1.Quy định gia nhập Đoàn luật sư và thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư.
Đoàn luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Liên đoàn luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư được thành lập để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư, giám sát việc tuân theo pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, thực hiện quản lý hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật về luật sư. Tại khoản 1 Điều 20 Luật Luật sư năm 2012, quy định:
“1. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền lựa chọn gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư.
Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở.”
Nghiên cứu nội dung quy định này, người viết thấy rằng, nếu chỉ dừng lại nội dung quy định người đã gia nhập Đoàn luật sư được thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở là chưa đầy đủ, dễ gây hiểu nhầm. Bởi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Luật sư năm 2012: “Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này;”. Nghĩa là, để thành lập tham gia thành lập văn phòng luật sư; công ty Luật hợp danh; công ty luật trách nhiệm hữu hạn, thì luật sư đó có ít nhất đủ 02 năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư nào đó hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức nào đó. Như vậy, nếu việc gia nhập Đoàn luật sư là điều kiện cần, thì thời hạn ít nhất đủ 02 năm hợp đồng lao động như vừa đề cập là điều kiện đủ để luật sư đăng ký thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư. Do vậy, để bảo đảm chặt chẽ và đầy đủ, tác giả đề xuất nên bổ sung thêm quy định có tính dẫn chiếu đến điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Luật sư năm 2012. Theo đó, khoản 1 Điều 20 Luật Luật sư hiện hành sau khi được sửa đổi, bổ sung, có thể được viết lại như sau:
“1. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền lựa chọn gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư.
Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở, nếu thỏa mãn quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 của Luật này.”
Mặt khác, theo quy định đã nêu tại khoản 1 Điều 20 Luật Luật sư năm 2012, khi đã gia nhập Đoàn luật sư tại địa phương nào, thì Luật sư thành viên chỉ phép được đăng ký thành lập tổ chức hành nghề luật sư ở tại địa phương nơi đặt trụ sở của Đoàn luật sư mà mình gia nhập. Quy định này theo người viết đã tạo ra rào cản không cần thiết trong công tác quản lý nói chung. Tác giả xin nêu thực trạng đang tồn tại để minh chứng cho nhận định này: Luật sư A là thành viên Đoàn luật sư TP. HCM, muốn mở Chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh C để hoạt động, theo quy định hiện hành, trước đó, Luật sư A phải thành lập tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư hoặc côn ty luật) có trụ sở đặt tại TP.HCM. Vấn đề ở đây, có thể vì nhiều lý do khác nhau, Luật sư A không muốn phải rời khỏi Đoàn luật sư TP.HCM chuyển đến gia nhập Đoàn luật sư tỉnh C, nên điều bắt buộc Luật sư A phải làm là thành lập tổ chức hành nghề luật sư, có trụ sở đặt tại địa bàn nơi Đoàn luật sư TP.HCM có trụ sở - Đây là điều kiện cần và đủ để Luật sư A xúc tiến thủ tục đề nghị cấp Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh. Việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại địa bàn nơi có trụ sở Đoàn luật sư TP.HCM chẳng qua là thủ tục bắt buộc theo quy định, sự tồn tại của tổ chức hành nghề luật sư mà Luật sư A thành lập là hình thức, cái chính mà Luật sư A cần là sự hoạt động hợp pháp của Chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh C, mà không phải chuyển về Đoàn luật sư tỉnh C.
Câu hỏi được đặt ra, tại sao Luật không quy định cho phép Luật sư A là thành viên của Đoàn luật sư TP.HCM được đăng ký thành lập Văn phòng luật sư tại tỉnh C nói riêng, trong phạm vi cả nước nói chung? Vì sao lại quy định có tính chất bó hẹp chỉ trong phạm vi địa hạt nơi có trụ sở của Đoàn luật sư mà Luật sư A là thành viên? Thiết nghĩ, việc bắt buộc tổ chức hành nghề luật sư chỉ có thể được thành lập trên địa bàn có trụ sở của Đoàn luật sư mà Luật sư thành lập tổ chức hành nghề luật sư là thành viên là không cần thiết, dường như quy định này được đặt ra chỉ để quản lý về số lượng tổ chức hành nghề luật sư do thành viên của Đoàn luật sư mình quản lý nhiều hay ít, mà không chỉ ra được tính tất yếu, cần thiết cho nhiệm vụ quản lý, điều này, trong chừng mực nào đó đã gây trở ngại cho hoạt động hành nghề luật sư. Bởi trong điều kiện công nghệ thông tin hiện đại và đa dạng như hiện nay, việc nắm bắt tình hình, hiệu quả hoạt động của đội ngũ luật sư thành viên thuộc Đoàn luật sư mình quản lý, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có thể thực hiện rất dễ dàng mà không gặp bất kỳ khó khăn hay trở ngại nào. Thông qua công tác phối hợp với Đoàn luật sư nơi Luật sư thành viên của mình thành lập tổ chức hành nghề luật sư; Chi nhánh, Văn phòng đại diện của tổ chức hành nghề luật sư vẫn có thể đánh giá được chất lượng đội ngũ luật sư thành viên của mình; vẫn giám sát được mọi hoạt động của của Luật sư thành viên trong việc chấp hành quy định của pháp luật, tuân thủ Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Mặt khác, theo quy định hiện hành, trên phạm vi địa hạt hành chính cấp tỉnh hiện nay, việc quản lý hành nghề luật sư của các tổ chức hành nghề luật sư do nhiều Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia quản lý thông qua công tác phối hợp với nhau. Tuy nhiên, ngành chức năng chưa có tổng kết đánh giá về hiệu quả tác động lên đối tượng điều chỉnh của quy định bắt buộc tổ chức hành nghề luật sư chỉ được đăng ký hoạt động trong phạm vi địa bàn nơi đặt trụ sở của Đoàn luật sư mà luật sư đăng ký thành lập tổ chức hành nghề luật sư là thành viên. Nhìn lại trường hợp ví dụ trên, rõ ràng đây là sự bất tiện, tốn kém nhiều thời gian, chi phí không thật sự cần thiết, rườm rà về thủ tục, nhất là thủ tục về kê khai thuế, khắc và quản lý con dấu, mà theo đó, phải tiến hành các thủ tục này cho cả Văn phòng luật sư và Chi nhánh của Văn phòng luật sư mà Luật sư A đã thành lập, trong khi đó, chỉ đơn phương có Chi nhánh Văn phòng luật sư tại tỉnh C hoạt động trên thực tế.
2. Theo quy định tại Điều Điều 61 Luật Luật sư năm 2012, Đoàn luật sư có những nhiệm vụ, quyền hạn, như sau:
“1. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề.
2. Thực hiện rà soát, đánh giá hàng năm chất lượng đội ngũ luật sư; giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát luật sư là thành viên, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương trong việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; xử lý kỷ luật đối với luật sư.
3. Giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư; yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.
4. Cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và giám sát người tập sự hành nghề luật sư; lập danh sách những người đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam.
5. Nhận hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và gửi Sở Tư pháp; đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.
6. Tổ chức đăng ký việc gia nhập Đoàn luật sư, tổ chức việc chuyển, tiếp nhận luật sư; đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư.
7. Thực hiện bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề luật sư.
8. Giám sát việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư.
9. Hòa giải tranh chấp giữa người tập sự hành nghề luật sư, luật sư với tổ chức hành nghề luật sư; giữa khách hàng với tổ chức hành nghề luật sư và luật sư.
10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
11. Tổng kết, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư.
12. Tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư.
13. Quy định về mức phí gia nhập Đoàn luật sư, phí tập sự hành nghề luật sư trên cơ sở khung phí do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành.
14. Báo cáo Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đề án tổ chức đại hội, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật.
15. Thực hiện nghị quyết, quyết định, quy định của Liên đoàn luật sư Việt Nam.
16. Tổ chức để các luật sư tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện trợ giúp pháp lý.
17. Báo cáo Liên đoàn luật sư Việt Nam về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, kết quả Đại hội; gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam nghị quyết, quyết định, nội quy, quy định của Đoàn luật sư theo quy định của Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam hoặc khi được yêu cầu.
18. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức và hoạt động, kết quả Đại hội; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu; gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực Thuộc trung ương nghị quyết, quyết định, quy định của Đoàn luật sư.
19. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam.”
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp sai phạm thuộc về đạo đức hành nghề luật sư đến mức rất nghiêm trọng và kéo dài của tổ chức hành nghề luật sư thuộc quyền quản lý của Đoàn luật sư tại địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Luật sư, nhưng Đoàn luật sư đó không hề hay biết, chỉ khi sự việc ầm ĩ lên, đơn thư tố cáo, khiếu nại từ Ban Tiếp công dân của UBND; Công an; Viện kiểm sát nhân dân; Hội Luật gia chuyển đến hoặc thông qua phản ánh của báo chí,…thì Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư đó mới biết! Điều đó cho thấy, giữa quy định của pháp luật hành nghề luật sư với thực tiễn công tác quản lý hiện nay của các Đoàn luật sư ở địa phương đối với tổ chức hành nghề luật sư thuộc phạm vi giám sát trực tiếp của mình, không ít nơi còn có “khoảng trống”, mà theo tác giả cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Theo quy định, Đoàn luật sư không có quyền kiểm tra mà chỉ có quyền giám sát, phối hợp giám sát hoạt động nói chung của tổ chức hành nghề luật sư; Chi nhánh, Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn Đoàn luật sư đặt trụ sở.
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Luật sư năm 2012: Giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sáthoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư; yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.
Theo Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học Hà Nội - Đà Nẵng, 2005, tr.389:“Giám sát là theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định không”.
Giám sát có hai hình thức là giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp.
+Giám sát trực tiếp là hình thức giám sát có sự gặp gỡ trực tiếp giữa chủ thể giám sát và đối tượng giám sát. Giám sát trực tiếp thông qua các kỳ họp; theo dõi, nắm tình hình hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh, Văn phòng giao dịch và thông qua đối thoại, gặp gỡ trao đổi,… Trực tiếp đến các tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh, Văn phòng giao dịch chỉ đạo thực hiện một vấn đề nào đó.
+Giám sát gián tiếp là hình thức giám sát không có sự gặp gỡ trực tiếp giữa chủ thể giám sát với đối tượng giám sát. Giám sát gián tiếp chủ yếu thông qua nghiên cứu các báo cáo, văn bản và phản ảnh của các Đoàn luật sư ở địa phương khác, luật sư nói chung; công dân, cơ quan báo chí đối với Đoàn luật sư mình; qua trao đổi bằng điện thoại, phương tiện truyền thông khác giữa chủ thể giám sát với đối tượng giám sát..
Có thể khẳng định, giám sát là hoạt động không thể thiếu trong hoạt động quản lý, điều hành, diễn ra trong tất cả các khâu của quy trình, vì vậy, thực hiện tốt việc giám sát sẽ góp phần ngăn ngừa các nguy cơ dẫn đến sai phạm, khuyết điểm. Từ đó, góp phần đề cao tính thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Luật sư hiện hành, hiện có các cách hiểu khác nhau.
+Cách hiểu thứ nhất: Để thực hiện chức năng giám sát, Đoàn luật sư phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh, Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn có trụ sở Đoàn luật sư của mình. Ví dụ: Đoàn luật sư tỉnh C phối hợp với Đoàn luật sư ở các tỉnh khác, giám sát hoạt động hành nghề của các tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh, Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư bao gồm cả tổ chức hành nghề luật sư được đăng ký thành lập bởi Luật sư thành viên thuộc Đoàn luật sư mình quản lý và cả các tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh, Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư được đăng ký thành lập do Luật sư thành viên của Đoàn luật sư tỉnh khác, đang hoạt động hành nghề trên địa bàn tỉnh C. Tuy nhiên, cách hiểu này không phù hợp, bởi theo quy định Luật Luật sư hiện hành, tổ chức hành nghề luật sư chỉ được đăng ký thành lập trong phạm vi địa hạt mà Luật sư thành viên của Đoàn luật sư đó có trụ sở. Do vậy, trong thực tế rất khó xảy ra trường hợp Đoàn luật sư của địa phương này giám sát hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư thuộc quyền giám sát của Đoàn luật sư ở địa phương khác, mà Luật sư đăng ký thành lập tổ chức hành nghề luật sư đó không là thành viên của Đoàn luật sư mình. Có chăng sự phối hợp giám sát chỉ đối với Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư thuộc sự giám sát của Đoàn luật sư ở địa phương khác đang hoạt động trên địa bàn mình quản lý của Đoàn luật sư mình mà thôi.
+Cách hiểu thứ hai: Thông qua công tác phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác, Đoàn luật sư có Luật sư thành viên thành lập các tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư, tiến hành hoạt động giám sát hoạt động hành nghề của các tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư đó. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 42 Luật Luật sư năm 2012, Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư được thành lập trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Như vậy, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư khi cùng với Đoàn luật sư ở địa phương khác tiến hành giám sát hoạt động hành nghề của Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư là mâu thuẩn. Chẳng hạn, Văn phòng giao dịch của Văn phòng luật sư A đặt tại địa chỉ X thuộc tỉnh C, chắc chắn rằng Văn phòng luật sư A phải có trụ sở trên địa bàn tỉnh C, và đương nhiên, Văn phòng luật sư A được đăng ký thành lập bởi luật sư thành viên của Đoàn luật sư tỉnh C. Như vậy, trong trường hợp này, công tác giám sát hoạt động của Văn phòng luật sư A và Văn phòng giao dịch của Văn phòng luật sư A phải thuộc về Đoàn luật sư tỉnh C, chứ không thể nào Đoàn luật sư tỉnh C phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác để giám sát… như quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Luật sư năm 2012.
+Cách hiểu thứ ba: Bằng biện pháp giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp và thông qua công tác phối hợp với các Đoàn luật sư ở các địa phương khác, Đoàn luật sư tại địa bàn nơi có tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh, Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư đang hoạt động, nắm tình hình hoạt động hành nghề của những tổ chức này, từ đó, có biện pháp xử lý vi phạm pháp luật được kịp thời theo thẩm quyền. Tuy nhiên, để nội hàm của quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Luật sư năm 2012 được dễ hiểu hơn khi tiếp cận và không mâu thuẫn với những quy định khác trong Luật này, theo quan điểm của tác giả cần sắp xếp lại trật tự các từ, cụm từ trong quy định trên cho hợp lý hơn. Mà theo đó, khoản 3 Điều này có thể viết lại như sau: “3. Giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát hoạt động Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.”. Quy định như vậy, vừa phù hợp với khoản 1 Điều 41 và khoản 2 Điều 48 Luật Luật sư năm 2012, tổ chức hành nghề luật sư phải chịu mọi trách nhiệm về Chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư do tổ chức hành nghề luật sư thành lập.
3. Quy định về con dấu của Chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư
Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Luật sư năm 2012: “Văn phòng luật sư có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật.”. Khoản 5 Điều 8 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư (viết tắt Nghị định 123/2013/NĐ-CP), quy định: “Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư được khắc và sử dụng con dấu của mình theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.”
Tuy nhiên, với Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, Luật Luật sư hiện hành không quy định về con dấu của Chi nhánh. Nhưng tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 123/2013/NĐ-CP có quy định:“Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư được khắc và sử dụng con dấu của mình theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.”. Quy định này là bắt buộc, nhưng theo tác giả quy định này là không phù hợp, vì: Một trong những căn cứ chủ yếu ban hành Nghị định 123/2013/NĐ-CP là Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012, mà Luật Luật sư năm 2012 lại không có điều khoản nào quy định Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư phải sử dụng con dấu. Về bản chất, Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư là đơn vị phụ thuộc của tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động theo sự ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sưphù hợp với lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động. Tổ chức hành nghề luật sư phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Chi nhánh do mình thành lập.
Việc Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định bắt buộc Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư phải có con dấu riêng phải chăng đã bộc lộ sự mâu thuẫn quy định về cùng một vấn đề giữa Điều 8 với Điều 10 của Nghị định này. Bởi theo Điều 8, tổ chức hành nghề luật sư được khắc và sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, bên cạnh đó, theo Điều 10, Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư cũng được khắc và sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Xem xét ngữ cảnh này, có thể hiểu tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Luật sư năm 2012 với Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 41 Luật Luật sư năm 2012 là tương đương nhau. Nghĩa là, Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sưcũng là tổ chức hành nghề luật sư. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 32 Luật Luật sư năm 2012, Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư không phải là tổ chức hành nghề luật sư.
Mặt khác, tham khảo quy định về con dấu của doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 33 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Liên hệ với những bất cập vừa nêu, theo tác giả, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu tháo gỡ quy định có tính bắt buộc nhưng không cần thiết về Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư về việc quyết định lựa chọn số lượng con dấu của Chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư mà mình đăng ký thành lập. Bởi trên thực tế, không ít Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư cũng phải đăng ký việc khắc con dấu, sử dụng con dấu với cơ quan công an có thẩm quyền, cũng đăng ký mã số thuế,…, nhưng hầu như không sử dụng đến con dấu của Chi nhánh, nhất là trong điều kiện Ngân hàng nhà nước quy định chỉ cung cấp tài khoản phục vụ thanh toán cho tổ chức là pháp nhân (Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016 của Ngân hành nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hành nhà nước Việt Nam, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán). Mà theo đó, văn phòng luật sư không là tổ chức có tư cách pháp nhân, tuy theo quy định Luật Luật sư năm 2012, văn phòng luật sư được coi là doanh nghiệp tư nhân. Sự bất cập này xuất phát từ quy định về pháp nhân tại Điều 74 BLDS năm 2015, đối chiếu với các điều kiện cần và đủ quy định về pháp nhân, Văn phòng luật sư hoàn toàn không thỏa mãn các điều kiện để được công nhận là pháp nhân. Do vậy, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư số 32/2016/TT-NHNN, ngân hàng và các tổ chức tín dụng không mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân và ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán (đóng tài khoản) sau 12 tháng, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (01/3/2017), nếu các tổ chức đó, trước đây có mở tài khoản thanh toán nhưng không hoàn thành việc chuyển đổi.
Từ những vướng mắc đó cho thấy, chỉ với việc hoàn tất các thủ tục để kê khai thuế và nộp thuế thông qua hệ thống mạng hiện nay đã rất khó khăn cho các đối tượng là văn phòng luật sư (thuế, kho bạc yêu cầu phải mở tài khoản của tổ chức; ngân hàng và các tổ chức tín dụng không cung cấp dịch vụ thanh toán cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân). Đó là chưa kể đến trường hợp Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư cũng phải thực hiện đúng các quy trình bắt buộc về khai báo thuế và nộp thuế qua mạng, như một văn phòng luật sư, rõ ràng quá rườm rà về thủ tục, nhưng lại không cần thiết. Trong điều kiện hiện nay, rất nhiều tổ chức hành nghề luật sư không ủy quyền cho Chi nhánh của mình việc giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng (do Văn phòng luật sư không có tài khoản của tổ chức); không phát sinh nghĩa vụ về thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế quản lý (do là đơn vị phụ thuộc về hạch toán), thì việc bắt buộc Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư phải khắc con dấu riêng và quản lý con dấu của Chi nhánh theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 123/2013/NĐ-CP là không còn phù hợp nữa, cũng như buộc Chi nhánh phải đăng ký chữ ký số là hết sức phi lý, vì Chi nhánh của văn phòng luật sư hàng năm chỉ nộp một loại thuế duy nhất vào tháng 01, đó là thuế môn bài và cũng không phải thực hiện việc báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn hàng quý theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ.
Mới đây, Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ, Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mà theo đó, “bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng” là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, là một trong những nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW. Đồng thời, Chính phủ giao các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.