Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022: Dấu ấn Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 được tổ chức vào ngày 20/12/2022 tại Trung tâm Hội nghi quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) và để sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 được tổ chức vào ngày 20/12/2022 tại Hà Nội để sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, đồng thời khơi dậy tiềm năng nội tại của doanh nghiệp Việt Nam để phục hồi và phát triển, việc cơ quan nhà nước chủ động phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp nhận diện và khơi thông đúng và trúng, kịp thời các nút thắt, điểm nghẽn pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, đạt được những thành tựu mới là vô cùng cần thiết, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của thể chế cũng như năng lực cạnh tranh của quốc gia. Vì vậy, Ban Tổ chức Diễn đàn đã thống nhất lựa chọn chủ đề của Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 là “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”.
 


Diễn đàn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long; Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội  Trần Hồng Nguyên; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng lãnh đạo các cơ quan, bộ ban ngành liên quan, các chuyên gia, và đại diện các doanh nghiệp.
 

Được xác định là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong năm 2022 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật đã được thực hiện từ sớm. Ngày 23/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1901/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022, trong đó xác định rõ 03 mục đích tổ chức Diễn đàn: (1) Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại điểm g mục 3.III Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý; (2) Tạo Diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước nhằm nhận diện, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong áp dụng các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; và (3) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021.

Phát biểu tại Diễn đàn, Đ/c Phan Chí Hiếu – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Tổ chức chia sẻ: Diễn đàn không chỉ có ý nghĩa đặc biệt trong chuỗi hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong năm 2022 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, mà còn được định hướng trở thành là một trong những sự kiện nổi bật của Bộ Tư pháp, hướng đến tạo dựng được niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào quyết tâm của không chỉ Bộ Tư pháp, mà còn của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước nói chung trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp, sẵn sàng lắng nghe, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp. Do đó, Ban Tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 được thành lập theo Quyết định số 2094/QĐ-BTP ngày 25/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu làm Trưởng ban, với thành viên Ban Tổ chức là các lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa...
 

Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý” do Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp điều phối; các diễn giả bao gồm Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương; và Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang & Associates.
 

Nội dung phiên thảo luận thứ nhất của Diễn đàn tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến sự phục hồi của doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp (gồm nhận diện các vướng mắc pháp lý, nguyên nhân của các vướng mắc đó và phương hướng xử lý).

Trong quá trình tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp, mà doanh nghiệp gặp phải nhiều bất cập pháp lý. Chính sách, pháp luật còn chưa mang tính ổn định, lâu dài, chưa dự liệu, lường trước được những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đưa vào triển khai. Khâu thực thi, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống còn lúng túng, bị động; một số thủ tục hành chính còn rườm rà, áp dụng không thống nhất giữa các địa phương, khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các gói hỗ trợ này. Ví dụ, đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng của Nhà nước, theo kế hoạch, số tiền được giải ngân cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trong năm 2022 dự kiến thông qua chương trình này sẽ là 16.035 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến 31/10, số doanh nghiệp tiếp cận được gói này chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp với mức giải ngân chỉ 13,5 tỷ, do điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ này khá ngặt nghèo khiến doanh nghiệp khó có thể đáp ứng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thời gian qua đã bị thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lạm phát – khiến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp “chông gai” hơn. Các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; các gói hỗ trợ về lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội; vướng mắc về quy định pháp lý và thủ tục hành chính về tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi; các phương thức quản trị rủi ro pháp lý tiếp cận gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý do Covid-19 (và hậu Covid-19) để doanh nghiệp phục hồi... cũng là các chủ đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, cần được các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh” do Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội điều phối; các diễn giả bao gồm Ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ông Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương; Ông Đinh Việt Tùng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty LICOGI, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bảo Minh; Bà Vũ Thị Châu Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; và Ông Trần Anh Đức – Luật sư thành viên Công ty luật Allen & Overy.

Nội dung phiên thảo luận thứ hai của Diễn đàn tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp, hướng đến việc tạo động lực và nền tảng cho doanh nghiệp phát triển, bứt phá, bao gồm việc nhận diện các rào cản pháp lý để có giải pháp khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay, rào cản lớn đối với động lực phát triển, bứt phá của doanh nghiệp là hệ thống quy định pháp luật còn nhiều hạn chế, trong khi thủ tục sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật không hề đơn giản, nhanh chóng; khâu thực thi, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống còn bị động, thiếu thống nhất. Ví dụ, vẫn còn nhiều ý kiến từ giới chuyên gia, doanh nghiệp phản ánh về những vướng mắc về thủ tục đầu tư bởi những quy định liên quan tới Luật Đất Đai, quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng. Cùng một dự án đầu tư xây dựng nhà ở nhưng cùng một lúc được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tiềm ẩn những tầng quy định chồng chéo, không thống nhất về điều kiện, quy trình, thủ tục thực hiện. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực trong suốt thời gian qua trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo hành lang pháp lý nhất quán linh hoạt để giúp doanh nghiệp tăng khả năng tự chủ trong hoạt động đầu tư kinh doanh, tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều những điều kiện đầu tư định tính, thiếu rõ ràng, chung chung, doanh nghiệp không thể đáp ứng, hoặc đáp ứng được nhưng cũng không dám mạnh dạn đầu tư do sợ vi phạm pháp luật.

Kết quả tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022

Sau gần 04 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 đã cơ bản hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Trong hai phiên thảo luận sôi nổi, bên cạnh các vấn đề kinh tế, kỹ thuật, Diễn đàn tập trung vào các khía cạnh pháp lý nhằm nhận diện các vướng mắc, rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp hiện nay và tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đó để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong bối cảnh hậu Covid-19 và triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình đối với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, những kết quả tích cực mà các gói hỗ trợ này mang lại và những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận các gói hỗ trợ; các đại biểu cũng trao đổi tích cực về các biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật, trước những áp lực, thách thức mới của nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ, từ vấn đề doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% khi tính đến rủi ro pháp lý khi cơ quan nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra, các diễn giả thảo luận sôi nổi về việc một trong những lý do doanh nghiệp còn thụ động trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ, ngân hàng thương mại còn rụt rè triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi vì còn tâm lý e ngại rủi ro pháp lý khi cơ quan nhà nước tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kê khai và nộp thuế, kiểm soát rủi ro tín dụng...

Kết quả quan trọng của Diễn đàn là Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành, địa phương được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, người làm thực tiễn, doanh nghiệp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Đảng và nhà nước, nhất là các định hướng về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Trung ương 6 Khóa về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, thông qua Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thấy được vai trò của pháp luật cho sự phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp; thông qua đó, doanh nghiệp tự nhận thức về việc cần chủ động, sáng tạo, đề cao “nguyên tắc pháp quyền” trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Các cơ quan nhà nước cũng như Bộ Tư pháp sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp, “theo sát” và tháo gỡ đến cùng các vướng mắc pháp lý góp phần tháo gỡ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
 

Là một hoạt động thiết thực, giàu ý nghĩa, kết nối nhiều mục tiêu quan trọng, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở những chia sẻ, trao đổi tại hội trường, mà Bộ Tư pháp (thông qua Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025) sẽ tiếp tục theo đuổi, hỗ trợ nhằm tìm ra lời giải cụ thể, rõ ràng cho những khó khăn, vướng mắc pháp lý được nhận diện trong khuôn khổ Diễn đàn thông qua việc kết nối, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương sau Diễn đàn. Đây là hoạt động mang tính chất đặc trưng, liên ngành của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì, thể hiện cam kết, quyết tâm của Bộ Tư pháp (và Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025) trong việc nhận diện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển./.