Cụ thể, áp dụng mức phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền thấp nhất là 500 nghìn đồng tới cao nhất là 100 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hải. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài các hình thức xử phạt được quy định trên, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau: vi phạm quy định về dấu hiệu cảnh báo cho tàu cập cầu an toàn theo quy định; không bố trí người buộc, cởi dây cho tàu thuyền theo quy định; không thông báo kế hoạch điều độ tàu thuyền vào, rời cảng cho Cảng vụ hàng hải theo quy định; để các vật trên cầu cảng hoặc chiếm dụng không gian phía trên cầu cảng gây trở ngại cho tàu thuyền cập, rời cầu cảng hoặc gây trở ngại cho các hoạt động khác tại cảng.
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm: Sử dụng người lao động không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định; không thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải về các sự cố, tai nạn có liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và ô nhiễm môi trường tại cảng theo quy định; không cung cấp cho Cảng vụ hàng hải số liệu độ sâu vùng nước trước cầu cảng định kỳ theo quy định; không thực hiện khảo sát định kỳ để công bố thông báo hàng hải về độ sâu vùng nước trước cầu cảng và các khu nước, vùng nước khác theo quy định; thiết bị chiếu sáng tại cầu cảng không hoạt động được hoặc hoạt động không đúng quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Đối với các hành vi cho tàu thuyền vào cảng hoặc neo đậu tại vùng nước cảng biển khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải; tự ý bốc, dỡ hàng hóa khi tàu thuyền chưa hoàn thành thủ tục vào cảng theo quy định; hệ thống đệm chống va, bích buộc tàu của cầu cảng không đủ hoặc không bảo đảm an toàn cho tàu thuyền neo đậu; không có hoặc không làm thủ tục xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển theo quy định hoặc không thực hiện đầy đủ Kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt theo quy định; không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời, chính xác các thông tin an ninh hàng hải cho cơ quan có thẩm quyền; không tổ chức diễn tập hoặc không thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải theo quy định; không bố trí đủ cán bộ an ninh cảng biển theo quy định; bố trí cầu cảng, bến phao cho tàu thuyền vào, rời không bảo đảm thời gian theo kế hoạch điều động tàu thuyền của Cảng vụ hàng hải hoặc không bảo đảm các điều kiện theo quy định; không trang bị thiết bị chiếu sáng tại cầu cảng theo quy định bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Mức phạt tiền cao nhất tới 100 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi: Bên thuê lại cho thuê kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng được thuê; nổ mìn hoặc các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất nguy hại trái quy định có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng công trình hàng hải khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khai thác khoáng sản, nạo vét trái phép trên luồng hàng hải, phạm vi bảo vệ luồng hàng hải, vùng nước cảng biển; thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình hàng hải; tàu thuyền nước ngoài tham gia vận tải nội địa hoặc thực hiện các hoạt động đặc thù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định...
Mức phạt tiền của mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2018. Doanh nghiệp quan tâm có thể tải file đính kèm tham khảo