Kết luận của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu - Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025

Trên cơ sở Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2022 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 47/QĐ-BTP ngày 17/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) tại mục 1.3 về tổ chức hội nghị, diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhóm hoạt động cung cấp thông tin pháp lý và tại các Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ. Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (Chương trình HTPLLN) đã phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Thường trực Tổ soạn thảo xây dựng: (1) dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu qủa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”; (2) xây dựng dự thảo Kế hoạch Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022.

     Ngày 04/7/2022, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu - Trưởng Ban Quản lý Chương trình HTPLLN đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Chương trình và Văn phòng Chương trình về việc hoàn thiện dự thảo Đề án và dự thảo Kế hoạch Diễn đàn. Tham dự buổi làm việc có các Phó Trưởng Ban Quản lý: Đ/c Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Đ/c Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và các đồng chí Thành viên Ban Quản lý (Đ/c Lê Tuấn Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ; Đ/c Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Đ/c Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; Đ/c Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Đ/c Nguyễn Đức Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và Đ/c Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình HTPLLN); Kế toán trưởng Chương trình HTPLLN và các Thành viên Văn phòng Chương trình HTPLLN.
Sau khi nghe báo cáo của Đ/c Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình HTPLLN - Thành viên Ban Quản lý Chương trình về dự thảo Đề án: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” và báo cáo của Đ/c Cao Thế Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông ALO MEDIA về dự thảo Kế hoạch tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật, ý kiến phát biểu từ các đồng chí dự họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trưởng Ban Quản lý Chương trình đã có kết luận chỉ đạo như sau:
1. Về hoạt động xây dựng Đề án:      
 Đánh giá cao Văn phòng Chương trình HTPLLN, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã chuẩn bị và phối hợp thực hiện các hoạt động xây dựng Đề án và chuẩn bị kỹ tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp lấy ý kiến xây dựng Đề án.
     - Về cơ cấu chung của Đề án: Nhất trí với báo cáo của Văn phòng Chương trình báo cáo các hoạt động thực hiện xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Vì là Dự thảo 01 nên cần xây dựng theo yêu cầu của đề cương xin ý kiến của Ban Quản lý trước khi xây dựng dự thảo để thống nhất các nội dung. Điểm những kết quả đã đạt được, vướng mắc, khó khăn còn tồn đọng để kịp thời đưa ra những phương án xây dựng Đề án thiết thực phù hợp với thực tiễn. Xác định được những nhiệm vụ mới đặt ra cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thời gian tới và nhấn mạnh nhu cầu của doanh nghiệp.
    - Về thực trạng: Cần làm kỹ hơn theo tình hình thực tế sau dịch Covid-19 chỉ ra cách làm hay, mô hình tốt áp dụng; xác định rõ vướng mắc do pháp luật và do thi hành pháp luật để có giải pháp cho phù hợp.
   - Về quan điểm, mục tiêu: Cần ghép các ý nhỏ theo các ý lớn mang tính tổng thể, bao quát cho đúng với tên Đề án và phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp khi áp dụng. Đồng thời quan điểm, mục tiêu chung cũng cần sát hơn từng giai đoạn cụ thể, lấy doanh nghiệp làm mốc để đưa ra mục tiêu. Phân tích kinh nghiệm nước ngoài và áp dụng các kinh nghiệm này đối với Việt Nam.
   - Về nhiệm vụ, giải pháp: Còn đang trùng lặp, cần phân tách cụ thể giữa nhiệm vụ và giải pháp, trọng tâm là khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp để đưa ra hướng xây dựng Đề án cho phù hợp với mục tiêu chung.
Đồng thời Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trưởng Ban Quản lý Chương trình cũng đưa ra chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đề án theo hướng tổ chức khảo sát, lấy ý kiến góp ý, chuẩn bị hồ sơ trình sớm và cần hoàn thiện hoàn chỉnh Đề án kịp trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12 năm 2022.
2. Về hoạt động Kế hoạch Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật
- Nhất trí thực hiện chủ trương xây dựng, thực hiện Diễn đàn và cố gắng lên Kế hoạch tổ chức là sự kiện hàng năm phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Thực hiện mỗi năm làm 01 chủ đề về những khó khăn, vướng mắc pháp lý, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đồng ý lấy tên là “Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật” để thực hiện. Đồng thời yêu cầu thiết kế logo chung cho Diễn đàn để tạo hình ảnh chung giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Yêu cầu về chủ đề năm 2022 khi được tổ chức nên biên tập ngắn gọn lại chủ đề và giúp được doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Mục đích và sản phẩm đầu ra: có 1 Diễn đàn chung để doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trao đổi với các khó khăn, vướng mắc phát sinh khi áp dụng các quy định pháp luật vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời doanh nghiệp cần hướng dẫn, đổi mới hỗ trợ cách làm, cách tiếp cận pháp luật nên triển khai sớm giúp kịp thời xóa bỏ rào cản vướng mắc pháp lý.
Chủ trương chung là sinh động, thiết thực, hiệu quả: Xử lý đúng vấn đề, vướng mắc ở đâu giải đáp ở đó, doanh nghiệp mạnh thì nhà nước mạnh. Sản phẩm đầu ra phải rất cụ thể như: có báo cáo tổng hợp theo các nhóm doanh nghiệp và có giải pháp đi kèm; doanh nghiệp hiểu sai thì hướng dẫn họ áp dụng và hỗ trợ thực hiện đúng quy định pháp luật.
- Nội dung của Diễn đàn: đã chi tiết và đầy đủ, tuy nhiên, cần phát hiện thêm các nội dung mới hơn, khác biệt hơn và hệ thống hóa lại. Bổ sung thêm thành phần tham gia là mời các cơ quan nhà nước trong nhiều lĩnh vực có liên quan và mời Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Các diễn giả tham gia đối thoại là Lãnh đạo cấp Cục, Vụ của các bộ, ngành, mời Lãnh đạo các Bộ tham dự nghe và giải đáp vấn đề liên quan đến Bộ của mình; đẩy mạnh công tác truyền thông trước, trong và sau sự kiện, có thể livestream trên các mạng xã hội để phổ cập, tương tác rộng rãi.
- Về kinh phí tổ chức thực hiện: Nhất trí sử dụng một phần kinh phí từ chương trình HTPLLN cho 1 số hoạt động cụ thể (thuê hội trường, ấn phẩm, tài liệu...), đồng thời vận động xã hội hoá từ các tổ chức, cá nhân để đảm bảo đủ kinh phí tổ chức.
Đề nghị Văn phòng Chương trình phối hợp với Công ty Cổ phần truyền thông ALO MEDIA xây dựng Kế hoạch hoàn chỉnh báo cáo Bộ trưởng trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thực hiện và yêu cầu các bộ, ngành khác phối hợp.
Chi tiết xin xem file đính kèm