Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực miền Nam

13/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp bởi những rủi ro pháp lý vẫn luôn tồn tại khi doanh nghiệp tham gia thị trường kinh doanh.

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời với sứ mệnh vô cùng quan trọng trong việc cung cấp thông tin, định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trang bị kỹ năng ứng phó với rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, giúp doanh nghiệp hoạt động, phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài.Đồng chủ trì Hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu và nhấn mạnh về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng thể chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất và các giải pháp thiết thực hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là nhỏ và vừa, trong đó hơn 62% số DN là siêu nhỏ. Số doanh nghiệp này hạn chế về nguồn lực, thường chú trọng đầu tư sản xuất kinh doanh mà chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý, khả năng chống chịu rủi ro pháp lý hạn chế. Nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý còn hạn chế, mô hình tổ chức còn nhỏ dẫn đến thiếu nguồn lực đảm bảo cho công tác pháp lý của doanh nghiệp. 
Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa cũng cho biết thêm, các doanh nghiệp này thường không có bộ phận pháp chế chuyên trách, chưa có đủ kinh phí để thuê đơn vị tư vấn luật chuyên nghiệp. Việc không thấu hiểu các quy định của pháp luật khiến các doanh nghiệp nhỏ lúng túng khi thực hiện các thủ tục pháp lý hoặc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây chính là nguyên nhân gây ra những rủi ro pháp lý khiến các doanh nghiệp này phải trả giá đắt bằng các chế tài xử phạt hoặc những tổn thất trong ký kết các hợp đồng,… Bên cạnh đó, các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai đôi lúc vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả, thực chất, dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp có ý kiến cho rằng, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mặc dù đã được ban hành từ năm 2019 và có Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm bắt được thông tin để được hỗ trợ.Ông Châu Minh Nguyện, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, Hiệp hội chưa từng được mời tham gia đóng góp ý kiến các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Những văn bản pháp luật mới Hiệp hội cũng không được sở, ngành nào gửi trực tiếp để phổ biến, tuyên truyền đến doanh nghiệp nên phải lên mạng tìm kiếm và mày mò làm. 
Cũng theo ông Nguyện, Nghị định 55 có công nhận mạng lưới tư vấn viên pháp lý nhưng 5-7 năm qua, doanh nghiệp vẫn không biết ai là tư vấn viên, nhóm nào, ở đâu để hỗ trợ cho doanh nghiệp: "Tới thời điểm này, trên địa bàn ở Đồng Nai không biết ai nằm trong mạng lưới tư vấn viên của tỉnh thực hiện theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi không có sở ngành nào công bố, ví dụ như Sở Kế hoạch -Đầu tư hay tổ chức nào đó công bố ai là tư vấn viên pháp lý; hoặc có công bố mà không thông tin cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nên chúng tôi không biết. Đây là gút mắc về sự phối hợp của các sở, ngành và các tổ chức hội nghề nghiệp".
Bên cạnh đó, Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong quá trình hoạt động; đó là doanh nghiệp còn thiếu các thông tin, thiếu các hướng dẫn cụ thể trong quá trình áp dụng pháp luật, trong khi trên thực tế đang tồn tại rất nhiều kênh thông tin về pháp luật. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị, trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ cần lựa chọn những vấn đề pháp lý nóng, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng tới doanh nghiệp như: pháp luật về đất đai, tín dụng, thuế, chuyển đổi xanh…; biên tập ngôn ngữ pháp lý dễ hiểu để tăng khả năng tiếp cận, đọc hiểu luật. Đồng thời, cần sử dụng đội ngũ tư vấn viên pháp luật cho các khu vực thực sự cần hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chương trình.
Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu. Trong thời gian tới, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các Hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp cùng các chuyên gia để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, có giải pháp tham mưu cho cấp có thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, củng cố đội ngũ tư vấn viên của Chương trình một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, xứng đáng là một đội quân tinh nhuệ đáp ứng được yêu cầu về tư vấn pháp lý của doanh nghiệp.

Nguồn: Nguyễn Việt Hà 
Cổng TTĐT Phổ biến, giáo dục pháp luật Quốc gia

Xem thêm »