Tiêu đề: Khó khăn của doanh nghiệp trong kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm và đề xuất, kiến nghị sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP
Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay, việc kiểm tra chuyên ngành theo pháp luật về An toàn thực phẩm, điển hình là Nghị định 38/2012/NĐ-CP đang có nhiều bất cập, gây tốn kém chi phí và kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp. Sau 7 năm thực hiện, hàng loạt những bất cập khi thực hiện quy định này đã được chỉ ra, thời gian chờ đợi lâu, yêu cầu bổ sung nhiều lần, thông tin bổ sung không có trong luật, quy trình cấp giấy phức tạp... Vậy, thực trạng này phản ánh điều gì? Những bất cập trong Nghị định 38 năm 2012 đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thực phẩm, làm tăng gánh nặng cả về tài chính lẫn thời gian cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần phản ánh về thủ tục “Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm”, hay có quá nhiều thủ tục khi mà đã hậu kiểm chất lượng sản phẩm cuối cùng nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ cho từng loại nguyên liệu nhập khẩu…Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự thay đổi tích cực. Các chuyên gia cho rằng, để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, cần phải loại bỏ quy định này và sửa đổi một cách thực chất. Xung quanh vấn đề này, mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi giữa phóng viên với các khách mời của Chương trình Kinh doanh và pháp luật gồm Ông Phạm Thanh Bình – Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Phạm Thanh Bình đánh giá như thế nào về những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối diện trong kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm hiện nay?
Trả lời: Nhiều khó khăn, chỉ nói lại được một phần. Nào là hợp chuẩn, hợp quy, nào là kiểm nghiệm, nào là công bố lại, nào là kiểm tra từng lô hàng... Tất cả công đoạn đó đều tốn kém thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp.
- Hiện nay, có những quy định không chuẩn, cho nên dẫn đến tình trạng không minh bạch, không biết thế nào là đúng, không biết thế nào là đủ, cho nên doanh nghiệp lúng túng và không bao giờ thực hiện đúng được. Ví dụ, trang web của Cục An toàn thực phẩm có khoảng 10000 hồ sơ đang chờ, hầu như hồ sơ nào cũng đang phải chờ bổ sung...
- Doanh nghiệp phản ánh, để sản xuất một bánh socola, phải dùng 12 loại nguyên liệu và 12 loại này đều phải công bố an toàn thực phẩm, và đến khi thành phẩm thành bánh, cũng phải công bố... Tuy nhiên, điều đáng nói là, 13 lần công bố đó không diễn ra cùng một lúc, cho nên thời gian kéo dài nhiều tháng.
- Theo khảo sát mới nhất của chúng tôi gần đây cho thấy, để xin được một giấy chứng nhận phù hợp an toàn thực phẩm, trung bình DN sẽ mất thời gian khoảng 60 ngày, nếu tính một năm, DN phải chi phí hàng triệu ngày công... Trung bình, mỗi giấy chứng nhận ATTP, DN mất khoảng 10 triệu đồng, trong một năm đối với tất cả DN thì chi phí này lên tới 2750 tỷ đồng...
Phóng viên hỏi: Rõ ràng, như Ông vừa chia sẻ, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp là hiện hữu. Vậy thì, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là gì, theo Ông?
Trả lời: Thứ nhất, trong quy định pháp luật hiện hành, có những quy định gây khó khăn cho DN. Ví dụ, công bố phù hợp an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012/nĐ-CP quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm... Đây có lẽ là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến các khó khăn trên thực tế.
- Thứ hai, cũng xuất phát từ chính quy định pháp luật dẫn đến tình trạng độc quyền trong việc cấp các giấy chứng nhận này. Hiện nay tất cả các hàng nhập khẩu công bố tiêu chuẩn phù hợp ATTP của tất cả các hàng hóa XNK đều về một đơn vị duy nhất, đó là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tại phố Núi Trúc, Hà Nội. Với mức độ hồ sơ như tôi vừa nói thì chúng ta sẽ hình dung ra khối lượng công việc và thủ tục phức tạp như thế nào.
- Thứ ba, xuất phát từ cái tâm của người thực hiện, đó chính là vấn đề thực thi pháp luật. Hầu hết các hồ sơ đều phải bổ sung, bổ sung đi bổ sung lại rất nhiều lần, đến khi hết thời gian, có 15 ngày thì ngày 14 mới thông báo thiếu hồ sơ. Đến khi bổ sung xong rồi lại thiếu hồ sơ khác... Như vậy, một bên là quy định, một bên là tổ chức thực hiện đang gây khó cho các doanh nghiệp.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông, trước thực trạng những bất cập của Nghị định 38/2012/NĐ-CP đang gây khó cho các doanh nghiệp như hiện nay, Ông có đề xuất, kiến nghị sửa đổi gì?
Trả lời: Đề nghị bãi bỏ quy định “công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm”. Lý do: Luật ATTP không quy định nội dung này. Mặt khác, Báo cáo của CP gửi Đoàn giám sát HQ đánh giá quy định “công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm” là không phù hợp luật, không hiệu quả, thế giới không nước nào áp dụng cần sửa NĐ 38 về nội dung này. Vì không có chuẩn (QCVN) nên thủ tục không minh bạch, hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự giải thích của VFA, gây vô vàn khó khăn cho DN. Báo cáo số 37 nói trên cũng đánh giá “ngành Y tế đang chủ yếu dựa vào hồ sơ đăng ký để cấp giấy xác nhận công bố”, từ đó có kiến nghị cụ thể: Đề nghị bãi bỏ khoản 2 Điều 3 (Sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm); khoản 4, khoản 5 Điều 4 và các quy định về công bố, cấp giấy xác nhận hồ sơ công bố phù hợp tại các khoản khác của Điều 4; bãi bỏ Điều 6 (Hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bỏ cụm từ “hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại các Điều 7, Đièu 8 và tiết h khoản 2 Điều 20.
- Vấn đề kiểm tra từng lô hàng NK: Theo quy định hiện hành, từng lô hàng NK lại phải kiểm tra, trong đó, đối với sản phẩm động vật hoặc có chứa sản phẩm động vật còn chịu 2 loại kiểm tra là kiểm dịch thú y (Bộ NNPTNT quản lý) và kiểm tra ATTP (BYT). Quy định này quá phức tạp, quá mức cần thiết (Theo Báo cáo số 37/BC – CP nói trên thì tỷ lệ các lô hàng NK không đạt các chỉ tiêu ATTP như sau:: Do BYT kiểm tra chỉ 0,18%, do Bộ NNPTNT kiểm tra chỉ 0,83% đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật, 0,79% đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật), gây khó khăn, tốn kém chi phí cho DN.
Trong khi chưa sửa Luật ATTP, căn cứ yêu cầu của NQ 19 về áp dụng quản lý rủi ro, chế độ DN ưu tiên trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu, đề nghị bổ sung vào khoản 2 (Các trường hợp sau đây được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu) Điều 14 NĐ 38 nội dung sau:
g) Miễn kiểm tra đối với sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: đã công bố hợp quy, do người có lịch sử tuân thủ tốt pháp luật ATTP nhập khẩu, mặt hàng quen thuộc, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu không có các dấu hiệu, thông tin về rủi ro ATTP. Việc kiểm tra được thực hiện tại khâu lưu thông.
h) Miễn kiểm tra hoặc không kiểm tra tại khâu thông quan, thực hiên kiểm tra tại khâu lưu thông đối với sản phẩm, hàng hoá chế biến sâu, bao gói công nghiệp.
- Đề nghị quy định rõ nội hàm 3 phương thức kiểm tra, không để mỗi Bộ quy định mỗi khác như hiện nay. Đồng thời quy định điều kiện, thủ tục xét áp dụng phương thức kiểm tra giảm một cách đơn giản để nhiều mặt hàng đã được kiểm tra được áp dụng phương thức kiểm tra này (hiện nay thủ tục rất phức tạp, tỷ lệ mặt hàng được áp dụng vô cùng nhỏ, thời gian được áp dụng quá ngắn).
- Vấn đề quản lý, kiểm tra chồng chéo: Hiện nay, phần lớn các sản phẩm thực phẩm chịu sự quản lý của nhiều hơn 1 Bộ (nhất là kiểm tra ATTP của BYT và kiểm dịch thú y của BNNPTNT), Đề nghị quy định một mặt hàng vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra ATTP thì giao cho cơ quan kiểm dịch thực hiện. Giao cho cơ quan kiểm dịch sẽ là hợp lý, bởi, cùng với Hải quan và Biên phòng, cơ quan này luôn luôn trực tiếp tại cửa khẩu (hiện Bộ NNPTNT đã giao cho cơ quan kiểm dịch thực hiện cả kiểm dịch và ATTP)…
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Nguyễn Hoài Nam, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thủy sản đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Vậy, dưới góc độ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Ông có kiến nghị, đề xuất gì?
Trả lời: Trong suốt 2 năm qua, từ năm 2015-2017, nội dung quy định pháp luật mà các DN thành viên chúng tôi gặp vướng mắc nhiều nhất chính là Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.
- Sau hơn một năm kiến nghị với nhiều văn bản gửi tới Bộ Y tế, Chính phủ đã tháo gỡ được một phần vướng mắc cho cộng đồng DN tại Nghị quyết số 103-2016/NQ-CP về miễn kiểm tra ATTP, công bố hợp quy & công bố phù hợp quy định ATTP đối với nguyên-phụ liệu, phụ gia, gia vị, bao bì... nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu. Ngoài ra, Nghị quyết 103-2016/NQ-CP cũng đã mở ra cơ hội và hy vọng cho toàn ngành thực phẩm: đó là trong Quý 1/2017, Bộ Y tế phải chủ trì sửa đổi Nghị định 38/2012.
- Tuy nhiên, tại Nghị định 38 vẫn còn đó những nội dung vướng mắc, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, gây ra nhiều khó khăn, bất cập cho các DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thủ tục cấp Giấy Tiếp nhận công bố hợp quy và Giấy Xác nhận Phù hợp quy định ATTP, trong đó có những quy định trái với Luật ATTP và Luật Tiêu chuẩn & Quy chuẩn Kỹ thuật. Vì vậy, với tư cách là một thành viên của Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng như là thành viên được Bộ Tư Pháp mời tham gia họp tư vấn, thẩm định cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 38, Hiệp hội VASEP xin góp ý và kiến nghị như sau:
+ Bãi bỏ quy định cấp Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và chuyển sang hình thức chứng nhận hợp chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật tại các tổ chức được chỉ định bởi các cơ quan có thẩm quyền.
+ Trong khi chưa sửa được Luật ATTP, dựa trên quan điểm quản lý rủi ro trong NQ 19/2017, đề nghị: Bỏ thực hiện công bố hợp quy với các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn đối với tất cả những nước mà hiện tại Việt Nam đã ký kết FTA và/hoặc đã có những sự công nhận các giấy Chứng nhận (Kiểm Dịch Thực Vật (Phytosanitary Certificate) hoặc Chứng thư ATTP (Health Certificate)). Ít nhất, chúng ta nên áp dụng cho các nước có mức độ ATTP rất cao như EU, Mỹ, Úc, New Zealand, Canada và Nhật Bản…vv
Phóng viên hỏi: Thưa Bà Nguyễn Minh Thảo, thực tế cho thấy, những bất cập của Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã làm tăng chi phí và tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Vậy, theo quan sát của Bà, thời điểm này đã có sự chuyển biến tích cực chưa?
Trả lời: Chúng ta thấy, quy định về việc công bố phù hợp tiêu chuẩn ATTP theo Nghị định 38 đang gây khó cho DN. Quy định này không có ý nghĩa nhiều cho việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho NTD. Bởi vì, mẫu mà DN gửi tới để làm công bố nộp cho Cục An toàn thực phẩm hoàn toàn chỉ trên giấy tờ còn mẫu là DN tự gửi tới tổ chức đánh giá thuộc tổ chức kiểm nghiệm chứ không phải là Cục ATTP. Cục ATTP chỉ đơn thuần xem lại hồ sơ và cấp Giấy xác nhận phù hợp ATTP.
- DN phản ánh rất nhiều lần, tại rất nhiều diễn đàn, với nhiều hình thức, thậm chí là trực tiếp với các cơ quan quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, bản Dự thảo Nghị định sửa đổi thì gần như không tiếp thu bất kỳ ý kiến nào từ phía cộng đồng doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia đánh giá. Lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ ràng Bộ Y tế trong việc phải sửa đổi quy định này, trong đó loại bỏ quy định về xác nhận phù hợp ATTP, tuy nhiên, bản Dự thảo trình sang lấy ý kiến vẫn chưa được sửa đổi...
Phóng viên hỏi: Vậy, để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm trong xuất nhập khẩu, Bà có đề xuất, kiến nghị gì?
Trả lời: Thứ nhất, việc chưa công nhận kết quả kiểm nghiệm của các quốc gia khác, với chất lượng sản phẩm cao, đã được kiểm tra tại nguồn…Cần phải sửa từ cao, tức là sửa từ Luật An toàn thực phẩm. Thứ hai, hiện nay, đã các tổ chức kiểm nghiệm rồi thì chúng ta nên trao quyền cho các tổ chức này để khi DN có kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu sẽ được thông quan, thay vì phải trải qua thêm một bước như hiện nay.
- Nếu làm được như vậy, chúng ta mới cắt giảm được thời gian thông quan hàng hóa và cắt giảm được tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo như yêu cầu của Chính phủ là giảm từ 30 – 35% xuống còn 15%. Và nếu chúng ta không thực hiện bỏ quy định về an toàn thực phẩm chắc chắn rằng mục tiêu mà Chính phủ giao sẽ không đạt được...vv