Tiêu đề: Đánh giá nguyên nhân và thách thức của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, giải pháp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng của Chính phủ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Ngành nông nghiệp xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt là gói hỗ trợ tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Theo đó, khách hàng vay vốn gói tín dụng này được hưởng lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên tính đến thời điểm này mới giải ngân được 32.339 tỷ đồng dư nợ cho vay làm nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, trong đó 86% vay đầu tư làm 28 dự án nông nghiệp công nghệ cao. Vậy đâu là những khó khăn vướng mắc khi đầu tư vào lĩnh vực này? Chia sẻ của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN&PTNT ngay sau đây sẽ có câu trả lời cho quý vị khán giả.
Trước hết cám ơn Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay.
Câu hỏi 1: Vâng thưa Ông, Chính phủ đã lựa chọn và quyết tâm phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và cũng có nhiều chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này. Tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn đang gặp những khó khăn nhất định. Theo Ông đó là những khó khăn gì?
Trả lời: Theo số liệu hiện có đến nay, gói 100 nghìn tỷ đã giải ngân được trên 30 nghìn tỷ cho khoảng 28 dự án. Các doanh nghiệp hiện nay đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao họ có một số băn khoăn khó khăn của họ khi tiếp cận hỗ trợ của nhà nước. Ví dụ câu chuyện nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ hiện đại áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, làm thế nào để có chính sách ưu đãi cho họ, bởi trong nước không sản xuất được. Thứ 2 các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao họ cũng khó khăn với những xuất phát điểm ban đầu, về vốn về tiếp cận công nghệ, về nguồn nhân lực, hay không có đầu ra. Thứ 3 chắc là phải tạo ra một thị trường công nghệ năng động hơn cái chúng ta đang có bây giờ. Phải có cầu, có cung, có bảo vệ bản quyền. Phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, Nhà nước và doanh nghiệp. Và khi ra sản phẩm mới phải có chế tài bảo vệ bản quyền cho họ, chứ nếu vừa đưa ra đã có hàng nhái thì doanh nghiệp cũng không dám đầu tư.
Câu hỏi 2: Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chắc chắn chúng ta cần sự tư vấn từ ngành nông nghiệp phát triển của các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Vậy cần có giải pháp gì để thu hút được nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này?
Trả lời: Chúng ta còn rất nhiều tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp cho các doanh nghiệp FDI như khâu bảo quản, chế biến và kết nối thị trường. Nếu trong hiệp định tự do thương mại thời gian tới, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp FDI như tạo điều kiện cho họ có thể thu mua trực tiếp, có thể làm hợp động trực tiếp với người dân, để có xây dựng vùng nguyên liệu, họ làm chế biến, họ sẽ đưa sản phẩm nông sản Việt nam ra thị trường toàn cầu, thì đó là việc tôi nghĩ quan trọng. Ngoài ra còn một số điểm phải xem, phải cân đối lại công bằng đối xử giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, ví dụ như về thuế, đăng ký, ví dụ chuyện nhập khẩu máy móc thiết bị, đó là những việc chúng ta cần xem xét để thhu hút các doanh nghiệp FDI.
Câu hỏi 3: Vậy ông có đánh giá gì về tiềm năng phát triển Ngành nông nghiệp của nước ta?
Trả lời: Trong thời gian tới, với chủ trương đúng đắn, với hội nhập quốc tế mạnh mẽ, và sự vào cuộc của các cấp các ngành thì nông nghiệp Việt nam hoàn toàn có thể lên một đẳng cấp mới. Tức là thứ nhất, không chỉ là sản xuất dưới ruộng, mà thành ngành kinh doanh công nghiệp cả về bảo quản, cả về chế biến và chuỗi phân phối. Thứ 2 phải ghi tên thương hiệu của mình trên toàn cầu. và để làm được việc đó chúng ta cần phải quan tâm đặc biệt đến 3 việc. Việc thứ nhất là phải kéo doanh nghiệp vào, làm đầu tầu cho chuỗi giá trị. Thứ 2 là khâu bảo quản chế biến. Và khâu thứ 3 là khâu tiếp thị, xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi phân phối. Và cái này cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa cả khu vực công và khu vực tư.
Cám ơn những chia sẻ vừa rồi của Ông và một lần nữa cám ơn Ông đã tham gia chương trình.