BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI VỀ CÁC VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ DU LỊCH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH QUẢNG NINH

14/08/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Quyết định số 1107/QĐ-585 ngày 14/5/2019 của Ban quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 về việc phê duyệt danh sách các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động năm 2019 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 585) và Quyết định số 1268/QĐ-585 ngày 05/6/2019 của Ban quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 về việc chọn Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tham gia thực hiện hoạt động tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tổ chức các buổi giới thiệu chuyên đề, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, nắm bắt các cam kết quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Quản lý Chương trình 585 - Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị Đối thoại về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành những quy định của pháp luật về du lịch đối với doanh nghiệp tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh. Hội nghị tổ chức vào ngày 13/8/2019 tại Khách sạn Grand Hạ Long, số 138 Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nội dung hội nghị tập trung vào các vấn đề sau:
+ Khó khăn, bất cập và đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật trong việc xác định chuyên ngành về lữ hành của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành khi thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
+ Công tác phối hợp với tổ chức xã hội – nghề nghiệp về du lịch trong việc thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch tại địa phương;
+ Những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý khi việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được chuyển từ bắt buộc (tiền kiểm) sang nguyên tắc cơ sở lưu trú du lịch tự nguyện đăng ký xếp hạng (hậu kiểm);
+ Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch (du lịch mạo hiểm) trên địa bàn;
+ Thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tour du lịch giá rẻ (tour du lịch 0 đồng);
+ Những khó khăn, bất cập và giải pháp nâng cao trong việc thẩm định, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch – giải pháp hoàn thiện;
+ Vướng mắc, bất cập trong quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch đối với loại hình condotel, resort villa – Đề xuất, kiến nghị;
+ Vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật về du lịch – Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về du lịch;
+ Khó khăn, bất cập trong quy định của pháp luật về điều kiện, trình tự, thủ tục cung cấp các dịch vụ/hoạt động bể bơi, phòng tập thể hình và fitness (phòng tập gym) tại các cơ sở lưu trú du lịch;
+ Những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch về điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã có sự trao đổi, thảo luận sôi nổi với các chuyên gia. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đã được chuyên gia giải đáp kịp thời, thỏa đáng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp nhiệt tình của Ban quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, góp phần thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng./.

 

Xem thêm »