Tiêu đề: Công khai minh bạch thuế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển mô hình hoạt động lên doanh nghiệp
04/11/2017
Không phải ngẫu nhiên mà việc chuyển đổi hộ kinh doanh lại được đặt ra và nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng như hiện nay khi hộ kinh doanh là lực lượng tiềm năng mạnh mẽ để đạt được mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay 70% hộ kinh doanh cá thể đang có thỏa thuận về mức thuế khoán với cơ quan thuế do quy định về mức thuế khoán cố định. Mức thuế khoán hằng năm này được thực hiện theo sự khảo sát của cơ quan thuế, tham vấn ý kiến của hội đồng tư vấn thuế cấp xã, được lấy ý kiến người dân và công bố công khai để các hộ kinh doanh tự giám sát lẫn nhau. Nhưng do phần lớn hộ kinh doanh thường không có hóa đơn chứng từ mua bán, được tự kê khai đóng thuế cho nên thất thu thuế là khó tránh khỏi. Theo quy định, đối với hộ kinh doanh thì hiện có 3 khoản thuế và lệ phí phải nộp chủ yếu là: Lệ phí Môn bài, thuế GTGT, và Thuế thu nhập cá nhân. Vậy làm thế nào để công khai, minh bạch trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và khuyến khích họ chuyển đổi mô hình lên doanh nghiệp?
Câu hỏi 1: Vâng thưa Ông, Ông có đánh giá như thế nào về cách tính thuế đối với các hộ kinh doanh cá thể hiện nay ở nước ta?
Trả lời: Số thuế mà cá nhân hộ kinh doanh phải nộp sẽ bằng doanh thu khoán nhân với tỷ lệ phần trăm tính trên doanh thu. Hai chỉ số tình thuế khoán ở đấy đều mang tính chủ quan, ước tính mang tính tương đối, chứ không phải dựa trên doanh thu , hay con số thực. Do vậy có thể nói là cách tính thuế ở đây không đảm bảo tính khách quan, tính chính xác kết quả sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể. Và thủ tục kê khai nộp thuế của các hộ kinh doanh rất đơn giản, các hộ kinh doanh nộp thuế khoán, mức thuế khoán sẽ được ổn định hàng năm, và họ chỉ kê khai theo mức thuế quy định 1 lần, nộp thuế một lần và không phải quyết toán thuế, cho nên có thể nói các thủ tục thuế đối với hộ kinh doanh rất đơn giản.
Câu hỏi 2: Hiện nay có rất nhiều hộ kinh doanh có mức doanh thu lớn hơn doanh nghiệp rất nhiều, nhưng họ không muốn chuyển mô hình hoạt động theo Luật doanh nghiệp, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Trả lời: Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân quan trọng mà các hộ kinh doanh không muốn chuyển lên doanh nghiệp đó là khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh, họ có thể né thuế, trốn thuế. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nguyên nhân khác như: Các hộ kinh doanh khi chuyển lên doanh nghiệp thì họ phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính khi họ chuyển đổi, và kể cả ngay sau khi chuyển đổi họ phải thực hiện quá nhiều thủ tục hành chính như các thủ tục liên quan đến bảo hiểm, công đoàn, lao động hay phòng chống chữa cháy…. Tất cả các thủ tục đó phải thực hiện theo quy định của pháp luật, và đặc biệt với việc thực hiện các thủ tục này, chi phi của họ sẽ phát sinh nhiều hơn.
Câu hỏi 3: Vậy theo Ông cần có biện pháp quản lý hộ kinh doanh như thế nào để tạo sự công bằng giữa các hộ kinh doanh với nhau, và với những doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo Luật doanh nghiệp?
Trả lời: Thứ nhất chúng ta phải có quy định chặt chẽ về chế độ khoán thuế, làm sao cho sát thực tế để cho họ kinh doanh không lợi dụng là các hộ kinh doanh để trốn thuế. Giải pháp thứ 2 theo tôi là phải áp dụng khoán thuế điện tử đối với hộ kinh doanh, như họ phải kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt đối với hộ kinh doanh lớn phải sớm làm việc đó thì sẽ hạn chế được việc quản lý khoán thuế buông lỏng như hiện nay. Thứ 3 là cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích thỏa đáng để làm sao chuyển các hộ kinh doanh sang thành doanh nghiệp để làm ăn công bằng, bình đẳng cho tất cả các hộ kinh doanh khác, đồng thời cũng để cho quá trình quản lý thuế được minh bạch. Thứ 4 phải xử lý nghiêm các trường hợp có thỏa thuận, thương lượng về mức thuế khoán của hộ kinh doanh với cán bộ quản lý thuế./.