Bắc Giang: Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 22/9, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Đoàn Luật sư các tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Giang và Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tuyến tư vấn pháp luật về các chính sách, vướng mắc trong hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho DN nhỏ và vừa.

Tham dự tại điểm cầu Bắc Giang có đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của Sở Tư pháp, Hiệp hội DN, Hiệp hội Bất động sản, Đoàn Luật sư và Hội Luật gia tỉnh.
 

Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang.
 

Tại hội nghị, đại diện Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam) thông tin, từ khi có Nghị định 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về HTPL cho DN, nhận thức về vị trí, vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương về hoạt động này đã có những thay đổi rõ nét, dành nhiều sự quan tâm về nguồn lực để triển khai. Mặc dù vậy một số DN vẫn chưa thấy hết được giá trị to lớn từ hoạt động này, chưa quan tâm xây dựng chiến lược phòng ngừa rủi ro, đối phó với khủng hoảng, trong đó có rủi ro pháp lý.

Trao đổi tại hội nghị, các đại biểu cho rằng trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, hội nhập quốc tế sâu rộng nên đòi hỏi phải thực thi và tuân thủ nghiêm các nguyên tắc quốc tế. Trong khi đó, dù chiếm số lượng lớn (hơn 98% tổng số DN) song do quy mô sản xuất nhỏ, ít quan tâm đến các vấn đề liên quan nên hầu hết DN đều rơi vào các vấn đề liên quan đến pháp lý, nhất là tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngay trong nội bộ, quản lý DN...

Một số luật sự nêu, khi tham gia giải quyết các tranh chấp của DN cho thấy phần lớn nguyên nhân là do DN không kiểm tra các giao dịch mình thực hiện, khâu rà soát văn bản, hợp đồng ban đầu của các DN không được chú trọng... Để hỗ trợ DN, các đại biểu cho rằng, mỗi DN khác nhau lại có nhu cầu hỗ trợ pháp lý khác nhau.

Ví như đối với DN mới thành lập, các chủ DN cần được hỗ trợ để lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với khả năng, năng lực tài chính cũng như thủ tục thành lập DN, thủ tục đăng ký kinh doanh. Còn với DN đang hoạt động, cần được hỗ trợ về quản trị, điều hành DN; tư vấn giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, tư vấn về chia tách, hợp nhất, sáp nhập...

Thảo luận tại hội nghị, luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sự tỉnh Bắc Giang cho biết, UBND tỉnh giao cho 7 sở, ngành, đơn vị, trong đó có Đoàn Luật sự tỉnh ký quy chế phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh trong thực hiện hoạt động HTPL cho DN.

 

Luật sư Trần Văn An nêu ý kiến tại hội nghị.
 

Trên cơ sở quy chế phối hợp, hằng năm, Đoàn Luật sư tỉnh đều xây dựng, thực hiện các chương trình hỗ trợ thông qua các hội nghị trực tiếp tại DN, hội nghị tập huấn chung; phối hợp tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” để lắng nghe, nắm bắt nhu cầu của các DN.

Trao đổi một số nội dung liên quan, luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, với các dịch vụ pháp lý như: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và dịch vụ pháp lý khác, đội ngũ luật sư luôn bên cạnh khi DN cần, sẵn sàng đưa ra lời khuyên, chỉ dẫn, phân tích các quy định của pháp luật. Để luật sư và DN gắn bó, đồng hành cùng với nhau, ngoài nỗ lực của đội ngũ luật sư, các DN cần chủ động mời luật sư tham gia trực tiếp trong bộ phận pháp chế của DN hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý để các công việc thực hiện đúng quy định, không phát sinh tranh chấp nội bộ, khiếu nại, khiếu kiện hay vi phạm hành chính, thậm chí vi phạm hình sự...

Sỹ Quyết
Báo Bắc Giang