CÂU LẠC BỘ PHÁP CHẾ DOANH NGHIỆP VỚI CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 66/2008/NĐ-CP

27/12/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Câu lạc bộ) được thành lập theo Quyết định số 212/1999/QĐ-CP ngày 22/7/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Câu lạc bộ là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của tổ

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Câu lạc bộ) được thành lập theo Quyết định số 212/1999/QĐ-CP ngày 22/7/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Câu lạc bộ là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của tổ chức Việt Nam là doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức khác có hoạt động về pháp chế doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và công dân Việt Nam là luật sư, luật gia, doanh nhân, người làm công tác quản lý kinh tế, hoạt động pháp luật trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến pháp chế doanh nghiệp. Mục đích hoạt động của Câu lạc bộ là hỗ trợ về mặt pháp lý cho hoạt động của các hội viên thông qua việc giới thiệu kịp thời, thường xuyên, có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; cung cấp ý kiến pháp lý theo yêu cầu của các hội viên; thu thập ý kiến của các hội viên để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật; tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh, công tác pháp chế và những vấn đề khác mà các hội viên quan tâm.
Trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Câu lạc bộ tổ chức hoạt động theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các hình thức hỗ trợ pháp lý như: Xây dựng và  khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; Tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; Tiếp nhận kiến nghi của doanh nghiệp trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, Câu lạc bộ thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như: Cung cấp thông tin pháp lý mới, cấp thiết cho các doanh nghiệp hội viên; Tổ chức các tọa đàm, hội thảo, hội nghị đối thoại giúp doanh nghiệp có cơ hội trao đổi trực tiếp với các chuyên gia soạn thảo luật và các chuyên gia hoạt động thực tiễn về những chính sách, pháp luật hiện hành trong quá trình thực hiện, từ đó chỉ ra những điểm bất cập cần thay đổi và hoàn thiện; Tổ chức các lớp bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác pháp chế, các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh với các chuyên đề thực sự thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; Tư vấn pháp luật theo nhu cầu của các doanh nghiệp; Giúp các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố liên hệ, phản ánh với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết những vấn đề doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp… Trong quá trình xây dựng và phát triển, Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
1. Kết quả triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (kể từ khi có Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp của Chính phủ).
Ngày 05 tháng 05 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2012 – 2014; Quyết định này được xem là Quyết định nhằm thể chế hóa cụ thể hơn nữa Nghị định số 66/2008/NĐ- CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Sau 5 năm thực hiện, ngày 28/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2319/QĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014. Chưng trình có mục tiêu nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
a. Tổ chức Hội thảo, Tọa đàm về các chủ đề pháp luật:
Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều Hội thảo, Tọa đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như kịp thời cập nhật những chính sách, pháp luật mới của nhà nước như: Tọa đàm trao đổi về “Quyền tự do kinh doanh, các quy định liên quan đến doanh nghiệp được quy định trong Hiến pháp và pháp luật”; tọa đàm: “Thực tiễn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2005, những vướng mắc, khó khăn và giải pháp khắc phục”; “Pháp luật về Đầu tư năm 2014 (sửa đổi năm 2016) và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, “Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng – những bất cập từ thực tiễn và những sửa đổi, bổ sung để khắc phục”; “Phá sản doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế”; “Hiệp định TPP với doanh nghiệp Việt Nam”; hội nghị đối thoại “Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp khi tham gia giải quyết tranh chấp thương mại”, “Những quy định mới của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) liên quan đến doanh nghiệp” v.v…
Các tọa đàm, diễn đàn pháp luật mang tính thời sự liên quan tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ quan báo chí tham gia và đưa tin về tọa đàm. Thông qua hoạt động này, doanh nghiệp hội viên Câu lạc bộ có thể nói lên tiếng nói của mình, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi những chính sách không còn phù hợp hoặc gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi, đồng thời đại diện các cơ quan quản lý nhà nước được giao chủ trì xây dựng các Dự thảo Luật có thể trực tiếp lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện vào việc xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật kinh doanh. Kết thúc mỗi Tọa đàm, Câu lạc bộ có báo cáo tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tham dự gửi các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để nghiên cứu sửa đổi các quy định đã ban hành không còn phù hợp và hoàn chỉnh các Dự thảo luật sắp ban hành.
Từ khi thành lập, Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ cho các cán bộ pháp chế doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp, nhiều luật gia, luật sư và những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chỉ tính từ năm 2011, sau khi có Chương trình 585 đến nay, Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng tại nhiều địa phương trong cả nước.
b. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp.
- Năm 2011, Câu lạc bộ tổ chức 08 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo chuyên đề tại một số địa phương.
- Năm 2012, Câu lạc bộ tổ chức 04 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp và 06 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp.
- Năm 2013, Câu lạc bộ tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; 04 Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp.
- Năm 2014, Câu lạc bộ tổ chức 04 Lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế, 03 Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp và 02 Tọa đàm về Hiến pháp năm 2013, về Luật Doanh nghiệp.
- Năm 2015, Câu lạc bộ tổ chức 11 Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ pháp chế doanh nghiệp (theo Chương trình 585) và 17 lớp theo nhu cầu bồi dưỡng của doanh nghiệp.
- Năm 2016, Câu lạc bộ tổ chức 06 Lớp bồi dưỡng theo Chương trình 585 và 14 lớp theo nhu cầu bồi dưỡng của doanh nghiệp.
- Năm 2017 (đến hết tháng 9/2017) Câu lạc bộ tổ chức 04 lớp bồi dưỡng (theo Chương trình 585) và 04 lớp theo nhu cầu bồi dưỡng của doanh nghiệp.
c. Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.
Những năm qua và trong thời gian tới, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp mà trực tiếp là Trung tâm tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ đã và sẽ tiếp tục tổ chức tư vấn pháp luật thường xuyên,  tư vấn pháp luật theo vụ việc thông qua các hoạt động: tư vấn trực tiếp và thực hiện dịch vụ pháp lý tại trụ sở; tư vấn thông qua email (liên hệ đến hộp thư điện tử); xây dựng các gói sản phẩm dịch vụ tư vấn (theo yêu cầu của doanh nghiệp) gửi tới doanh nghiệp. Nội dung tư vấn tập trung là:
- Các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp;
- Các vấn đề về tổ chức nội bộ doanh nghiệp;
- Các quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng, đưa ra các giải pháp pháp lý, giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp trong quá trình thương lượng hơp đồng với đối tác;
- Xem xét tính pháp lý của hồ sơ do doanh nghiệp soạn thảo hoặc hỗ trợ soạn thảo hợp đồng và các văn bản khác;
- Xây dựng hợp đồng mẫu về dịch vụ tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp;
- Soạn thảo đơn, di chúc, hợp đồng và các giấy tờ khác theo yêu cầu.
Ngoài ra, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp còn tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý, cách giải quyết vụ việc khi có yêu cầu của doanh nghiệp; cung cấp thông tin pháp luật mới liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh, hợp đồng của doanh nghiệp.
d. Xây dựng cuốn cẩm nang về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp – cuốn sách hỗ trợ về cơ bản các kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, quản lý doanh nghiệp, khắc phục được tình trạng thiếu những tài liệu chuyên sâu hướng dẫn và trao đổi về kỹ năng, nghiệp vụ, chuyên môn pháp lý cho cán bộ pháp chế và người quản lý doanh nghiệp.
2.  Đánh giá của doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng về hiệu quả triển khai thực hiện chương trình.
            Những năm qua và thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp đang và sẽ trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tăng trưởng ổn định và bền vững của quốc gia. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp luôn là yêu cầu và đòi hỏi khách quan. Các tọa đàm, hội thảo; Lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế cho doanh nghiệp; các chuyên đề bồi dưỡng pháp luật kinh doanh thời gian qua khi áp dụng trên thực tế đã được các đối tượng thụ hưởng ủng hộ và các cơ quan có liên quan tích cực phối hợp thực hiện. Các chuyên đề mà Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp giới thiệu đến các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước như: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, TT- Huế, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Yên Bái, Gia Lai… là những địa bàn có số lượng lớn các doanh nghiệp đều được đánh giá rất cao về tính cấp thiết, sự phù hợp với những đòi hỏi thực tế mà doanh nghiệp đang thiếu và cần được giải đáp. Ngoài việc giải đáp được những thắc mắc trong quá trình thi hành Luật; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp thì các chuyên đề pháp luật kinh doanh còn giúp cho các nhà quản lý tại doanh nghiệp hiểu được các vấn đề cơ bản liên quan đến quản lý, quản trị doanh nghiệp, góp phần lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp đúng pháp luật và hiệu quả hơn.
            Các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho doanh nghiệp, góp phần định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp luật ổn định, bền vững, lâu dài. Với sự hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp yên tâm hơn về tính pháp lý trong hoạt động của mình, hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Với Chương trình hỗ trợ pháp lý này, mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể.
            Tuy nhiên, do số lượng doanh nghiệp rất lớn, nhu cầu hỗ trợ liên quan đến pháp lý thường xuyên, nên công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. 
            Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được xem như là bước đột phá trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Câu lạc bô Pháp chế doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, được các doanh nghiệp đánh giá là thiết thực và sát với nhu cầu của từng doanh nghiệp, có tác động không nhỏ đến doanh nghiệp:
            - Tác động về mặt nhận thức:  thông qua các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mà lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ pháp chế tại doanh nghiệp nhận thức được rõ hơn về vai trò của pháp luật trong quá trình xây dựng, quản lý, điều hành doanh nghiệp, từ đó quan tâm, lãnh đạo sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, củng cố bộ phận pháp chế, phân công cán bộ làm công tác pháp chế tại doanh nghiệp.
            - Tác động về hiểu biết pháp luật: từ việc nhận thức đến hiểu biết pháp luật của người sử dụng lao động, người lao động được nâng lên, ý thức tôn trọng pháp luật, thi hành đúng pháp luật trong doanh nghiệp được coi trọng; cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động có lòng tin vào pháp luật.
            - Tác động đến hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển. Người quản lý, cán bộ pháp chế doanh nghiệp nói lên ý kiến của doanh nghiệp, góp ý, đề xuất để hoàn thiện pháp luật, nhất là pháp luật kinh tế, pháp luật liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh.
            - Tác động đến những người làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, thông qua hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giúp họ hiểu sâu, rộng hơn về pháp luật, có kinh nghiệm hơn trong quá trình tư vấn, sử dụng pháp luật và có kỹ năng, phương pháp công tác phù hợp.
            3. Trọng tâm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp trong thời gian tới.
            Xuất phát từ vị trí quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp – động lực phát triển của nền kinh tế, động lực của sự phát triển đất nước, việc tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là góp phần cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển. Trong thời gian tới, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
            Một là, hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nắm bắt các cam kết thương mại, đầu tư quốc tế.
            Hai là, hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp bằng những hoạt động cụ thể:
            - Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh mới cho người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm giới thiệu các quy định mới liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
            - Giải đáp, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua Trung tâm tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp; Giải đáp, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp bẳng văn bản, trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, thông qua mạng điện tử.
            Ba là, tiếp tục làm tốt chức năng là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong hoàn thiện và thực thi pháp luật. Câu lạc bộ sẽ tổ chức diễn đàn, đối thoại để nghe đại diện doanh nghiệp góp ý, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
            Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phòng chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý bằng pháp luật đối với doanh nghiệp./.
Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp
 

Xem thêm »