Doanh nghiệp vừa và nhỏ không đồng ý với phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Doanh nghiệp vừa và nhỏ phải làm gì? Trình tự thực hiện như thế nào?

28/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Doanh nghiệp vừa và nhỏ không đồng ý với phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Doanh nghiệp vừa và nhỏ phải làm gì? Trình tự thực hiện như thế nào?

Trả lời:
Trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ không đồng ý với phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện:
1. Gửi ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản về việc không đồng ý với phương án bồi thường khi đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. (Điểm a khoản 3 Điều 85 Luật Đất đai 2024)
2. Khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền
Khoản 1 Điều 237 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “1. Người sử dụng đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.”
à Khi doanh nghiệp vừa và nhỏ không đồng ý với quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất thì có quyền khiếu nại về các quyết định hành chính này.
Trình tự, thủ tục khiếu nại về quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất được tuân theo quy định của Điều 7 Luật Khiếu nại 2011. Cụ thể như sau:
- Khi có căn cứ cho rằng quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất là trái pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể khiếu nại lần đầu đến người ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất.
- Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì doanh nghiệp vừa và nhỏ có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.
3. Khởi kiện ra Toà án
Khoản 1 Điều 237 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “1. Người sử dụng đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015: “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.” Theo đó, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất là các quyết định hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
à Từ các quy định này, doanh nghiệp vừa và nhỏ khi không đồng ý với quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất có thể khởi kiện các quyết định này theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ khởi kiện gồm các giấy tờ như sau: Đơn khởi kiện; Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện; Bản sao Quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường; Giấy uỷ quyền tham gia tố tụng (nếu có); Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính 2015. Theo đó, thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau:
- Đối với quyết định thu hồi đất do Ủy ban nhân dân huyện ban hành: Tòa án nhân dân tỉnh nơi có đất bị thu hồi sẽ là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết vụ án
- Đối với quyết định thu hồi đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao sẽ là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết vụ án.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu khởi kiện
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong 03 ngày kể từ ngày được phân công, thẩm phán tiến hành xem xét quyết định có thụ lý vụ án hay không.
- Thời hạn chuẩn bị xét xử cho các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
- Thẩm phán sẽ dựa trên các tài liệu, chứng cứ được các bên cung cấp hoặc tài liệu, chứng cứ tự mình thu thập được để đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án sơ thẩm tuyên án, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo để giải quyết vụ việc theo thủ tục phúc thẩm.

Xem thêm »