Tiêu đề: Đánh giá nỗ lực cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công thương

08/11/2017

Ngày 20/9/2017 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610ª  năm 2017 ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018. Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. 675 là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngoài ra Bộ công thương cũng đã xóa bỏ 420/720 mã Hồ sơ phải kiểm tra trước thông quan. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, và là tiền đề để các Bộ ngành khác quyết tâm thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh. Để hiểu hơn về những tác động của điều kiện kinh doanh đến hoạt động của doanh nghiệp, chương trình Kinh doanh và pháp luật có cuộc trao đổi với TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, CIEM.
Câu hỏi 1:Vâng thưa Ông, hiện tại có rất nhiều điều kiện kinh doanh được đưa ra với những cụm từ mang tính chất định tính như:  Đầy đủ, Thông thoáng, Sức khỏe tốt…Các cụm từ này tạo cho người thực thi công vụ những quyền lực rất lớn và đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.  Ông Phan Đức Hiếu có bình luận như thế nào về vấn đề này?
Trả lời: Điều kiện kinh doanh là thể hiện rõ nhất cái đặc trưng là không rõ ràng, cụ thể. Và cái này đẩy doanh nghiệp vào một cái rất rủi ro. Có nghĩa là ngay cả khi doanh nghiệp cố tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh thì họ cũng không biết những điều họ đang thực sự làm như vậy đã tuân thủ đúng hay chưa. Và như vây vô hình chung đẩy doanh nghiệp vào thế rất rủi ro trong hoạt động kinh doanh, và đâyc húng ta hay gọi là rủi ro pháp lý. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ không an tâm nên họ sẽ khó đầu tư lâu dài, đầu tư bài bản vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Và quan trọng hơn là ngay chính những cái chữ này cũng hạn chế những sáng tạo của doanh nghiệp.
 
Câu hỏi 2: Qua nghiên cứu 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương vừa đề xuất loại bỏ.  Theo Ông  đánh giá, việc làm này đã đi vào thực chất vấn đề hay chưa thưa Ông?
Trả lời: Phải nói rằng đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Lần đầu tiên trong lịch sử có một bộ chủ động cắt giảm điều kiện kinh doanh của chính mình. Đấy là tín hiệu đáng mừng nhất, nhưng quay lại có 2 vấn đề đáng bàn thêm là kể từ năm 2003 đến nay chúng ta gần như chưa có một đợt rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh nào. Ngay cả việc chúng ta rà soát năm 2015, chủ yếu là việc rà soát về mặt thẩm quyền, có nghĩa là đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo đúng thẩm quyền, chứ chưa rà soát về mặt nội dung. Như vậy theo như theo dõi của tôi thì những điều kiện đầu tư kinh doanh cũng đã lạc hậu cỡ chừng từ 10 -15 năm. Thứ 2 tôi cho rằng cắt giảm của Bộ công thương, cũng như sắp tới sẽ có một số bộ khác cắt giảm, nhưng đó là những cắt giảm rất cơ học. Cắt giảm những điều kiện dễ bỏ nhất. Ví dụ như một số điều kiện thiếu rõ ràng, một số điều kiện đâu đó trùng lặp với điều kiện khác. Nhưng cái quan trọng nhất của việc cải cách điều kiện kinh doanh không phải như vậy. Mà quan trọng nhất để cải cách triệt để những điều kiện kinh doanh không cần thiết thì tôi cho rằng các Bộ cần tập trung nghiên cứu để thay đổi tư duy và cách thức quản lý. Tức là quản lý đầu ra, quản lý theo hường thúc đẩy tức là giám sát của người tiêu dùng và xã hội , chứ không phải Nhà nước là vai trò duy nhất. Tôi cho rằng sau đợt Bộ công thương cắt giảm này thì các Bộ khác cũng nên có sự đầu tư công sức để thay đổi cả hệ thống về điều kiện kinh doanh chứ không phải cách làm như hiện nay.
 
Câu hỏi 3: Thưa Ông, các doanh nghiệp vẫn lo lắng vì trước đây, cứ cắt giảm một ĐKKD, thì ở nơi khác hoặc quy định khác lại "mọc thêm" cài cắm thêm ĐKKD tương tự. Tức là doanh nghiệp vẫn phải trải qua những thủ tục như cũ. . Vậy Ông có bình luận gì về tình trạng này?
Trả lời: Hiện nay chúng ta đang cải cách để cắt bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp. Nhưng hoàn toàn nó có thể quay trở lại. Mà không phải khả năng mà thực tế đã chứng mình. Ví dụ như đợt bãi bỏ giấy phép kinh doanh năm 2003, thì ngay sau đó, và đến nay rất nhiều điều kiện kinh doanh được bãi bỏ khi đó hiện nay đã quay trở lại. Nên tôi hiện nay lo lắng cơ chế nào để kiểm soát, ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, thì cái điều đó rất quan trọng. Nếu như chúng ta không có một cơ chế hiệu quả kiểm soát về việc ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh thì sau đợt bãi bỏ đợt này, chúng ta sẽ lại tiếp tục phải bãi bỏ đợt tiếp theo.