong trường hợp này cần xem lại quy trình cấp phép xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đã thực hiện bước này chưa để xác định trách nhiệm.
Lớp bồi dưỡng đã mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.